Hà Tĩnh: Chính quyền treo đất vàng của dân đến bao giờ?
VOV.VN - Vụ việc khiếu nại của 55 hộ dân ở khu vực Gia Lách thực sự không quá phức tạp nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh không tự làm cho rắc rối, kéo dài.
Từ những năm 1991-1993, hàng chục hộ dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh tần tảo, chắt chiu, gom góp mua được một lô đất theo hình thức xét giao có thu tiền mua (hoặc nhận chuyển nhượng của đối tượng khác) tại xã Xuân An (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để làm nhà ở nhằm hợp lý hóa gia đình trở về công tác ở địa phương khi tỉnh Hà Tỉnh được tái lập.
Thế nhưng sau 1/4 thế kỷ, họ vẫn không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì đối với lô đất của mình, mặc dù các hộ gia đình đã liên tục có đơn khiếu nại hàng chục năm nay.
Khu đất vàng của người dân đang bị "treo". |
Vậy nhưng khi họ khởi công xây dựng nhà thì bị đình chỉ bởi Quyết số 1217 ngày 11/10/1993 với lý do: “Xây dựng nhà ở, trên khu đất chưa có quy hoạch, vi phạm chỉ giới an toàn giao thông, vi phạm quy tắc luật lệ xây dựng”.
Theo phản ánh của các hộ dân và ý kiến của các chuyên gia pháp lý thì Quyết định này được ban hành không có căn cứ pháp lý và thực tiễn, bởi khu đất này là đất có quy hoạch dân cư, và không vi phạm hành lang an toàn giao thông...
Ông Nguyễn Đình Quang - nguyên Kỹ sư Ban Quản lý dự án 385- Bộ Giao thông Vận tải, một trong những hộ dân ở khu vực này cho biết: “Chúng tôi được Ban quản lý quy hoạch giao đất có mốc giới rõ ràng, đã nộp tiền đất nhưng khi chuẩn bị xây dựng thì bị đình chỉ nhưng không thu hồi đất.
Tóm lại thủ tục trình tự cấp đất ở đây cho dân là không có vấn đề gì, nhưng chúng tôi bị treo quyền lợi 25 năm nay mà chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, đoàn thanh tra đã bỏ qua văn bản pháp lý quan trọng như quyết định về quy hoạch khu dân cư Xuân An, Quyết định 255/1992 của UBND tỉnh giao cho UBND huyện Nghi Xuân và xã Xuân An bố trí các lô thửa giao cho dân theo quy hoạch chi tiết kèm theo”.
Các chuyên gia pháp lý và người dân đều có chung nhận xét: Quyết định số 1217 ngày 11/10/1993 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc đình chỉ xây dựng của các hộ này với lý do “xây dựng không đúng quy hoạch và vi phạm luật lệ trật tự xây dựng” là một quyết định có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không phù hợp với thực tế địa phương và tính lịch sử của vụ việc.
Vụ việc càng phức tạp hơn, khi đoàn thanh tra liên ngành (được thành lập theo Quyết định 2188 ngày 4/8/2014) sau 3 năm vẫn không ban hành kết luận mà đưa ra thông tin không có căn cứ pháp lý và có phần vô trách nhiệm rằng: “Do đất cấp sai quy hoạch, không đúng đối tượng, sai thẩm quyền nên tỉnh sẽ có phương án “trả lại tiền mà dân đã nộp vào năm 1992, cộng với lãi suất ngân hàng.…”.
Bởi thực tế khu đất này đã có quy hoạch chi tiết được duyệt là quy hoạch dân cư, còn nói về đối tượng thì thời điểm ấy các cán bộ Hà Tĩnh làm gì có hộ khẩu ở địa bàn. Mặt khác đối tượng chỉ có ý nghĩa khi xét cấp đất chứ hoàn toàn không có ý nghĩa đối với việc xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Điều này được ông Lương Bá Tý, nguyên Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh phân tích: Theo quy định tại Nghị định 84 thì đất được mua cấp trước 15/10/1993 mà không trái với quy hoạch, không lấn chiếm thì dù chưa nộp tiền mà đã có biên bản giao đất thực địa thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lẽ ra các đối tượng này phải được cấp đất vậy mà tỉnh cứ để kéo dài.
Sau 1/4 thế kỷ, hàng chục hộ dân vẫn không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì đối với lô đất của mình. |
Khi làm việc với phóng viên VOV, bà Nguyễn Thị Nữ Y, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh khẳng định: Vụ việc tồn đọng kéo dài do lỗi của chính quyền khi không xem xét giải quyết quyền lợi cho người dân trên tinh thần quy định của pháp luật và tính lịch sử của vụ việc.
Bà Y nói: “Quy hoạch mà tỉnh nói là quy hoạch sau khi đã cấp đất cho dân, nếu nói vi phạm chỉ giới giao thông thì giải quyết lùi vào thì người dân cũng đồng ý, trước 120 m nay lùi lại lấy 100 m, sao không làm. Bảo là cấp trái thẩm quyền, nếu vậy là lỗi của chính quyền chứ đâu phải lỗi của người dân, và tại sao từ năm 2012-2014 Hà Tĩnh đã giải quyết hơn 1.000 trường hợp đất cấp sai thẩm quyền thì Hà Tĩnh không giải quyết những trường hợp này? Còn nói không đúng đối tượng thì thời ấy cán bộ chủ chốt của Hà Tĩnh thử hỏi có ai có hộ khẩu ở Xuân An nói riêng và Hà Tĩnh nói chung mà vẫn được cấp đất?…
Vào thời điểm đó người ta bỏ ra 4 triệu để lấy đất ở Xuân An là lớn lắm. Nếu nhà nước không cấp thì với số tiền đó người dân cũng mua được đất nơi khác đẹp hơn. Do vậy tại 2 kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua chúng tôi đã yêu cầu UBND tỉnh phải tập trung xử lý xong trong tháng 11 với tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người đã mua cấp đất, chứ không thể vì có sai sót của chính quyền mà để dân thiệt hại…”
Đất của một số hộ dân bị giao cho khách sạn Xuân Lam làm đường. |
Vào năm 1991-1992, khi tách tỉnh, UBND tỉnh đã có quy hoạch cấp đất ở cho cán bộ trở về công tác tại Hà Tĩnh ở Nam Cầu Bến Thủy. Lúc đó cũng đã giao thực địa, song chưa giải quyết triệt để. Sau này do quy hoạch lại, đất chuyển đổi từ thuộc xã Xuân An lên thị trấn Xuân An, thì tỉnh có quyết định đình chỉ nhưng lại không giải quyết các hậu quả của đình chỉ. Vụ việc kéo dài mãi đến bây giờ.
Quan điểm của ngành TNMT là phải tiếp tục cho người dân sử dụng, hoặc cấp nơi khác hoặc trả bằng tiền cho dân chứ không thể lấy không của dân được, bởi thời diểm 1992 họ được cấp và đa số đã nộp tiền và quyền lợi của họ đã có từ thời điểm đó. Người dân hoàn toàn không có lỗi, thì nhà nước phải chịu trách nhiệm…”.
Vụ việc khiếu nại của 55 hộ dân ở khu vực Gia Lách thực sự không quá phức tạp nếu UBND tỉnh Hà Tĩnh không tự làm cho rắc rối, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ lãnh đạo như vậy. Đã đến lúc các ngành, các cấp ở Hà Tĩnh phải tập trung giải quyết triệt để với tinh thần đúng luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Xin đừng vì chính quyền sai mà buộc dân phải chịu thiệt hại./.
Đất vàng cho thuê tại Tổng cục Địa chất và Khoáng sản: Ai trục lợi?
Nhiều dự án trên “đất vàng” TPHCM 10 năm vẫn "án binh bất động"