Nhìn lại 30 năm Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR)
VOV.VN - Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) là một thành tựu lịch sử trong khu vực và là một trong những cột mốc quan trọng đối với hội nhập kinh tế Mỹ Latin, với kỳ vọng vượt lên tư duy trước đó về sự đối đầu giữa các quốc gia và tạo ra động lực hợp tác.
LTS: Báo Điện tử VOV xin trân trọng giới thiệu bài viết của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Thương mại Quốc tế và Tôn giáo Argentina, Felipe Solá, về Khối Thị trường chung Nam Mỹ nhân dịp 30 năm thành lập khối kinh tế này. Bài viết do Đại sứ quán Argentina tại Việt Nam cung cấp:
“Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) được thành lập bởi Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay thông qua Hiệp ước Asunción năm 1991. Khối là một thành tựu lịch sử trong khu vực và là một trong những cột mốc quan trọng đối với hội nhập kinh tế Mỹ Latin, với kỳ vọng vượt lên tư duy trước đó về sự đối đầu giữa các quốc gia và tạo ra động lực hợp tác.
Với gần 300 triệu dân và diện tích gần 15 triệu km2 (50% lớn hơn so với lục địa châu Âu và gần bằng diện tích của Nga), MERCOSUR được biết đến với tiềm năng to lớn về tài nguyên thiên nhiên và lương thực. Khối xuất khẩu 63% tổng sản lượng đậu nành của thế giới; khối là nhà xuất khẩu thịt bò, thịt gà, ngô, cà phê và sắt hàng đầu thế giới và đứng thứ tám về sản xuất ô tô. GDP toàn khối ước đạt 4.467 tỷ USD vào năm 2019 (tính theo sức mua tương đương), và là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới.
Các mục tiêu rõ ràng khi thành lập MERCOSUR là tập trung vào kinh tế và thương mại, tuy nhiên, khối cũng có vai trò củng cố nền dân chủ và xóa bỏ xung đột. Hòa bình là điều kiện thiết yếu để phát triển, và hội nhập khu vực đã trở thành công cụ chủ chốt giúp củng cố hòa bình và hợp tác tại khu vực Mỹ Latin, nơi không có xung đột vũ trang.
Từ năm 1991, chúng tôi bắt đầu tạo lập một khu vực mậu dịch tự do, nơi mà hàng hóa và dịch vụ nội khối được lưu thông không hạn chế và một mức thuế quan chung trong giao thương với phần còn lại của thế giới. Điều này cho phép thương mại của khối phát triển một cách đồng đều và mạng mẽ. Chúng tôi cũng gặt hái thành công trong việc thúc đẩy giao lưu hàng hóa có giá trị gia tăng giữa 4 quốc gia đối tác cho phép thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu phi truyền thống và tạo việc làm với giá trị gia tăng cao (nhiên liệu sinh học, hóa chất và hóa dầu, nhựa, dược phẩm, sắt thép, ô tô và một số mặt hàng khác). Do đó, trong khi MERCOSUR là nhà xuất khẩu truyền thống và có danh tiếng các sản phẩm thiết yếu, trao đổi thương mại chính giữa các đối tác của khối là các sản phẩm công nghiệp hóa, ví dụ như thương mại ô tô (gần 50% thương mại toàn cầu giữa Argentina và Brazil).
Đồng thời, MERCOSUR luôn hoạt động dựa trên sự hài hòa với các quy định kỹ thuật, nhằm mang lại sự an toàn trong sản xuất và an toàn cho người tiêu dùng mà không cản trở tự do thương mại. Về mặt sức khỏe cộng đồng, sự phối hợp giữa các nước nội khối luôn đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. Công dân MERCOSUR cũng có thể định cư và làm việc tự do ở một quốc gia thành viên khác trong khối, một điều không mấy phổ biến ở các khu vực khác trên thế giới.
Năm 2004, MERCOSUR thành lập Quỹ Hội tụ Cấu trúc nội khối, và thông qua Quỹ này, hơn 1 tỷ USD đã trở thành các khoản vay không hoàn lại cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển sản xuất, và cùng với nhiều quỹ khác, khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế thành viên đã được gia tăng đáng kể, đặc biệt là ở các khu vực kém phát triển.
Mặt khác, từ những năm đầu thành lập, MERCOSUR đã đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại với hầu hết các nước trong khu vực Mỹ Latin, tạo ra một khu vực thương mại tự do bao gồm hầu hết các nước Mỹ Latin. Tương tự như vậy, chúng tôi cũng đã đàm phán các hiệp định thương mại với Liên minh châu Âu, EFTA, Israel, Ai Cập, Ấn Độ và các quốc gia phía nam châu Phi, cùng những nước khác. MERCOSUR không đóng cửa với thương mại ngoại khối, mà là một nền tảng để các quốc gia thành viên có thể tự quảng bá mình với phần còn lại của thế giới.
Bên cạnh đó, hợp tác trong MERCOSUR đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, bao gồm văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, xây dựng quyền công dân chung, điều phối các chính sách kinh tế và xã hội, v.v. Các lĩnh vực hợp tác trong khối rất đa dạng và không ngừng đổi mới trong bối cảnh quốc tế và bản thân các nước thành viên luôn yêu cầu thay đổi.
Những thành tựu mà khối đã tạo ra trong ba thập kỷ vừa qua rõ ràng không ngụ ý rằng không có một loạt thách thức tồn tại phía trước. Do đó, chương trình nghị sự chiến lược của MERCOSUR bắt buộc các quốc gia thành viên phải nỗ lực để xác định chính sách chung, phối hợp để phát triển sản xuất và tăng cường năng lực sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tạo ra nền kinh tế theo quy mô và chuyên môn hóa, đồng thời đưa khối vào chuỗi cung ứng và giá trị, cũng như tiếp cận dòng vốn toàn cầu một cách khôn khéo hơn.
Đồng thời, MERCOSUR có vai trò và nhiệm vụ phát triển trên trường quốc tế. Cả trong G20, WTO, FAO và các tổ chức quốc tế khác, sự đoàn kết của các quốc qia thành viên giúp chúng tôi bảo vệ vị thế của mình trên trường quốc tế. Trước bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và bị chia cắt, việc liên kết giữa các thành viên như MERCOSUR đang thực hiện càng cho thấy sự phù hợp hơn bao giờ hết.
Chúng tôi tin rằng mục đích của hội nhập là tìm kiếm các thỏa thuận, tôn trọng sự đa dạng của các quốc gia thành viên và khơi dậy quyết tâm hội nhập. MERCOSUR thúc đẩy chủ nghĩa đoàn kết khu vực trong các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội, bởi lẽ chúng tôi biết rằng cùng nhau đối mặt với thách thức giúp chúng tôi ngày càng mạnh mẽ hơn.
MERCOSUR là công cụ chính sách đối ngoại phù hợp nhất trong 30 năm qua đối với các quốc gia thành viên. Nói một cách ngắn gọn, nó là chính sách nhà nước được duy trì độc lập với những thay đổi của chính phủ. Trong chặng đường này, chúng tôi đã thống nhất: cam kết lấy dân chủ làm điều kiện cơ bản phục vụ cuộc sống của người dân; tôn trọng quyền con người như một giá trị thiết yếu và không thể chối bỏ; công nhận sự đa dạng của các quốc gia thành viên; điều phối các chính sách tăng trưởng nhằm tích hợp cấu trúc sản xuất của các nền kinh tế thành viên.
Thế giới đang trải qua giai đoạn tái cấu trúc quyền lực, bên cạnh các khủng hoảng về thể chế quốc tế tồn tại suốt bảy mươi năm qua. Đối mặt với những thách thức và bất ổn do viễn cảnh này đặt ra, chúng ta không nghi ngờ rằng hội nhập tiếp tục là phương thức tốt nhất để thúc đẩy phát triển, bảo vệ chủ quyền, thúc đẩy hạnh phúc của các dân tộc và hội nhập quốc tế.”/.