Ai rồi cũng đến lúc dịu dàng
Thuở 18, đôi mươi mấy chị em còn ăn chung một mâm cơm, dùng chung chiếc xe đạp, vẫn mạnh mồm tuyên bố “có ế cũng chả sao vì chúng mình còn có nhau”.
Mùa lũ, cả xóm kéo nhau lên căn gác xép của cô Trâm chủ trọ. Nhà cô nước vào xâm xấp tầng trệt nên cô cũng nhập bọn với hội gác xép. Ăn hết chỗ bánh trái, mì tôm dự trữ, mấy cô cháu ôm bụng đói đi ngủ. Bảo là ngủ nhưng tiếng cười nói rúc rích, râm ran suốt đêm, toàn những chuyện dang dở, chuyện chị Yến yêu xa, chuyện cái Hoài viết thư tình lén gửi cậu bạn lớp trưởng, chuyện cô Trâm 39 tuổi đã mất chồng, đến một mụn con chú cũng không để lại.
2 giờ sáng bão nổi, tiếng mưa giáng lên mái tôn tưởng như vỡ đôi ngay trên đầu người. Chị Yến gọi mấy đứa chạy xuống nhà kê đồ đạc lên thật cao, hì hục cả tiếng mới làm xong, lại ríu rít gọi nhau lên gác. Cái lạnh từ đâu ùa về, len lỏi vào góc phòng, luồn cả vào khăn áo, da thịt, mấy cô cháu ôm nhau thấy lòng cũng bớt lạnh.
Tự nhiên thấy thương nhau dã man. Thương mái tôn của cô run cầm cập theo từng hồi gió, chỉ tại nhà không có đàn ông. Thương chị Trang bị mấy gã vô duyên chê mặt đầy mụn, chỉ tại nhà nghèo đông anh em, chị vùi đầu học và làm thêm, lấy đâu thời gian làm đẹp. Thương chị em cô Mộc xinh đẹp mà tình trường đa đoan. Thương hai đứa em út xa nhà hay đau ốm, mùa đông lặn lội đội mưa đi học. Thương chị Yến có ông sếp cộc tính, tháng nào cũng dọa đuổi việc, trừ lương. Rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, sáng dậy đã thấy nước lũ mênh mông đỏ ngầu, đồ vật trôi nổi dập dềnh. Thấy cô khẽ thở dài, mấy chị em đanh giọng nói “cô ơi có gì đâu, nước rút cái tụi con lại giúp cô dọn dẹp đâu vào đó, xóm mình toàn mấy nàng mạnh mẽ mà”.
Có hôm xóm được trộm viếng thăm. Nghe tiếng động lạ, mấy chị em vùng dậy bật đèn sáng choang, chị Miên chưa kịp thể hiện tài năng đai đen Taekwondo, tên trộm đã chạy thoát thân sau khi bị Nguyệt phi cán chổi vào đầu.
Có hôm chị Yến đi làm về mắt đỏ hoe bảo người yêu đã bỏ chị. Thế là cả xóm ai cũng độc thân. Lần đầu tiên cô Trâm cho phép mua bia về uống. Hôm đấy mấy chị em uống bia và ăn chân gà nướng bét nhè, chị Yến say đầu tiên, rưng rưng nói “cần gì đến đàn ông, xóm mình cứ thế quây quần ở mãi với nhau”.
Vậy mà chị Yến rời xóm đầu tiên, chị bảo về quê cưới chồng theo sắp đặt của bố mẹ. Ngày tiễn chị, ai cũng buồn. Một năm sau chị nhờ chồng đánh ô tô đến đón cả xóm về quê chị chơi, tiện thể thăm bé con mới đầy tháng. Gặp mọi người, chị Yến dịu dàng ẵm con, mắt long lanh kể “ngày đó cưới chỉ để vừa lòng bố chị đang bệnh ung thư nhưng ở về sống chung mới thấy rất yêu và cần nhau”.
Rồi Nguyệt và Trà lên đại học chuyển đến một thành phố khác, cùng năm đó chị Mộc Miên, Mộc Lan lên xe hoa. Chị Trang và cô Trâm phóng ảnh cưới của hai hoa khôi xóm treo trang trọng trên tường. Thỉnh thoảng ngó lên nhìn những váy trắng tinh khôi và nụ cười hiền, hai cô cháu lại không dưng mỉm cười. Hai cô bé sinh viên gọi điện về khoe đã có người yêu, cô Trâm trêu “chắc lại sắp rồi”. Cô chỉ còn lo chị Trang như quả bom lâu ngày chưa chịu nổ, đi làm đã ba năm mà vẫn lẻ bóng.
Đùng một cái chị về báo sắp xuất ngoại theo chồng, cô Trâm bán tín bán nghi. Sát Tết, Trang gọi mấy chị em về họp tất niên để ra mắt chồng sắp cưới. Nhìn chị Trang cười bẽn lẽn bên chàng Tây tất bật phụ chị nấu nướng, ai cũng thấy vui lây. Lúc dọn hành lí, chị Trang sụt sịt khóc, thương cô Trâm ở lại một mình. Cô cười xòa bảo “mấy đưa chuyển ra hết cô rao phòng cho người mới, mắc mớ gì ở một mình”. Ngày nhận được thư và ảnh cưới chị Trang gửi về từ trời Tây, cô khẽ cười tự nhủ “ai rồi cũng đến lúc dịu dàng, và hạnh phúc, như chính mình đã từng”./.