Chồng thương tiền hơn thương vợ con
VOV.VN - Làm vợ anh đã 8 năm mà tôi chưa bao giờ biết lương của anh được bao
nhiêu. Anh lúc nào cũng chi li, tính toán thiệt hơn từng đồng với vợ và
con.
nhiêu. Anh lúc nào cũng chi li, tính toán thiệt hơn từng đồng với vợ và
con.
Tôi năm nay 32 tuổi, sinh ra và lớn lên ở 1 huyện nghèo. Năm tôi 2 tuổi, bố mẹ đã chia tay. Tôi ở với bố và được bố cho đi học. Nhưng khi tôi học hết lớp 10 thì phải nghỉ học vì bố không còn đủ khả năng chi trả tiền học phí cho tôi. Tôi quyết định lên thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Tuy cuộc sống vất vả và nhiều cám dỗ nhưng chưa bao giờ tôi làm gì sai trái để bố mẹ phải xấu hổ.
Một lần, cô bạn cùng phòng trọ rủ tôi về quê để dự đám cưới anh trai cô ấy. Ở đấy, tôi đã quen 1 người làm nghề lái taxi. Anh hơn tôi 7 tuổi và là người miền Trung. Khi tôi vào lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc, anh hay gọi điện, nhắn tin hỏi han và thỉnh thoảng lại tạt qua chỗ tôi chơi. Những cuộc nói chuyện qua điện thoại và những lần gặp mặt ít ỏi ấy đã gắn kết tôi và anh từ lúc nào không biết.
Khi biết chuyện chúng tôi yêu nhau, các bạn cùng phòng và cả cô chủ nhà trọ đều bảo tôi điên, thích đâm đầu vào chỗ khổ vì anh vừa già hơn tôi vừa nhà nghèo. Họ còn bảo làm tài xế thì hay lăng nhăng, không tin được. Ngày tôi đưa người yêu về nhà ra mắt, bố mẹ tôi đều không đồng ý nhưng tôi cứ nhất quyết đến với anh. Vì thương tôi nên bố mẹ đành chấp nhận. Thế là 8 năm trước, chúng tôi cưới nhau. Đến giờ, chúng tôi đã có với nhau 2 cháu trai, cháu lớn 6 tuổi, cháu bé 2 tuổi.
Lấy nhau được hơn 1 năm thì tôi sinh cháu đầu. Vì thương tôi nơi đất khách quê người không ai thân thích, mẹ tôi đã đi hơn 500 cây số để ra với tôi. Suốt thời gian tôi ở cữ, cứ lúc nào chồng tôi không ở nhà là mẹ lại la mắng tôi thậm tệ. Tất cả cũng chỉ vì bà xót xa khi thấy tôi sống thiếu thốn, khổ sở và vì chồng tôi đối xử với tôi không ra gì. Anh hay đi nhậu nhẹt, mà mỗi lần uống về là sẽ có vài thứ đồ đạc trong nhà tan nát. Dù mẹ vợ ở chung anh cũng chẳng chút nể nang.
Thấy tôi quá khổ, mẹ đã bàn với bố tôi cho tôi 1 số tiền để mua đất cất nhà. Sau khi cất xong cho chúng tôi cái nhà, mẹ đã về lại quê vì thấy con rể không vừa mắt.
Có đất, có nhà riêng, tôi tưởng anh sẽ thay đổi nhưng không phải vậy. Tôi chẳng biết mình đã làm gì sai mà từ lúc mang thai đến lúc sinh đứa con lớn, anh đều bảo rằng thằng bé không phải con của anh. Tính anh gia trưởng, bảo thủ lại thêm thói ghen tuông vô lối. 8 năm làm vợ, làm mẹ, tôi luôn phải sống trong sự nghi ngờ và dằn vặt của anh. Lúc nào anh cũng chửi bới, đay nghiến tôi. Anh bảo tôi là con điếm, nay ngủ với thằng này, mai ngủ với thằng khác, rằng tôi chẳng còn gì khi đến với anh.
Đã rất nhiều lần, khi anh tỉnh táo, tôi nhỏ to khuyên lơn, giải thích rằng anh là người hiểu rõ nhất tôi có còn gì hay không, nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Chửi bới tôi chưa thỏa, chồng tôi còn lôi bố mẹ, anh chị em của tôi ra mà chửi. Anh ấy bảo cả nhà tôi là lũ chó, là rau nào sâu ấy. Tôi nghe mà thấy tim mình thắt lại, đau buốt. Sao anh có thể thốt ra những lời ấy cơ chứ? Bố mẹ tôi là rổ rá cạp lại thì sao? Họ có gì sai trái đâu? Hơn nữa, trước khi lấy nhau, tôi đã chia sẻ hết với anh về hoàn cảnh gia đình mình. Lúc đó, anh chấp nhận được thì sao bây giờ, anh lại đào bới lên cơ chứ?
8 năm làm vợ anh, tôi chưa từng biết đồng lương của anh là bao nhiêu. Vì làm ra bao nhiêu, anh đều cất hết, chỉ mỗi ngày đưa cho tôi 1 khoản tiền để đi chợ. Mỗi sáng trước khi đi làm, chồng tôi đều hỏi xem tiền chợ hôm trước còn không? Nếu hết thì anh ấy sẽ hỏi xem tôi đã mua những gì và sẽ làm ầm lên vì cho rằng tôi hoang phí. Muốn mua gì, tiêu gì, tôi đều phải hỏi anh, kể cả mua gạo và mua sữa cho con.
Tủi nhất là khi trái gió trở trời, con ốm mà chẳng có sẵn tiền trong nhà để đi khám, lúc nào cũng phải chờ anh đi làm về. Đôi lúc anh còn chẳng đưa con đi bệnh viện mà cứ bảo từ từ để theo dõi xem sao. Chính cái sự theo dõi chẳng đâu vào đâu của anh mà con tôi còn trở bệnh nặng hơn, thậm chí suýt chút nữa đã mất mạng vì bị suy hô hấp.
Cứ khi nào con ốm, chồng tôi lại chửi bới tôi. Anh luôn bảo tôi là ở nhà chỉ có ăn và giữ con thôi mà cứ để đau bệnh hoài. Anh thương tiền hơn thương vợ con. Với anh tiêu càng ít tiền càng tốt, mà không tiêu thì còn tốt hơn. Nhưng anh chỉ tính toán thiệt hơn với mẹ con tôi mà thôi, chứ anh có thể bỏ ra 1 lúc mấy trăm nghìn để nhậu nhẹt cùng bạn bè mà không thấy tiếc. Anh em nhà anh ai ốm đau gì, anh đều gửi tiền về không chút tính toán trong khi họ đều khá giả. 2 lần tôi sinh nở, họ chẳng có 1 cuộc điện thoại hỏi thăm. Con tôi ốm nằm viện từ tháng này qua tháng khác cũng không thấy ai hỏi sống chết thế nào…
Những năm qua, tôi sống cam chịu, chỉ mong gia đình bình yên để các con có cả bố, cả mẹ, để chúng không phải thiệt thòi về tình cảm. Nhưng cách đây ít lâu, cháu lớn nhà tôi bỗng trở nên lầm lũi, ít nói, cáu gắt với tất cả mọi thứ, lại luôn kêu đau đầu và mệt mỏi. Tôi sợ quá nên đưa cháu đi khám nhưng bác sĩ lại bảo cháu không bị bệnh gì. Tôi hỏi cháu cũng không chịu nói dù trước đây cháu rất hay trò chuyện với mẹ.
Rồi, bỗng nhiên, cô giáo của cháu gọi điện mời tôi đến trường để trao đổi. Cô ấy bảo cháu đã kể rằng cháu buồn do bố luôn bảo cháu không phải con bố, không thương anh em cháu, lại hay đánh chửi vợ mỗi khi say rượu. Cháu kể hết với cô giáo tất cả những lời nói, hành động của bố mẹ mà cháu chứng kiến trong những năm qua. Cô giáo còn bảo tôi phải quan tâm đến cháu nhiều hơn, bởi cứ để tình trạng này kéo dài thì có thể khiến cháu trở thành 1 đứa trẻ bị tự kỷ.
Tôi thật sự sốc nặng khi nghe những gì cô giáo nói! Thì ra bấy lâu nay con tôi đã âm thầm chịu đựng và bị tổn thương nhiều đến vậy! Từ sau buổi nói chuyện với cô giáo của con, ngày nào tôi cũng suy nghĩ rất nhiều xem phải làm gì để giúp con. Tôi đã nhiều lần tìm cách tâm sự với chồng về suy nghĩ của con, mong anh thay đổi nhưng anh toàn lảng sang chuyện khác hoặc không thèm nghe. Tôi cũng đã gọi điện cho bố mẹ, anh em của anh để nhờ họ khuyên giải nhưng cũng vô hiệu.
Tôi đã nghĩ sẽ đưa con về quê ngoại sống 1 thời gian để tránh xa bố cháu. Về đó, tôi sẽ kiếm việc làm để duy trì cuộc sống cho 3 mẹ con, bởi bố mẹ tôi đã lớn tuổi, đều đã được các anh chị của tôi đón về phụng dưỡng, tôi đâu thể bấu víu vào họ mãi được. Nhưng tôi không biết làm thế trong lúc này có đúng không? Về quê có tốt cho các con không? Tôi quyết định như thế có làm bố mẹ buồn lòng không? Và liệu tôi có thể dắt các con đi được không khi mà trong người chẳng có đồng nào, xung quanh lại toàn người xa lạ? Tôi thấy mình thật sự bế tắc, không biết phải làm thế nào trong hoàn cảnh này?./.