Chưa cưới đã muốn bỏ cuộc vì hôn phu quá phụ thuộc cha mẹ
VOV.VN -Anh ấy bắt đầu nghe lời gia đình và không có chủ kiến, mới mấy hôm trước còn nói thế này, về quê vài hôm vào lại nói thế khác...
Chào chuyên gia! Xin chuyên gia tư vấn giúp em. Còn 2 tháng nữa em sẽ kết hôn, nhưng hiện tại em thấy hoang mang quá, thậm chí có suy nghĩ không muốn kết hôn nữa. Lý do là thế này:
Anh ấy bắt đầu nghe lời gia đình và không có chủ kiến, mới mấy hôm trước còn nói thế này, về quê vài hôm vào lại nói thế khác. Đơn cử như việc ba mẹ cho vàng cưới 2 vợ chồng, theo như phong tục ở quê em, cũng như em được biết, cái đó như là món quà ba mẹ cho con cái vốn làm ăn. Nhưng sau khi về nhà, ba mẹ nói gì với anh em không biết.
Ảnh minh họa
Nhưng anh vào Sài Gòn lại nói với em, sau khi cưới, đưa số vàng ấy (1 cây vàng cho ba mẹ anh dưỡng già, nhưng em rất tức giận vì nếu không có thì thôi cho ít hoặc cứ nói thẳng với gia đình em, bày vẽ chi trong khi cái khoản ấy đã tính sẵn cho việc khác. Sau đó em hỏi lại anh ấy 1 lần nữa xem tại sao như vậy. Lúc này anh lại nói mình ở Sài Gòn ở nhà trọ để lỡ mất, để ba mẹ anh giữ giùm.
Nhưng thực tế, chú anh ấy cũng cưới được 2 năm, cũng mẹ chồng (tức bà nội anh ấy) nói đưa giữ giùm nhưng có lấy lại được đâu. Nên em mới nói đã đưa rồi thì không bao giờ lấy lại được khi mình có việc cần cả. Nhưng anh ấy không hề biết điều đó, em ví dụ thì anh ấy nói em dạy đời. Thật ra với cái khoản ấy cũng không hề là to gì cả, nhưng đã nói với họ hàng nhà em là vàng cưới cho 2 vợ chồng nhưng sau khi cưới lại lấy lại, em cảm thấy như bên ấy chỉ sĩ diện thôi.
Hơn nữa, lương chồng em hiện tại chỉ tầm 5 triệu, lương em gấp đôi, nên nhà bên ấy cứ nói xéo kiểu lo em sẽ lấn lướt chồng do kinh tế hơn tí chút. Nhưng chồng em lại không có chí tiến thủ chỉ an phận với mức lương như vậy. Nhưng bây giờ ba mẹ chồng lại còn có ý muốn vào Sài Gòn cho chồng em chăm sóc nữa.
Nhờ chuyên gia tư vấn giúp em. Nếu giờ em tạm hoãn hôn nhân thì xã hội, bạn bè em không biết vượt qua nổi không? Còn tiếp tục thì em lo em khổ trăm bề, vì gia đình bên ấy sĩ diện, trọng tiền bạc, nhưng chồng lại nghe lời cha mẹ, không có chủ kiến. Hơn nữa quen nhau 6 năm, mà khoản tiền nhẫn cưới hay chụp hình cũng không có.
Ba mẹ thì cũng không đưa lại cho anh lo, mà anh phải đi mượn, rồi định sau khi cưới, lấy tiền mừng trả. Nhưng anh lại cứ vỗ ngực xưng rằng anh lo hết, em không phải lo gì. Em nói như vậy không gọi là lo vì anh mượn rồi lấy tiền chung trả thì anh nói em dạy đời anh. Đã vậy đòi mua nhẫn cưới đắt tiền này kia nữa. Giờ em không biết nói làm sao cho anh hiểu.
Chuyên gia tâm lý tư vấn:
Chào bạn!
Chương trình hiểu rằng bạn đang băn khoăn về việc có nên kết hôn hay không khi gia đình chồng sĩ diện, trọng tiền bạc và chồng tương lai không có chính kiến. Cửa sổ tình yêu cùng bạn chia sẻ nỗi niềm này.
Ngoài việc không có chính kiến bạn cảm nhận tình cách của bạn trai như thế nào? Bạn đã có nhiều cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ với gia đình anh ấy chưa? Quan điểm của anh ấy như thế nào về tài chính, tiền bạc, vai trò và trách nhiệm của vợ chồng sau khi cưới và thậm chí sau này cuộc sống chung?
Đi đến quyết định hôn nhân là cả một quá trình dài hai người cân nhắc đến tình yêu, sự phù hợp, mong đợi về cuộc sống sau này. Vì thế những băn khoăn hiện tại của bạn cho thấy có nhiều điều bất ổn mà hai bạn cần thống nhất quan điểm chung thì mới có thể tiến đến cuộc hôn nhân hạnh phúc, đem đến tâm lý thoải mái cho mỗi người. Của hồi môn là phần tài sản tiền vàng hai bên gia đình cho đôi vợ chồng trẻ với mong muốn con cái có chút vốn liếng để làm ăn về sau. Tùy phong tục từng nơi mà số của hồi môn này được sử dụng với các mục đích khác nhau.
Tuy nhiên, hầu như hiện tại quan niệm về việc giữ của hồi môn đã không còn ràng buộc như trước. Nhiều gia đình thậm chí còn xem đó là tài sản khởi nghiệp cho cô dâu chú rể mới và dành hết quyền quyết định cho họ. Gia đình anh ấy lại ngược lại mong muốn con cái đưa hết số tiền vàng để bố mẹ dưỡng già.
Để tránh xảy ra mâu thuẫn về sau hai bạn cần có sự thống nhất rõ ràng cũng như trao đổi với bố mẹ anh ấy. Nếu không giải quyết sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và vô tình dẫn đến những sứt mẻ tình cảm ngay từ khi con dâu mới về nhà chồng và đẩy hôn nhân vào những ngày tăm tối. Việc sử dụng số tài sản đó ra sao bạn cần bàn bạc kỹ lưỡng với chồng.
Bạn có thể chia sẻ mong muốn giữ lại tiền vàng để tiết kiệm dành dụm về sau. Còn nếu gia đình anh ấy nhất quyết không đồng ý thì bạn cũng cần có sự khéo léo thuyết phục ban trai. Anh ấy cần ủng hộ bạn trong việc sử dụng số tiền vàng thì mới có thể trao đổi với bố mẹ được. Bạn là con dâu việc trao đổi về số tiền vàng kia cũng rất tế nhị và dễ khiến bố mẹ anh ấy nghĩ bạn bất bình, ích kỉ. Vậy nên hãy chia sẻ với anh ấy về ý muốn của gia đình chồng và suy nghĩ của bản thân.
Khi cả hai đã cùng thống nhất phương án giữ lại cho mình hãy cùng nhau đến gặp bố mẹ. Lý do để dành tiền làm ăn, xây dựng cơ nghiệp là một trong những cách an toàn nhất để bạn có thể thuyết phục khéo bố mẹ. Họ sẽ hiểu và ủng hộ khi biết những dự định tương lai tốt đẹp của cả hai.
Bạn cũng có thể xem xét số quà tặng nếu từ bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng thì có thể số quà tặng sẽ không hoàn toàn thuộc về mình nên có thể lựa chọn cách chia đôi trong trường hợp nhà chồng ngỏ ý. Một phần do bên ngoại tặng bạn sẽ giữ lại làm vốn của hai vợ chồng. Phần do bên nhà chồng tặng bạn có thể gởi lại cho mẹ chồng. Như vậy, xem như cô dâu mới đã trọn vẹn cả đôi đường.
Về việc bạn trai phải vay mượn để lo liệu cho đám cưới cũng là khó khăn cho bạn vì về sau cả hai vợ chồng sẽ phải chung lưng trả hết món nợ trên. Quan điểm sau này sẽ tự mình trả nợ cho thấy anh ấy là người gia trưởng, bảo thủ và không nhìn rõ vai trò trách nhiệm của người chồng trong việc chung tay góp sức trong cuộc sống chung. Bạn cần cân nhắc khả năng chấp nhận của mình khi bạn trai có tính cách này.
Thậm chí sau này trong hôn nhân vấn đề tiền bạc hai vợ chồng kiếm được sẽ được sử dụng như thế nào, anh ấy có đưa cho vợ giữ hay lại tiếp tục gửi mẹ như trước đây. Với điều này bạn sẽ cần trao đổi rất rõ với bạn trai để tránh sau này khi sống chung một nhà xảy ra mâu thuẫn xích mích.
Liên quan đến vấn đề tiền bạc sự đồng lòng của hai bạn có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc sống chung. Vì thế, nếu trong trường hợp cả hai không cùng tiếng nói, một trong hai nên nhún nhường để mọi chuyện được êm xuôi.
Còn nếu bạn đã dùng mọi cách thuyết phục mà không nhận được sự đồng tình từ bạn trai bạn cũng cần cân nhắc đến sự phù hợp trong tình yêu của hai bạn. Nếu có quá nhiều khúc mắc, mâu thuẫn không thể tháo gỡ mà cứ cố tiến đến hôn nhân có thể là quyết định sai lầm bởi khi đã chấp nhận ký vào tờ đăng ký kết hôn có nghĩa là bạn sẽ có rất nhiều ràng buộc, khi đó có muốn thay đổi cũng không được.
Hãy suy nghĩ thật kỹ và xem xét khả năng chấp nhận của bạn với bản tính thiếu tự chủ, không chính kiến của bạn trai. Nếu quá nhiều điều bất ổn hãy cân nhắc tạm dừng đám cưới lại. Đừng vì sĩ diện, sợ tai tiếng mà đánh cược hạnh phúc, tương lai cả đời của mình bạn ạ. Thái độ sống và con người bạn sẽ là giá trị mà dư luận nhìn nhận, đánh giá chứ không nằm ở sự việc đó.
Mỗi người sẽ có những cách vượt qua khó khăn khác nhau, hy vọng rằng bạn sẽ tìm được cách thức vượt qua khó khăn cho riêng mình để bản thân cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc hơn.
Chúc bạn những điều tốt đẹp nhất./.
Chẳng hiểu sao lại nảy sinh mối quan hệ tình cảm với cô hàng xóm
Anh sẽ cưới em sao còn phải “giữ” làm gì
Quen “tự sướng” một mình mà không cần chồng