Cần chấn chỉnh thực trạng “loạn” chữ thiêng ở nhiều di tích
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL nêu rõ, sẽ cho chấn chỉnh thực trạng “loạn” chữ thiêng và đang tính tới việc “thuần Việt hóa” chữ trong di tích được xây mới.
Vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã chấn chỉnh việc các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng, cung tiến, biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Trong khi vấn đề này còn chưa được xử lý xong xuôi thì một số nhà nghiên cứu văn hóa gần đây lại đề cập đến một thực trạng nhức nhối khác, đó là “loạn” chữ thiêng, dùng sai chữ ở nhiều di tích quốc gia.
Dùng sai chữ thiêng “khác gì nhạo báng cổ nhân”
Gần đây nhất, TS Trần Trọng Dương của Viện nghiên cứu Hán Nôm đã phải dùng hai từ “kinh khủng” để nói về lỗi văn phong trong việc dùng chữ Hán một cách bừa bãi thiếu hiểu biết tại chùa Vân Tiêu, Yên Tử (Quảng Ninh). Một bài thơ “sex” của Trung Quốc xuất hiện ngay trên đôi lộc bình đặt tại đây.
Thơ "sex" xuất hiện trên lục bình ở chùa Vân Tiêu
Nội dung bài thơ viết rằng: “Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương/Vu sơn vân vũ uổng đoạn trường” (dịch nghĩa là: “Một nhành hồng thắm móc ngưng hương/Chuyện mây mưa ở Vu Sơn vốn đoạn trường”. Trong khi, Vu Sơn Vu Giáp lại là vị thần tình dục nổi tiếng của thơ văn Trung Hoa.
Sau đó, Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đã phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thành lập đoàn kiểm tra, xác minh thông tin, rồi nhanh chóng đưa hai lục bình ra khỏi ngôi chùa trên non thiêng Yên Tử. Được biết, đôi lục bình này là hiện vật được các Phật tử cung tiến vào chùa. Nhưng Ban quản lý di tích chưa tìm hiểu rõ về nội dung bài thơ, cũng như chưa kiểm tra kỹ càng về hiện vật, đã đem ra trưng bày.
Tuy nhiên, thơ “sex” xuất hiện ở chùa Vân Tiêu tại Yên Tử lại không phải là trường hợp duy nhất. TS Trần Trọng Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm đã chỉ ra thêm các lỗi sai chữ thiêng trầm trọng, xuất hiện ở các câu đối và hoành phi “dởm” tại nhiều di tích khác.
Ở đền thờ Nguyễn Trãi, cũng là di tích cấp quốc gia mà lại có hoành phi mang chữ “Nhân giả thọ”, hiểu ra là Nguyễn Trãi chịu chém. Còn đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng mắc lỗi dùng sai chữ “hối” mang nghĩa là “hối hận không nguôi” trong “Hối bất quyện”, để ghi công lao làm thầy của ông. Chưa kể, tại đây còn có chữ “thục” mang nghĩa “nấu chín dừ” được dùng để chỉ trường học, và một chữ khác dịch nghĩa ra rất buồn cười là “con rận mùa xân”.
Hay một trường hợp khác là ở Đỗ Đình Bảng, xuất hiện chữ dịch nghĩa ra là “Đỗ Đình Bảng niềm nở kính chào quý khách”. Cách sử dụng chữ như vậy bị coi là không phù hợp với một di tích và nơi thờ tự xưa.
TS Trần Trọng Dương cũng tỏ ra vô cùng bức xúc trước thực trạng này và cho rằng: “Như thế chẳng khác gì đang nhạo báng cổ nhân!”.
Có nên “thuần Việt hóa” chữ thiêng?
Khi được hỏi ý kiến, nhiều nhà nghiên cứu Hán Nôm cho biết, đây là một tình trạng đã tồn tại từ khá lâu tại các di tích ở Việt Nam. Những trường hợp mà TS Trần Trọng Dương nêu ra ở trên chỉ là một vài trong số rất nhiều ví dụ về chữ thiêng “rác” và lỗi trong văn hóa thờ cúng của người Việt. Mà trong số đó, như chữ “sex” trên chùa ở Yên Tử, lại nằm trên đôi lục bình là vật phẩm do chính người dân thờ cúng cung tiến.
Điều này xuất phát từ sự quản lý thiếu chặt chẽ của những người làm quản lý di tích, đồng thời còn từ sự thiếu hiểu biết của người dân khi không nhận được những hướng dẫn cụ thể hay quy chuẩn chung cho những linh vật, hiện vật mà họ muốn cung tiến vào chùa, đền, đình…
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên nêu rõ: “Trong công tác quản lý, cấp lãnh đạo luôn yêu cầu các di tích, trong hồ sơ có những hiện vật gì thì chúng ta phải quản lý, bảo tồn và phát huy hiện vật đó theo đúng hồ sơ quy định. Còn những hiện vật không nằm trong hồ sơ đó thì ai nhận và cung tiến vào thì người đó phải chịu trách nhiệm đưa ra khỏi di tích nếu không thì sẽ vi phạm luật và buộc phải xử lý”.
Bà Đặng Thị Bích Liên cũng cho biết, sau vấn đề về linh vật “lạ”, Bộ VH-TT&DL đang tiếp tục tính đến việc ban hành thông tư mới, quy định về việc dùng chữ tiếng Việt đối với những di tích được xây mới, để tránh tình trạng chữ “loạn” và chữ “dởm” như hiện nay.
Tuy nhiên, theo nhà sử học Dương Trung Quốc, quan trọng là chúng ta cần phải vừa cởi mở với văn hóa bên ngoài, vừa tôn trọng, gìn giữ bản sắc của Việt Nam.
Ông Dương Trung Quốc bày tỏ: “Về vấn đề này, trước hết, chúng ta cần phải vận dụng Luật Di sản. Chính trong Luật cũng đã quy định không được đưa những vật lạ vào di tích. Chúng ta có thái độ hết sức cởi mở trong việc tiếp nhận văn hóa, nhưng vẫn phải tôn trọng bản sắc dân tộc. Đầu tiên, cần phải quản lý các di tích thật chặt chẽ theo Luật Di sản đã. Nhất là với những di tích càng quan trọng, càng cần quản lý chặt”.
Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng, vẫn có thể dùng chữ phồn thể, bên cạnh ghi chữ quốc ngữ, chứ không nên hoàn toàn xóa bỏ những chữ Hán cổ trong các di tích được xây mới./.