Chuyện ông “vua” đồ cổ sông Hương
VOV.VN -Ông Hồ Tấn Phan chơi đồ cổ không phải để kinh doanh, mà cái chính là để nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử của dân tộc.
Nhắc đến ông Hồ Tấn Phan (76 tuổi, trú tại 28/5 phố Cao Bá Quát, TP. Huế), những nhà nghiên cứu văn hóa, sử học hàng đầu Việt Nam chẳng mấy ai không biết. Bởi lẽ, ông là người đang nắm giữ nhiều quyển sách quý “có một không hai”, hơn 10.000 món đồ cổ có giá trị về lịch sử, văn hóa hết sức quý giá.
Từ “vua sách cũ” một thời...
Sinh ra trong một gia đình trí thức, từ nhỏ, ông đã được ăn học đàng hoàng. Ra trường, ông theo nghề dạy học. Vì sức khỏe, năm 1977, ông đành phải “về hưu non”. Vốn là người mê sách từ nhỏ, lại thấy rằng các em học sinh của mình không có điều kiện tiếp cận với nhiều loại sách nên ông đặt quyết tâm, dồn toàn bộ số tiền trong gia đình để sưu tầm sách.
Những quyển sách của ông sưu tầm, ngoài những quyển phổ thông, có rất nhiều quyển sách cổ, những quyển sách gốc, hay những quyển có giá trị lịch sử, giá trị kiến thức cao. Từ sự đam mê ấy, ông lặn lội khắp trong Nam, ngoài Bắc, hễ nghe thấy ở đâu có sách quý là ông tìm tới bằng được. Có khi ông phải trả giá rất cao cho quyển sách đó mới có thể mua được vì gặp phải người mê sách chẳng kém mình, nhưng cũng có khi ông được biếu không vì chủ sở hữu cũ “quý cái tình”.
Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan bên những đồ gốm cổ chất đầy trên nóc tủ, tường nhà (Ảnh: Nguyễn Đông/VnExpress) |
Theo thời gian, chẳng mấy chốc, bộ sưu tập của ông đã lên đến cả vạn quyển. Thời ấy, ông được coi là “vua sách”, bởi cả TP. Huế, thậm chí là cả nước mấy ai có khối lượng sách khổng lồ đến thế? Chỉ cần điểm qua những quyển như đủ bộ bản Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm được in trên giấy bồi từ thế kỷ 18; Souvenirs d’Annam của sĩ quan viễn chinh P. Beille, Souvenirs d’Hué của M. Đức Chaigneau bản in đầu tiên tại Paris năm 1867; Mỗi hoài ngâm thảo (thượng và hạ) của Nguyễn Thuật; Ngục trung thư của Phan Bội Châu và Từ điển Hán - Anh xuất bản ở Trung Quốc; các châu bản giai đoạn “bốn tháng ba vua” (Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc) có chữ ký của các hoàng tử trình triều đình để phế vua và lập vua mới (trong kho lưu trữ có thể không có); Đại Nam thực lục từ thời Đồng Khánh đến Khải Định chép tay trên giấy bổi (chỉ chép có sáu bản và ông Phan có một); Việt Nam vong quốc sử bản chép tay của Phan Bội Châu; Dương Xuân Sơn Chí của một nho sĩ Phật giáo chưa xác định được tên... cũng khiến mọi người phải ngưỡng mộ.
Điều đáng nói là không chỉ mê sưu tầm, ông Hồ Tấn Phan còn rất mê đọc. Ông Phan bảo: “Nhờ đọc sách nên tôi cũng phát hiện ra nhiều lỗi trong các quyển sách, cách gọi tên, chức sắc của nhiều quan, vua chúa. Mà tính tôi là vậy, đọc sách thấy thiếu thông tin, phát hiện sai là góp ý đến cùng. Vì thế, nhiều người quý, song cũng không ít người chẳng ưa. Nhưng mặc kệ, mình làm vì lịch sử, vì thế hệ con cháu sau này mà”.
“Tôi chơi đồ cổ không phải để kinh doanh, mà cái chính là để nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử của người Việt mình. Do đó, tôi không thích men lam triều Nguyễn vì đa phần chúng xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi ngược lại, đồ gốm được trục vớt từ sông Hương đa phần của người Việt, có tuổi đời rất lâu và kể được nhiều chuyện của người Việt xưa”.
Ông Hồ Tấn Phan
Số sách sưu tập chất kín nhà, nhiều học sinh, sinh viên, người nghiên cứu được hưởng lợi, bởi ông cho đọc miễn phí. Nhưng trận lụt lịch sử năm 1999 đã “xóa sổ” hơn 2/3 số sách của ông. 1/3 còn lại cũng chẳng được lành lặn như xưa.
“Năm 1999, nhận thấy đợt mưa bất thường, nước dâng cao, tôi đã kê gạch, đóng ván, xếp sách thường xuống dưới, chuyển sách quý lên cao. Nhưng không ngờ nước lên lớn quá, sau thời gian ngâm nước, những quyển sách kê ở dưới bị mủn ra, khiến cả “núi sách” đổ ụp xuống trước sự bất lực của tôi”, ông Phan kể trong nỗi đau tuyệt vọng.
Sau lũ, sách của ông được phơi trắng trên các nóc nhà của cả xóm. Nhưng vì bị ngâm nước lâu ngày, chẳng mấy quyển còn được lành lặn như ban đầu. Ông ốm cả tháng trời. Tưởng chết.
Thấy vậy, mọi người trong gia đình, bạn bè từ khắp nơi đến động viên. Và rồi sau đó ông chuyển sang sưu tập đồ cổ. Mà cách “chơi đồ cổ” của ông cũng “dị”, cũng khác hẳn với đại đa số.
...đến ông “vua” đồ cổ sông Hương
Người ta gọi cách chơi đồ cổ của ông là “dị” chẳng sai. Bởi có mấy ai chỉ mua đồ cổ mà không bán? Có ai nhịn cả ăn, vay mượn khắp nơi, thậm chí là cắm sổ đỏ nhà để mua đồ cổ về “vứt lăn lóc” khắp trong vườn, ngoài sân? Có ai mua cả những “đồ bỏ đi”, sứt mẻ nham nhở về “trưng bày”?... Nhưng ông Hồ Tấn Phan lại làm thế.
Không phải sau khi “trong chớp mắt núi sách thành giấy vụn” ông Phan mới sưu tập đồ cổ, mà từ năm 1977, ông đã có thú này. Nhưng phải từ sau trận lụt năm 1999, ông mới “dồn tâm huyết” vào thú chơi này.
Mùa mưa lũ đến, ông lại vất vả trông coi những “mảnh vỡ thời gian” trong khu vườn của mình (Ảnh: Nguyễn Đông/VnExpress) |
Ngày ấy, trong khi mọi người có mốt chơi đồ men lam triều Nguyễn, thì ông lại chỉ chú tâm đến những loại gốm sông Hương. Đồ của ông sưu tập cũng “khác người”, đó là bởi không chỉ đồ lành lặn mà sứt mẻ, thậm chí chỉ là một miếng nhỏ, ông cũng thu mua hết. Khỏi phải nói, thời ấy, khi thấy ông kéo cả xe cải tiến chất đầy những kiệu, lu, mái, bình vôi, hũ, lọ, chén bát... lành có, vỡ có về, mọi người “bàn ra tán vào” thế nào. Nhưng với ông, đó là niềm đam mê, là giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của người Việt ẩn chứa trong mỗi món đồ.
Ông Phan cười hiền giải thích: “Tôi chơi đồ cổ không phải để kinh doanh, mà cái chính là để nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu lịch sử của người Việt mình. Do đó, tôi không thích men lam triều Nguyễn vì đa phần chúng xuất xứ từ Trung Quốc. Trong khi ngược lại, đồ gốm được trục vớt từ sông Hương đa phần của người Việt, có tuổi đời rất lâu và kể được nhiều chuyện của người Việt xưa”.
Cũng theo ông Phan thì đồ gốm, mà cụ thể là những lu, kiệu, mái, lọ, hũ, bình vôi, chén, đĩa... là một hình ảnh rất quen thuộc, không thể thiếu và có sự gắn bó chặt chẽ với mỗi gia đình người Việt từ hoàng tộc cho đến cùng đinh, từ sinh, lão, bệnh, tử cho đến quan, hôn, tang, tế, ẩm thực... Thông qua đó, ta có thể biết khá chính xác về kinh tế, văn hóa, đời sống xã hội của từng giai đoạn lịch sử.
Không chỉ sưu tập đồ gốm, hiện nay, ông còn sưu tập cả cối xay trầu, bình vôi, trống chiêng của các dân tộc… với tổng số lượng trên 10.000 hiện vật. Với số lượng nhiều như thế, mọi ngõ ngách trong nhà, cùng khu vườn 3.000m2 của ông đã chật kín, ngổn ngang đồ cổ, khiến bất kỳ ai lần đầu tiên đến đây cũng đều bị choáng ngợp.
Khi được hỏi sau này ông sẽ làm thế nào với số đồ cổ mình đang có, ông Phan chỉ cười hiền mà bảo rằng cứ để “duyên số” quyết định. Bởi đây là lịch sử, là văn hóa, là sở hữu của toàn dân chứ không chỉ riêng ai. Nên nếu ai có “duyên” thì sẽ được sở hữu. Bởi những chủ nhân của những món đồ này đã làm “thất lạc” chúng, và được tôi “gom” về một mối với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Và sau này cũng vậy, “số phận” của những món đồ này chắc gì đã ở bên ông mãi mãi. Biết đâu được, nó lại phải trải qua chuyến “phiêu lưu” khác, để đến với người có “duyên” với chúng hơn..../.