Có nhất thiết xây dựng nhiều tượng đài ở Hà Nội?
VOV.VN - Nhiều tượng đài, không gian tượng đài trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được kì vọng về chất lượng, mỹ quan, lãng phí trong đầu tư xây dựng…
Hà Nội hiện có tổng cộng 34 tượng đài nhưng trong 15 năm tới, thành phố sẽ bổ sung khoảng 35 tượng đài nữa. Việc dự kiến xây dựng thêm 35 tượng đài nữa nằm trong dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Điều này ngay lập tức nhận được phản ứng từ dư luận, cũng như từ phía các nhà nghiên cứu.
Để hiểu rõ hơn về dự thảo quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố, phóng viên VOV đã phỏng vấn kiến trúc sư – thạc sỹ Trần Gia Lượng, Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia - đơn vị tư vấn và xây dựng đề án.
PV: Thưa ông, vừa qua, Sở VH-TT&DL Hà Nội có tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có việc Hà Nội cần xây mới thêm 35 tượng đài đạt chất lượng cao. Lập tức, câu chuyện này đã nhận được nhiều ý kiến từ phía dư luận. Là đơn vị tư vấn, ông có thể cho biết quan điểm về chuyện này như thế nào?
KTS Trần Gia Lượng: Tượng đài có chất lượng sẽ làm tăng giá trị các không gian văn hóa - lịch sử và kiến trúc - cảnh quan của Thủ đô. Không gian công cộng với những tượng đài và các tác phẩm điêu khắc ngoài trời nói chung cũng rất gần gũi với người dân. Đó là điểm đến sinh hoạt của cộng đồng, địa điểm tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, là hình ảnh, cảm xúc trong tâm thức mỗi con người… Về khía cạnh kinh tế, không gian có tượng đài đẹp sẽ làm tăng giá trị bất động sản khu vực xung quanh, là hình ảnh quảng bá, thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế… Vậy có thể hiểu, đầu tư xây dựng tượng đài là đầu tư phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều tượng đài và không gian tượng đài trên địa bàn Hà Nội hiện nay chưa đáp ứng được kì vọng của xã hội do chưa đạt yêu cầu về chất lượng, lãng phí trong đầu tư xây dựng, còn trông chờ nhiều vào vốn Ngân sách... Vì vậy, khi dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội được đưa ra lấy ý kiến đóng góp, đã nhận được nhiều ý kiến, trong đó chủ yếu băn khoăn về số lượng và kinh phí đầu tư xây dựng các tượng đài mới.
Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến, rà soát lại để chỉ những không gian thực sự phù hợp và cần thiết mới đề xuất xây dựng các tượng đài quy mô lớn. Đối với các không gian công cộng đô thị khác, sẽ cần những tác phẩm điêu khắc ngoài trời có kích thước vừa phải, thể hiện được nét văn hóa, hình ảnh và bản sắc riêng từng khu vực, từng địa phương. Để quy hoạch trở thành hiện thực, trong quá trình triển khai thực hiện từng dự án cụ thể, rất cần có sự tham gia của cộng đồng trong việc sáng tác, thiết kế, đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng và sử dụng.
PV: Từ trước tới nay, hầu như chúng ta chưa hề có một quy hoạch chính thức về tượng đài nên mới dẫn đến việc một số tượng đài xây không đúng chỗ, không hài hòa với kiến trúc đô thị. Vậy với quy hoạch mới lần này, sẽ cần làm gì để khắc phục điều đó?
KTS Trần Gia Lượng: Quy hoạch nghiên cứu định hướng các không gian cho tượng đài, gắn với đặc trưng về văn hóa - lịch sử, môi trường - cảnh quan, kinh tế - xã hội của từng khu vực và địa phương trên địa bàn Thành phố. Trong đó, có nghiên cứu, đề xuất vị trí các tượng đài, các mảng chủ đề tượng đài trên cơ sở đặc trưng văn hóa – lịch sử của từng khu vực, tại các khu vực hội tụ những đặc trưng về văn hóa – lịch sử và phù hợp với không gian phát triển đô thị.
Về khía cạnh môi trường – cảnh quan, nghiên cứu, đề xuất các tượng đài cần bổ sung xây mới, các tượng đài cần di dời, sửa chữa, nâng cấp nhằm nâng cao chất lượng các tượng đài và không gian tượng đài. Bên cạnh đó, cần chú trọng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, cơ chế thực hiện quy hoạch, nguồn lực đầu tư… có tính khả thi theo hướng xã hội hóa, có sự tham gia của cộng đồng, đề xuất cơ cấu nguồn vốn đầu tư đa dạng, giảm dần sự phụ thuộc vào vốn ngân sách.
PV: Rõ ràng, con số 34 tượng đài hiện có tại Hà Nội là khá ít nếu xét tới bề dày lịch sử, văn hóa của một thành phố rộng hơn 3.000 km2 và có nghìn năm tuổi. Thế nhưng, theo các chuyên gia, khá nhiều tượng đài trong số đó vẫn rơi vào một trong hai trường hợp: hoặc được xây dựng với chất lượng mỹ thuật không cao, hoặc chưa phát huy được đúng vai trò của mình. Ông nghĩ sao về điều này?
KTS Trần Gia Lượng: Đúng vậy. Chúng ta chưa có quy hoạch hệ thống tượng đài được phê duyệt để làm cơ sở hoạch định không gian cho các tượng đài, dẫn đến việc tượng đài đặt không đúng vị trí, không phù hợp với không gian, kiến trúc cảnh quan, các tượng đài chưa phát huy được giá trị, không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội…
PV: Nhiều chuyên gia cho rằng, số lượng tượng đài nhiều không quan trọng bằng chất lượng, hình ảnh vì trên thế giới, nhiều quốc gia xây dựng tượng đài rất ít nhưng rất ấn tượng, đẹp mắt. Phải chăng đó là do trình độ thiết kế tượng đài của chúng ta còn yếu?
KTS Trần Gia Lượng: Trên thực tế, các quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới có rất nhiều tượng đài và các tác phẩm điêu khắc ngoài trời, đa dạng về phong cách và chủ đề, có đẳng cấp cả về hình khối, ý tưởng và ý nghĩa gắn liền với các không gian công công cộng. Rất nhiều chủ đề được truyền tải vào tượng đài; thể hiện tư tưởng, đặc trưng văn hóa – xã hội, bản sắc của từng địa phương, từng đô thị, từng quốc gia xuyên suốt lịch sử phát triển.
Tôi cho rằng, nhân lực làm tượng đài của nước ta không yếu, thậm chí từng người người dân cũng có thể tham gia vào quá trình quá trình sáng tác, thiết kế, đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng tượng đài và các tác phẩm điêu khắc ngoài trời. Điều quan trọng là phải làm sao khơi gợi được niềm tự hào về truyền thống văn hóa – lịch sử của đất nước, của quê hương, của nơi chúng ta đang sống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới.
PV: Vậy theo ông, chúng ta sẽ phải làm gì để xây dựng được những tượng đài chất lượng đúng như tinh thần và quy hoạch chung?
KTS Trần Gia Lượng: Để có những tượng đài gắn với không gian tượng đài chất lượng, phát huy được giá trị, mang lại hiệu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường cảnh quan cho Thủ đô, cần có các giải pháp và hành động cụ thể thông qua sự phối hợp thực hiện giữa chính quyền các cấp, nghệ sỹ, kiến trúc sư, các nhà đầu tư và cộng đồng. Được như vậy, Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội mới trở thành hiện thực, các tượng đài và các tác phẩm điêu khắc ngoài trời nói chung sẽ trở thành di sản quý báu trong lòng Hà Nội cho các thế hệ mai sau.
PV: Xin cảm ơn ông./.