“Đường cong” 2017: Khởi đầu đẹp của mỹ thuật Việt
VOV.VN - Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm mang tên rất gợi cảm “Đường cong”, ca ngợi vẻ đẹp vĩnh cửu của phụ nữ - một nửa nhân loại.
Triển lãm “Đường cong” gồm 43 tác phẩm điêu khắc nhỏ với các chất liệu gỗ, đồng, than đá, gốm, sành, đất nung, thạch cao… của 9 nghệ sĩ điêu khắc đã thành danh và uy tín trong giới mỹ thuật Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên có một triển lãm tác phẩm điêu khắc nhỏ với chủ đề vẻ đẹp những “đường cong” phụ nữ của giới mỹ thuật Việt Nam. Ẩn trong nhiều sự tích, huyền thoại và cuộc sống đương đại nhân gia, 43 tác phẩm điêu khắc với các chất liệu khác nhau, là 43 câu chuyện, 43 vẻ đẹp mang đến công chúng nhiều cảm xúc khi chiêm ngưỡng những “đường cong”.
Không gian triển lãm. |
Nhà giáo ưu tú, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, hiện là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ngành Điêu khắc - Hội Mỹ thuật Việt Nam Lưu Danh Thanh, 80 tuổi đời, 60 tuổi nghề, tham gia triển lãm với 5 tác phẩm bằng nhiều chất liệu theo phong cách hiện thực: 4 tác phẩm “Tự tình”, “Trưa hè”, “Suối vằng”, “Thư giãn” mang vẻ đẹp ý nhị, duyên dáng, kín đáo nhiều nữ tính. Riêng tác phẩm “Sông Hồng mùa nước cạn”, như một phá cách táo bạo, một vẻ đẹp căng đầy, no tròn, viên mãn, cuốn hút ánh nhìn.
Bước sang tuổi 70, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Với 4 tác phẩm đúc đồng: “Mẫu tử”, “Biển cả”, “Tiên Dung - Chử Đồng Tử”, “Mầm sống”, 1 tác phẩm chất liệu gỗ: “Tưởng niệm”, đều mang phong cách tạo hình diễn khối trang trí kết hợp nét âm dương, đường nét khá chân phương, người xem có thể cảm nhận ngay sức “nóng” của những “đường cong”.
Tác phẩm của Nguyễn Phú Cường. |
Nhà giáo Vương Học Báo, 67 tuổi, giảng viên Khoa Điêu khắc Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Thoát ra những “niêm luật” bài bản, ba tác phẩm bằng đồng: “Thiếu nữ 1, 2” và “Bán thân” là những hình khối với những “đường cong” khá mơ hồ, tĩnh lặng, gây tò mò cho người xem, tùy theo cảm xúc mà cảm nhận sự quyến rũ.
Với nhà điêu khắc Kim Xuân, 5 tác phẩm bằng đất nung: “Trở mình”, “Giấc mơ”, “Yoga”, “Chải tóc”, “Giông tố” lại là sự xáo động, trăn trở hiện thực cuộc sống đương đại. Đối diện với các tác phẩm của ông, người xem đôi khi cũng băn khoăn, cố gắng tìm hiểu những ẩn ý tác giả muốn gửi gắm.
Phó Giáo sư Nghệ thuật Điêu khắc, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Thành, một giảng viên mô phạm, chỉn chu, nhưng tác phẩm của ông lại khá phóng khoáng, không câu nệ thực hư mà thiên về ý niệm, để người xem cảm nhận vẻ đẹp của ngôn ngữ điêu khắc, để như hòa vào tác phẩm để cùng chiêm nghiệm. Tác phẩm “Nụ hôn 1”, “Chung một dòng sông” (gốm) trau chuốt về hình, nồng nàn về khối, cuồn cuộn về nhịp điệu. Ở “Suy tư” (đồng) cảm giác như đang trong một không gian tĩnh lặng đến nhói tim về sự mất mát đau thương, khơi lòng trắc ẩn. Hay ở “Ngọn đèn tín hiệu” (đồng), “Thiên sứ” (gốm raka) mang tính triết lý sâu sắc về cuộc sống.
Tác phẩm của Nguyễn Xuân Thành. |
Nhà điêu khắc Phạm Hào, 62 tuổi, chắc tay về tạo hình và xử lý chất liệu. 5 tác phẩm bằng chất liệu đất nung của ông: “Đường cong”, “Nguồn”, “Đợi”, “Nuy”, “Huyền cầm” có lẽ là 5 tác phẩm gợi cảm và khá “nóng” trong triển lãm. Đặc biệt tác phẩm “Huyền cầm” là một khối âm viên mãn úp thìa phía trong với vết loang chảy của màu men đỏ bầm, gợi nhiều đến triết lý phương Đông về thuyết âm - dương..
Nhà điêu khắc Đỗ Bá Quang, 61 tuổi, với 5 tác phẩm chất liệu đồng: “Hạnh phúc”, “Tắm”, “Ngắm trăng”, “Thiếu nữ”, “Đêm muộn”, là 5 tác phẩm theo triết lý sáng tạo nghệ thuật của ông “thẳng ăn thẳng, cong ăn cong”, những “đường cong” cong đến mê muội, những đường thẳng thẳng đến miên man.
Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy, 57 tuổi, 5 tác phẩm với nhiều loại chất liệu: “Tình yêu” (tổng hợp), “Trăng non” (gốm), “Thiếu nữ thay áo” (than đá), “Adam – Eva” (gỗ giả đồng), “Tuổi 17” (gỗ). Đáng chú ý nhất là tác phẩm “Trăng non” mang đến người xem cảm giác mong manh của con trăng đầu tháng chênh vênh trên khuôn hình no tròn gợi cảm, gợi nhiều chất thơ trong tác phẩm điêu khắc này.
Nhà điêu khắc trẻ nhất và cũng là người nữ duy nhất của triền lãm, sinh năm 1971, Lưu Thanh Lan. “Đường cong” có lẽ là sở trường, nên đứng chung với các “cây đa, cây đề”, dường như chị không bị “chênh”. 5 tác phẩm đều lấy ý tưởng về biển, đều mang tính hiện sinh gợi cảm nên có chút riêng thú vị: “Biển cạn”, “Chuyện của biển” (tổng hợp), “Về miền cổ tích”, “Sóng hát”, “Nhớ về mùa hạ" (sành).
Tác phẩm của Lưu Thanh Lan. |
Tổng thể “Đường cong” là một triển lãm chất lượng cao, những tác phẩm không chỉ là vẻ đẹp của hình khối, đường nét, chất liệu mà còn thông qua vẻ đẹp vĩnh cửu của người phụ nữ, mang nhiều thông điệp cuộc sống, nhiều triết lý sâu sắc về nhân gian với các cung bậc cảm xúc khác nhau.
“Đường cong” là vẻ đẹp rất hiện thực của những đường cong phồn thực, nhưng không chứa đựng phàm tục. Mỗi tác phẩm đều như một bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của những “đường cong” nóng bỏng mà tinh khiết, gợi cảm mà thanh tân, quyến rũ mê hoặc mà trong veo bình yên… Không tạp dục mà là chân-thiện-mỹ trong cảm xúc.
Có thể xem triển lãm điêu khắc “Đường cong” là một khởi đầu đẹp của mỹ thuật Việt Nam năm 2017, sẽ có nhiều tín hiệu mới đa đạng, mang tính đương đại, và chất lượng cao./.