Giáo hội Phật giáo ủng hộ dời ‘hiện vật lạ’ khỏi nơi thờ tự
VOV.VN -Thượng toạ Thích Đức Thiện khẳng định: Nếu người dân được giáo dục ý thức văn hóa truyền thống thì sẽ tự nhận biết được điều gì nên và không nên.
“Tiến hành di dời và không bài trí sư tử đá và các hiện vật, đồ thờ cúng không phù hợp với mỹ thuật phật giáo truyền thống của Việt Nam là nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc cũng như văn hóa truyền thống Phật giáo Việt Nam”, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định như vậy với phóng viên Báo điện tử VOV.
Thượng toạ Thích Đức Thiện cho biết đây là lí do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản ủng hộ chủ trương không sử dụng hiện vật lạ tại nơi thờ tự của Bộ VHTT&DL và yêu cầu Ban Văn hoá TƯ GHPGVN, Ban trị sự GHPGVN các tỉnh, thành yêu cầu trụ trì các chùa, cơ sở tự viện (đặc biệt là các di tích lịch sử, văn hoá đã xếp hạng) chủ động tổ chức di dời và không bài trí các tượng sư tử đá và các linh vật không đúng với mỹ thuật truyền thống Việt Nam ra khỏi cơ sở thờ tự, tự viện, phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh để có nơi di chuyển đến và xử lý.
Thượng toạ cũng cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ truyền đạt tới các tăng ni, trụ trì các chùa chủ động trong việc công đức sẽ không tiếp nhận các hiện vật lạ, đặc biệt là sư tử đá không đúng với phong cách nghệ thuật truyền thống của Phật giáo Việt Nam, để làm tốt việc gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc. “Trong công văn Giáo hội có nói rằng cơ sở nào có nhu cầu bài trí tượng sư tử đá hoặc tượng linh vật thì cần phải liên hệ với Ban văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để có sự hướng dẫn về hình mẫu hình tượng cho phù hợp”.
Điểm mặt chỉ tên “hiện vật lạ”
Theo Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) - Thượng tọa Thích Thọ Lạc thì sư tử đá kiểu Trung Quốc với tạo hình gân guốc, dữ dằn đầy vẻ hăm dọa hoàn toàn không hợp với tinh thần văn hóa Phật giáo truyền thống của Việt Nam. Thượng tọa Thích Thọ Lạc cho biết: “Sư tử không phải là biểu tượng xấu trong Phật giáo. Trong đạo Phật, con sư tử cũng như nhiều con vật dữ dằn khác đã được cảm hóa bằng đức từ bi nên tất cả đều trở nên hiền từ và thân thiện với con người và thế giới thiên nhiên.”
“Chùa là từ bi, thân thiện, cửa Phật luôn rộng mở cho mọi người đến với đạo Phật. Bởi vậy, sử dụng những biểu tưọng mang tính chất uy hiếp, hăm dọa sẽ khiến cho người ta sợ, không dám đến chùa. Nhà chùa tối nào cũng thỉnh chuông, cúng cháo để làm gì? Là để mời gọi, chào đón những số phận từ con người đến thú dữ đến chùa để được cứu độ và cảm hóa. Cho nên đạo Phật đâu phải là dùng cái uy quyền, uy vũ đó để cho các chúng sinh hữu hình hay vô hình không dám đến chùa đâu. Bởi vậy những linh vật mang tính chất uy quyền, uy vũ nhiều quá đều không phù hợp với chùa Việt Nam”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nhấn mạnh.
Thượng tọa Thích Đức Thiện - Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho rằng “trong các tầng kiến trúc Phật giáo không nhất thiết là các ngôi chùa, cổng chùa đều phải bài trí sư tử đá. Dĩ nhiên là có một số di tích bài trí tùy theo tầng địa hình cũng như không gian kiến trúc ở từng ngôi chùa và nơi thờ tự khác nhau. Còn lại chúng ta nên theo các hình mẫu của truyền thống cha ông chẳng hạn như tượng sư tử thời Lý, hay tượng thời kỳ nhà Trần, thời kỳ Hậu Lê… đặc biệt là thế kỷ 17 một số tượng còn nguyên hình mẫu thì nên theo đó mà gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Hiện tượng bài trí dập khuôn hàng loạt tượng sư tử đá và các hiện vật bài trí không phải truyền thống mỹ thuật Việt Nam là vô hình chung chúng ta đã đem văn hóa ngoại lai đi vào trong truyền thống của mình”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành di dời “hiện vật lạ”
Ban Băn hóa Trung ương GHPGVN vừa có chuyến công tác và kiểm tra công việc Phật sự tại một số tỉnh vùng Tây Bắc, trong đó có nội dung loại bỏ hiện vật lạ tại nơi thờ tự. Thượng tọa Thích Thọ Lạc, Phó trưởng Ban thường trực Ban Văn hóa Trung ương GHPGVN cho biết, việc thực hiện công văn của Hội đồng trị sự về loại bỏ hiện vật lạ là một trong những hoạt động trọng tâm của Ban văn hóa GHPGVN. Chuyến công tác một số tỉnh, thành Tây Bắc nhằm khảo sát thực tế, từ đó đề ra phương pháp, phương hướng nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt. Thượng tọa Thích Thọ Lạc khẳng định GHPGVN sẵn sàng đồng hành cùng Bộ VHTT&DL nhằm có hướng dẫn cụ thể hơn, trong đó chỉ rõ đâu là “hiện vật lạ” để các cơ sở Phật giáo địa phương có thể thực hiện công văn của Bộ và của Giáo hội một cách dễ dàng hơn.
Trả lời câu hỏi của PV Báo điện tử VOV rằng việc đồng loạt di dời các hiện vật ngoại lại không phù hợp ở các di tích, nơi thờ tự có thể gây hiểu lầm là một hành động cực đoan, nhất là trong bối cảnh hội nhập và giao lưu văn hoá, Thượng toạ Thích Đức Thiện thẳng thắn khẳng định: “Đây hành động nhằm gìn giữ thuần phong mỹ tục của người Việt Nam. Chúng ta không bài ngoại, nhưng hội nhập, giao lưu không có nghĩa là chúng ta đem dập khuôn tất cả mọi thứ vào nơi thờ tự một cách vô lối. Phải đặt vấn đề cho đúng, những người cho rằng đây là việc làm cực đoan là những người không hiểu rõ vấn đề”.
Việc bệ nguyên những hiện vật ngoại lai vào di tích không chỉ làm sai lệch tính nguyên gốc mà còn vi phạm Luật di sản. “Luật di sản chưa ăn sâu vào đời sống, cần phải giáo dục tuyên truyền và mỗi người phải có ý thức về văn hóa truyền thống. Nếu chúng ta đẩy mạnh việc giáo dục ý thức văn hóa truyền thống thì người dân sẽ tự nhận biết được điều gì nên và không nên”, Thượng toạ Thích Đức Thiện khẳng định./.