Họa sĩ Lê Lam và duyên nợ với đồng bào miền Nam
VOV.VN -Trong trái tim họa sĩ Lê Lam, miền Nam lúc nào cũng thân thương, gần gũi. Ông chẳng thể nào quên những con người bình dị mà anh dũng ấy.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, từ miền Bắc, lớp lớp thanh niên đã tình nguyện vào miền Nam chiến đấu. Trong đó, có một họa sĩ tài năng mà sáng tác của ông được ví như liều thuốc kích thích tinh thần chiến đấu của quân dân ta. Đó là họa sĩ Lê Lam, người học trò xuất sắc của danh họa Tô Ngọc Vân.
Ông kể: “Tôi về nhà bà Tư Cào, đoàn chúng tôi được 2 vợ chồng bà mời ăn cơm, ăn chè rồi nghe được câu chuyện, trong đầu tôi hiện lên hình ảnh pháo đang bắn phá âm ầm và hình ảnh bà Tư đang ngăn xe tăng và tôi làm phác thảo được bức đó. Khi phác thảo xong, anh em thích quá”.
Bức tranh “Dừng lại” đã được nhân ra hàng nghìn bản, phổ biến rộng rãi. Sức mạnh của bức tranh làm cho tên tuổi họa sĩ Lê Lam nổi tiếng khắp cả nước.
Hành trang trên vai ông là bút màu, giấy vẽ và tình yêu, niềm cảm phục người dân Nam bộ anh hùng, bước chân ông đi khắp Long An, Mỹ Tho, Bến Tre… Đi đâu ông cũng vẽ và triển lãm cho đồng bào, chiến sĩ cùng xem, để động viên tinh thần chiến đấu của họ. Tố cáo Mỹ ném bom giết hại người dân Bến Tre, ông vẽ bức tranh “Má ơi nóng quá” và “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Cả 2 bức tranh đã được trưng bày trong dịp tết Mậu Thân tại chợ Linh Phụng, gây ấn tượng sâu sắc về lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân ta.
Cái tài của hoạ sĩ Lê Lam là chỉ cần vài nét vẽ đơn sơ, ông đã khắc hoạ được những nét đặc sắc, đậm chất Nam Bộ của các nhân vật. Tác phẩm của ông có giá trị lịch sử, nghệ thuật cao, được lưu giữ tại nhiều Bảo tàng trong nước như Bảo tàng tỉnh Bến Tre, Bảo tàng Mỹ thuật…
Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đánh giá: “Về mặt tạo hình, ông vẽ theo phương pháp hiện thực. Các tác phẩm của ông thường rất đẹp về mặt tạo hình, nó chân thực, gần gũi với cuộc sống, phản ánh sinh động cuộc sống. Đặc biệt ông rất thành công khi vẽ về người lính và phụ nữ Nam Bộ. Những bức tranh, ký họa ông gửi từ chiến trường miền Nam ra cũng được đánh giá rất cao bởi nó thực sự là những ghi chép của chiến trường của những người đã sống ở thời điểm đó”.
Gần 10 năm vẽ ở chiến trường miền Nam ác liệt, bộ sưu tập tranh của ông có gần 3000 bức ký họa, cùng hàng chục bức tranh khổ lớn có giá trị như: “Đồng Khởi Bến Tre”, “Đội quân tóc dài”, “Má Bến Tre”, “Em bé Linh Phụng”, “ Chân dung Anh hùng đặc công thủy Hoàng Lam”,…
Trong căn hộ đơn sơ của ông, trên tường treo kín tranh ký hoạ cùng nhiều thùng giấy chứa chứa đầy tác phẩm của ông, trong đó phần lớn là về đề tài kháng chiến chống Mỹ. Bởi đó là ký ức của một thời đạn lửa của dân tộc mà ông đã sống, đã vẽ và tiếp tục vẽ.
“Sau khi ở miền Nam ra tôi vẫn vẽ về miền Nam. Tôi muốn thể hiện tình cảm của cuộc kháng chiến này là gì, đó là để cho mùa xuân, cho hoa nở, cho mẹ, cho con chứ không phải chúng ta là dân tộc khát máu. Chúng ta không khát máu, chúng ta yêu nhân dân chúng ta, yêu đồng bảo miền Nam, yêu cả nhân dân Mỹ, chúng ta không muốn giết ai cả. Tôi đã từng vẽ 40 bức tranh binh vận để in ra hàng triệu bản đưa vào tay Mỹ, Ngụy”, họa sĩ Lê Lam chia sẻ.
40 năm sau ngày thống nhất đất nước, người họa sĩ, chiến sĩ trẻ trung năm xưa nay đã ngoài 80, tóc đã bạc, lưng đã còng, mắt đã mờ nhưng mỗi khi nhắc đến miền Nam, nhắc đến những năm tháng được sống, được chiến đấu cùng quân dân Nam bộ, đôi mắt ấy như bừng sáng hẳn, để nhớ về một thời hào hùng của dân tộc. Bởi trong trái tim họa sĩ Lê Lam, miền Nam lúc nào cũng thân thương, gần gũi. Ông chẳng thể nào quên những con người bình dị mà anh dũng ấy. Và ông luôn cảm thấy mình vẫn còn nặng nợ với đồng bào miền Nam, khi chưa làm được nhiều những gì mà bà con mong đợi…/.