Khi sân khấu chạy theo đề tài ma, kinh dị, đồng tính
Khán giả chuộng kịch ma, đồng tính hơn kịch chính luận… là một trong vô vàn vấn đề được đặt ra tại Hội thảo “Tác giả và khán giả”.
Chạy theo thị hiếu khán giả
Có ý kiến cho rằng, 9/10 sân khấu hiện nay của TP.HCM chạy theo đề tài “hot” về ma, kinh dị, đồng tính. Các vở mới ra mắt không hài thì cũng có yếu tố ma mị nhằm thu hút khán giả. Để tìm ra những vở chính kịch mang yếu tố nghệ thuật, cuốn hút người xem thật rất hiếm.
Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: Đi một vòng sân khấu thành phố thì hết 9/10 sân khấu đang chọc lét, nhát ma khán giả bằng cái cười vô tội vạ, bằng hù doạ, ngoại tình… Vấn đề ở chỗ những vở dạng này xét về nội dung thì đơn giản, nghệ thuật thì tầm tầm, chủ yếu là nhờ tài năng diễn viên… Đến đây thì tác giả phải hỏi mình: “Tài năng có hạn hay thị hiếu khán giả thiếu tầm? Để viết những thứ chọc cười nhảm nhí kiểu “Tô Ánh Nguyệt cải biên” hoặc những tiểu phẩm ngớ ngẩn như trong các gameshow hài thì tác giả chân chính không viết được nhưng đau lòng thay vẫn có nhiều khán giả đi xem và cười nghiêng ngả”.
“Nửa đời ngơ ngác”, một vở diễn của tác giả trẻ thu hút khán giả |
Viết theo điều tác giả thích hay chạy theo cái khán giả cần luôn là câu hỏi khó đối với những người làm nghề. Sân khấu không chọn dựng những vở khán giả thích thì đồng nghĩa sân khấu đó sẽ chết. Thực trạng này dẫn đến những lúng túng không chỉ các tác giả mà cả các “bầu” sân khấu. Tác giả Lê Bình cho biết: “Tôi đã viết khoảng 10 kịch bản cho sân khấu, nhưng hai năm nay không viết nữa. Lí do vì các sân khấu dựng vở quá dễ dãi, khán giả thích ma, hài, đồng tính, thích nụ cười dễ dãi. Đã là tác giả thì không thể chạy theo đồng tiền. Tôi chọn cho mình những đề tài tình mẹ con, day dứt những vấn đề đạo đức xã hội. Có thể bây giờ các sân khấu không cần nhưng tôi vẫn hi vọng sẽ có sân khấu thật sự nghiêm túc dàn dựng tác phẩm của mình để người xem cũng có sự cảm thông, day dứt”.
Kịch bản viết cho sân khấu thì nhiều nhưng phần lớn vẫn bị xếp “kho” vì không phù hợp. Có những kịch bản được đánh giá về chất lượng nội dung và tư tưởng nghệ thuật… lại bị từ chối khéo. Chung quy về một lý do, không hợp “gu” của khán giả.
Tác giả càng “đau” hơn khi thấy những “đứa con tinh thần” của mình bị “dị dạng” sau khi qua bàn tay đạo diễn và diễn viên. Tác giả trẻ Trần Kim Khôi chia sẻ: “Năm 2011, tôi viết một kịch bản và trong đầu cũng “ủ mưu” đây là một kịch bản có giá trị nghệ thuật, đầy tính nhân văn vì nó nói về những sinh linh bé bỏng bị bỏ rơi. Đề tài này, theo nhận thức của tác giả trẻ như tôi lúc đó ghê gớm lắm vì nội dung khá tốt mà câu chuyện lại mang tính thời sự…, tôi đã rất kì vọng vào nó khi được dàn dựng. Nhưng đạo diễn và diễn viên đã thêm nhiều miếng hài và xử lý thành kịch có ma nên vở diễn đã trở nên rất thị trường”.
Thoát hài dung tục?
Hiện nay sân khấu xã hội hoá TP.HCM đang trong tình thế lưỡng nan, chạy theo khán giả để có doanh thu hay chấp nhận ít khán giả để làm nghệ thuật?
Tác giả Trần Anh Kiệt đặt câu hỏi: “Chạy theo khán giả đến bao giờ? Cứ ma, đồng tính… thì tác giả không còn là tác giả chân chính nữa. Trong kinh doanh có thể coi khách hàng là thượng đế. Nhưng sân khấu thì không thể coi khán giả là thượng đế mà phải là một người bạn tâm giao, đồng cảm với nhau, chứ không thể cứ chiều theo ý thích của khán giả”.
Nghệ sĩ Gia Bảo kiêm ông “bầu” sân khấu kịch Family nêu thực tế: Thú thật tôi không hiểu khán giả bây giờ thích cái gì. Xem “Tô Ánh Nguyệt remix” của Trấn Thành tôi đã rất bức xúc nhưng có rất nhiều khán giả trẻ lại bênh vực. Ma, hài, đồng tính là những đề tài hot, nếu sân khấu không làm thì không có khán giả. Chúng tôi cần những kịch bản hay, có chiều sâu nhưng vẫn mang yếu tố giải trí, ma…
Dung hoà giữa thị trường giải trí để có những tác phẩm có thông điệp, có ý nghĩa là cái mà những người làm sân khấu phải tính đến. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng: “Thị trường là khái niệm đúng với sân khấu. Sân khấu không tồn tại nếu không có thị trường. Điều quan trọng thị trường này hướng đến đối tượng khán giả nào? Chúng ta phải nghiên cứu thị trường, viết kịch bản theo đơn đặt hàng từ khán giả. Mọi thứ đều có thể nói bằng ma, hài…, vấn đề là nói cái gì và hình thức nói đến đâu để khán giả chấp nhận. Cái cần bây giờ là nghiên cứu khán giả đang cần gì, không chiều theo khán giả”.
Hài, ma, đồng tính… rồi cũng đến lúc bão hoà nếu các sân khấu cứ chạy theo trào lưu như hiện nay. Vấn đề ở chỗ, chọn đề tài và hình thức thể hiện để biến những ma, hài, đồng tính, hay thời sự xã hội… trở thành những tác phẩm thu hút và nhận được sự đồng cảm của khán giả. Đó là điều các tác giả, nhất là những tác giả trẻ phải hướng đến./.