Lễ hội Nào Sồng cầu mùa của đồng bào Mông Suối Bau
VOV.VN -Lễ hội Nào Sồng để cầu ban cho một năm mưa thuận, gió hoà, không có sâu mọt, chuột, rắn phá hoại mùa màng của nhân dân.
Suối Bau là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La, với 10 bản và hơn 3.400 nhân khẩu, 100% là đồng bào Mông. Đã thành thông lệ, cứ vào dịp đầu năm, bà con ở đây lại tổ chức lễ hội Nào Sồng (lễ hội “Cầu mùa”) với mong ước một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu.
Theo những già làng ở Suối Bau, trước đây, do trình độ nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, bà con không biết cách làm ăn, gieo cấy đúng thời vụ. Vì thế lúa ngô không tốt, không có năng suất dẫn đến thiếu ăn, thiếu mặc, cái đói nghèo cứ thế mà đeo bám quanh năm. Để khắc phục thực trạng này, lãnh đạo xã đã cùng các già làng bàn bạc thống nhất, trước khi đến mùa làm nương rẫy là phải tổ chức lễ “Nào Sồng”. Mục đích chính để vận động bà con bắt tay vào vụ sản xuất năm và tuyên truyền mọi người dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cùng các nội quy, quy ước của địa phương.
Để tổ chức lễ hội Nào Sồng, bà con đóng góp mua một con trâu hoặc con bò, hương cùng với vàng mã để làm 2 mâm lễ. Mâm lễ đầu tiên gồm: đầu con trâu, cơm, rượu, thịt, hương, vàng mã và tiền giấy để dâng lên trời, đất, cùng 4 vị thần canh giữ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc để cầu ban cho một năm mưa thuận, gió hoà, không có sâu mọt, chuột, rắn phá hoại mùa màng của nhân dân. Mâm lễ thứ hai, gồm: cơm, rượu, thịt, hương, vàng mã và tiền giấy dâng lên các vị thần đất, thần nước, thần cây, thần đá và tổ tiên để cầu phù hộ cho bà con có cuộc sống bình yên và mùa màng tươi tốt, thóc ngô đầy bồ, gia súc gia cầm đầy chuồng.
Một người cao tuổi, có uy tín, hiểu biết sâu rộng về phong tục của lễ hội được bà con mời làm ông mo khấn trong buổi lễ. Nội dung bài khấn được ông mo Thào A Chìa khấn như sau: “Hôm nay là ngày lành tháng tốt, UBND xã Suối Bau chúng tôi tổ chức lễ hội Nào Sồng. Mời các vị thần trời, đất, 4 vị thần canh giữ 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc; mời tất cả các vị thần cai quản trên địa phận vùng đất xã Suối Bau,; mời tổ tiên đến cùng UBND xã và bà con nhân dân xã Suối Bau chung vui lễ Nào Sồng và nhận các lễ vật mà UBND xã và bà con Suối Bau đã thành tâm dâng lên các vị thần. Cầu mong các vị thần xua đi những vận hạn, những điều không may mắn của năm cũ, bước sang năm mới, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu; phù hộ cho bà con nhân dân ở 10 bản trong toàn xã năm mới không ốm đau, bệnh tật, gặp nhiều may mắn, cuộc sống bình yên”.
Sau phần lễ, UBND xã đánh giá những việc đã làm được và chưa được trong năm cũ; đồng thời thống nhất nội dung kế hoạch năm mới và tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với việc thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào Mông; thực hiện tốt các quy ước, hương ước của xã, của bản. Bản cam kết tập trung vào nội dung: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; không tảo hôn, không thách cưới; người chết không để lâu ngày; không di cư tự do; không thả rông gia súc, gia cầm; không tranh chấp đất đai, không phá rừng làm nương rẫy; không trộm cắp, không cờ bạc; không tái trồng cây thuốc phiện, không nghiện hút, không buôn bán ma tuý. Tiếp đó, bà con các bản chung vui đoàn kết bên mâm cỗ lễ hội, cùng nhiều trò chơi dân gian.
Kết thúc lễ hội Nào Sồng, nhà nhà ai ấy đều tự giác ra quân bắt tay vào sản xuất để kịp thời vụ năm mới. Nhờ duy trì và phát huy tốt lễ hội Nào Sồng, nhiều năm lại đây xã không còn tình trạng di dịch cư tự do, tái trồng cấy thuốc phiện. Các vụ việc tranh chấp đất đai trong ngoài xã cũng được dẹp bỏ. An ninh trật tự trên địa bàn xã từ đó ổn định, bà con yên tâm lao động sản xuất.
Ông Sùng A Lù, Bản Suối Hiền cho biết: “Từ khi có Lễ hội Nào Sồng, cuộc sống của bà con nhân dân chúng tôi đã có nhiều đổi thay; con cái trong độ tuổi được đến trường; con cái phải đủ tuổi mới được lấy vợ, lấy chồng và mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh đẻ từ 1 đến 2 con; không du canh du cư, không phá rừng làm nương rẫy; bà con nhân dân cùng nhau thay đổi cây trồng vật nuôi đúng theo khoa học kỹ thuật, năm sau thu nhập cao hơn năm trước, có cuộc sống no ấm hơn”.
Lễ hội Nào Sồng Suối Bau trước đây rườm rà, diễn ra trong nhiều ngày, giờ rút gọn chỉ còn một ngày nhưng vẫn đảm bảo nghi lễ, thành kính. Lễ hội không chỉ có ý nghĩa đối với đời sống, sinh hoạt và tâm linh của đồng bào Mông ở đây, mà còn động viên bà con đoàn kết thi đua lao động sản xuất và gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc./.