Nhạc sĩ “Hoa cau vườn trầu” buồn vui với nghề
(VOV) - Cuộc đời nghệ sĩ không phải lúc nào cũng vui. Ẩn sau nụ cười của một nghệ sĩ là những suy nghĩ đau đáu về sự đời vui buồn lẫn lộn.
Nghe toàn bộ cuộc trò chuyện với NS Nguyễn Tiến
“Hoa cau vườn trầu” là ca khúc nằm trong cụm tác phẩm được giải thưởng Nhà nước năm 2012 của nhạc sĩ Nguyễn Tiến. Đồng thời, NS Nguyễn Tiến cũng đạt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ghi dấu một chặng đường lao động nghệ thuật.
PV: Vừa làm tốt vai trò sáng tác lại có cảm xúc trong diễn tấu, có thể nói nhạc sĩ Nguyễn Tiến vừa là nhạc sĩ, lại vừa là nghệ sĩ?
NS Nguyễn Tiến: Trong cuộc đời làm nghệ thuật thì có hai vai. Vai thứ nhất là nhạc sĩ dành cho người sáng tác và vai thứ hai là nghệ sĩ dành cho người biểu diễn. Để phấn đấu làm tròn một vai cũng là cực kỳ khó, nhưng rất mừng là tôi có được cả giải thưởng vinh danh Nghệ sĩ Nhân dân và Giải thưởng Nhà nước.
Trước đây, khi biểu diễn đàn bầu thì tôi ở vai nghệ sĩ. Lúc ấy, mọi người quen gọi tôi là Tiến Bầu. Và khi tôi là nhạc sĩ Nguyễn Tiến sáng tác các ca khúc như “Hoa cau vườn trầu”, “Nhớ đêm giã bạn”, “Chuyện tình diêu bông”… thì người ta cũng cũng vẫn gọi tôi bằng nghệ danh Tiến Bầu. Vừa sáng tác, vừa chơi nhạc, kết hợp trong nghệ danh đó.
PV: Từ một cuộc biểu diễn tới một nhạc sĩ thì bước chuyển đó đã diễn ra như thế nào?
NS Nguyễn Tiến: Thực ra tôi không nghĩ mình là nhạc sĩ. Khoảng thập kỷ 80 của thế kỷ trước, tôi muốn đánh và biểu diễn đàn bầu nhưng chẳng ai phối khí cho tôi cả. Thời đấy nhạc nhẹ phát triển mạnh đến mức khi tôi đi mời người phối khí thì họ đều từ chối hoặc làm không hết lòng. Tôi rất buồn và cũng cay cú nữa nên quyết tâm học sáng tác để tự phối khí cho mình.
Sau đó, việc học phối cho đàn bầu đã ngấm giai điệu và tâm hồn của dân tộc Việt Nam vào trong tôi. Là người được học hành bài bản, biết rất nhiều các loại làn điệu dân ca nên tôi bật ra viết ca khúc. Các ca khúc lại được mọi người hưởng ứng. Từ đó, tôi không chỉ viết ca khúc và viết cả khí nhạc và dần dần chuyển đổi. Cũng phải nói, khi người ta không xem một người nghệ sĩ già như tôi biểu diễn đàn bầu nữa thì phải chuyển nghề khác, để mình có thể kiếm tiền nuôi cái đàn bầu và nuôi gia đình. Từ đó tôi chuyển sang nhạc sĩ sáng tác.
Bài hát "Nhớ đêm giã bạn"
PV: Trong các sáng tác của ông, dù là ca khúc hay khí nhạc thì đều mang đậm chất âm nhạc dân tộc. Đây có phải là hướng đi ông xác định cho âm nhạc của mình?
NS Nguyễn Tiến: Chất liệu âm nhạc dân tộc chính là con người tôi rồi. Gia đình tôi hoạt động nghệ thuật nên nó ngấm vào tôi từ bé. Bây giờ bảo tôi viết nhạc nhẹ thì khó lắm, tôi không viết nổi.
PV: Đến với âm nhạc qua cây đàn bầu, vậy, con đường trở thành Nghệ sĩ Nhân dân của ông có gặp nhiều khó khăn, trắc trở không?
NS Nguyễn Tiến: Phấn đấu trở thành Nghệ sĩ Nhân dân rất khó khăn và vất vả. Để đạt được một huy chương vàng trong hội diễn thì phải tập luyện ngày đêm mới ra được một tác phẩm phù hợp. Trong những năm qua, tôi giành được 18 huy chương vàng trong nước và quốc tế đủ để thấy sự phấn đấu không biết mệt mỏi và sự sáng tạo không ngừng.
Bên cạnh kỹ thuật thì nói ra, cái hồn của mình mới là quan trọng. Mà tâm hồn đó phải được tạo thình từ trong cuộc sống hàng ngày, mình sống thế nào thì tiếng đàn phát ra như vậy. Mình sống chân thành, tiếng đàn mình chân thành; mình sống lãng tử, tiếng đàn của mình lại lãng tử. Nhưng, tất cả cái chân thành, lãng tử của một nghệ sĩ, sáng tạo của một cá nhân phải được đúc kết trong tiếng đàn tròn trĩnh, sâu lắng.
Sâu lắng là bởi, trong một cuộc đời nghệ sĩ không phải lúc nào cũng vui. Ẩn đằng sau nụ cười của một nghệ sĩ là những suy nghĩ đau đáu về cuộc đời, buồn vui lẫn lộn. Có những lúc ngồi một mình thư giãn mà nghĩ lại những điều đã qua hoặc những cái sắp tới, người nghệ sĩ tư duy một cách đích thực, suy nghĩ thực sự vì nghề thì mới có thể đạt được sự hoàn thiện về tâm hồn.
PV: Trải qua nhiều thăng trầm trong nghề, đến tầm tuổi này, nhạc sĩ có mong muốn gì?
NS Nguyễn Tiến: Cuộc đời lao động nghệ thuật thì nhiều khi ước muốn chỉ là ước muốn. Thành quả nhiều lúc cũng khó đến với mình. Nhưng tôi rất may mắn vì nhận được rất nhiều phần thưởng. Cuộc đời tôi, 50 năm hoạt động nghệ thuật đã cảm thấy thành công rồi. Tôi cũng muốn cảm ơn tất cả những người đã ủng hộ và động viên tôi trong bước đường nghệ thuật.
Bài hát "Hoa cau vườn trầu" - Thể hiện: Thu Hiền
PV: Bây giờ nhạc sĩ Nguyễn Tiến đã là Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội. Ở cương vị quản lý, ông không đi biểu diễn nữa thì có thấy nhớ nghề không?
NS Nguyễn Tiến: Dĩ nhiên là nhớ nghề chứ. Bây giờ, con trai tôi là nghệ sĩ Nguyễn Tùng thay tôi chơi đàn bầu và chỉ huy dàn nhạc. Lớp trẻ bây giờ được tiếp xúc với khoa học, kỹ thuật và phương tiện nên có nhiều thứ tiến bộ hơn chúng tôi nhưng tình yêu dành cho cây đàn bầu thì lại kém đi. Có những lúc một mình thư thái, cầm cây đàn lên, tôi lại biểu diễn và thả hết tâm hồn mình vào trong âm nhạc. Tôi cảm giác rằng không bao giờ tôi có thể bỏ được nghề. Dù có thể khổ, có thể là gian nan nhưng cứ hễ nhìn thấy ánh đèn sân khấu, nhìn thấy cây đàn là lại say nghề.
Tôi đang ấp ủ một ước mơ là trước khi nghỉ, tôi sẽ trình diễn trước khán giả một đêm nhạc về đàn bầu. Trong đó, có những sáng tác của riêng tôi và những tác phẩm viết cho đàn bầu. Tôi tin rằng tôi sẽ làm được.
PV: Hiện nay, lớp trẻ không mấy mặn mà với âm nhạc dân tộc và nói riêng với cây đàn bầu thì càng ít người theo học. Ông có cảm thấy buồn vì điều này?
NS Nguyễn Tiến: Buồn chứ, nhưng không phải buồn vì lớp trẻ mà là những người quản lý và những người đang định hướng cho nền âm nhạc dân tộc. Họ phải nhìn lại để phát triển ngành nghệ thuật, âm nhạc dân tộc mà cụ thể là nhạc cụ dân tộc. Từ việc tìm được ra những tài năng thật sự, quảng bá, giải thưởng thích đáng rồi chăm sóc và tôn vinh những người chơi đàn thật xuất sắc… đều không làm được điều đó. Liên hoan xong cất đi để đấy, thậm chí một buổi truyền hình cũng không có.
Chúng ta phải cân đối lại để làm sao phát triển đồng đều âm nhạc chính thống chuyên nghiệp và âm nhạc thị trường. Học đàn dân tộc khó lắm. Học trên 10 năm vẫn chưa ăn thua gì nhưng sự quảng bá, định hướng và tôn vinh những người chơi đàn dân tộc giỏi lại không có.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Tiến về cuộc phỏng vấn./.