NSƯT Hoàng Tùng: “Người con gái Việt Nam” là lời tri ân tới nhà thơ Tố Hữu

VOV.VN - Vào đúng dịp sinh nhật nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020), NSƯT Hoàng Tùng đã cho ra mắt ca khúc "Người con gái Việt Nam".

Trong kho tư liệu âm thanh của Đài TNVN có ít nhất 25 ca khúc phổ thơ, dựa ý thơ của nhà thơ cách mạng Tố Hữu, chưa kể những tác phẩm ngâm thơ, hay chuyển thể khác. Bài hát đầu tiên phổ thơ ông là sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký, có tên gọi “Em đã thắng” từ bài “Người con gái Việt Nam” với nguyên mẫu là nữ anh hùng cách mạng Trần Thị Lý, của nhà thơ Tố Hữu. 

Và đáng chú ý, vào đúng dịp sinh nhật nhà thơ cách mạng này 4/10/1920 - 4/10/2020, kho tư liệu âm thanh Đài TNVN lại có một bài hát mới có tên gọi “Người con gái Việt Nam” cũng dựa trên bài thơ này của ông, đặc biệt đó là 1 sáng tác của NSƯT Hoàng Tùng – Nhà hát Đài TNVN, Quán quân Sao Mai 2003 dòng nhạc thính phòng. Phóng viên đã có dịp trò chuyện với anh để tìm hiểu về ca khúc ý nghĩa này.

PV: Xin chào và cảm ơn NSƯT Hoàng Tùng với cuộc phỏng vấn này. Thông thường các tác giả khi tìm cảm xúc sáng tác thường là những ý tưởng về tình yêu dễ cảm xúc hơn. Nhưng riêng Hoàng Tùng lại lựa chọn “Người con gái Việt Nam” - một bài thơ xúc động, ý nghĩa về người anh hùng cách mạng Trần Thị Lý của nhà thơ Tố Hữu. Những câu thơ rất gai góc cho việc phổ nhạc, vậy Hoàng Tùng có thể chia sẻ lý do chọn bài thơ này để viết nhạc?

NSƯT Hoàng Tùng: Hoàng Tùng đọc bài thơ này trên facebook. Sau đó, Hoàng Tùng đã tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thơ này và biết tác giả của “Người con gái Việt Nam” là nhà thơ Tố Hữu, cũng như nhân vật chính của bài thơ nói đến: Người nữ anh hùng Trần Thị Lý. 

Đọc nội dung bài thơ, rồi đọc những cảm nhận của nhiều tác giả, bạn đọc, đặc biệt, chứng kiến hình ảnh quật cường, sự hiên ngang, dũng cảm, tinh thần cách mạng, sức chịu đựng của nữ anh hùng Trần Thị Lý. Hoàng Tùng rất xúc động trước những hy sinh to lớn của bà, mà ngay bây giờ khi kể lại, cũng cảm thấy gai người. Hoàng Tùng bắt tay viết ngay bài hát này trong vòng một tiếng đồng hồ của 1 buổi chiều cách đây không lâu.

PV: Anh có gặp những khó khăn gì khi viết ca khúc không?

NSƯT Hoàng Tùng: Điều khó khăn nhất là làm sao để đưa lời thơ phù hợp nhất với âm nhạc. Bên cạnh đó, bài thơ của nhà thơ Tố Hữu cũng rất dài, mình phải chắt lọc câu thơ mà vẫn đủ ý tứ, ngợi ca hình tượng người anh hùng Trần Thị Lý . Nhưng cũng phải làm sao để phù hợp với giai điệu, nó không quá dài mà có khúc thức, lại vừa phải nghe thấy hợp lý. Cảm xúc trào dâng nên trong thời gian ngắn bài hát được hoàn thiện. 

Cho nên trong bài hát, Hoàng Tùng dùng những câu thơ này để có 1 coda huy hoàng: “Như ngày em đi, ngọn cờ đỏ gọi. Em trở về, người con gái quang vinh. Cả nước ôm em, như khúc ruột của mình. Hỡi em, người con gái Việt Nam” và chính câu hát “Cả nước ôm em, như khúc ruột của mình. Hỡi em, Người con gái Việt Nam”  là câu mà Hoàng Tùng thấy cảm xúc nhất, vì vậy Hoàng Tùng đã lấy chính câu hát cuối này, cũng là tựa đề bài thơ của nhà thơ Tố Hữu “Người con gái Việt Nam” để đặt tên ca khúc này.

PV: Về giá trị nghệ thuật của ca khúc “Người con gái Việt Nam”, lời thơ Tố Hữu, âm nhạc Hoàng Tùng đã được Hội đồng nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam thẩm định, đưa vào kho tư liệu VOV lưu trữ và sử dụng, nhưng còn phản hồi của bạn bè của gia đình như thế nào? 

NSƯT Hoàng Tùng: Khi hoàn thành tác phẩm, Hoàng Tùng cũng đã chia sẻ cho vài anh em trong giới và những người thân, bạn bè hay giao lưu âm nhạc với Hoàng Tùng. Hoàng Tùng cũng không nghĩ là nhận được đánh giá rất tích cực. Đa số đều cho rằng cách viết của Tùng già dặn so với tuổi tác (cười), mà chọn ý tưởng cũng khó, gai góc. Thực ra bài “Người con gái Việt Nam” không phải là sáng tác đầu tiên mà trước đó Hoàng Tùng đã sáng tác 4 đến 5 bài rồi, nên Hoàng Tùng cũng có kinh nghiệm. 

Có một chủ đề tập trung trong sáng tác của Tùng đó là viết về nơi học của mình, quê hương mình và ca ngợi đất nước, chứ không để ý đến các chủ đề tình yêu, trữ tình. Các chủ đề này xuất phát từ tình cảm, từ lòng yêu thích, cho nên cách viết của Hoàng Tùng vẫn thiên nhiều về cảm xúc nhiều hơn. Bởi cảm xúc chạm đến việc gì đó, chạm đến một điểm nào đó, tự nhiên những giai điệu cứ thế cất lên thôi.

PV: Một điều bất ngờ và thú vị là năm 1960, kho tư liệu của Đài TNVN có ca khúc “Em đã thắng” của nhạc sĩ Văn Ký, phổ thơ bài “Người con gái Việt Nam” của nhà thơ Tố Hữu và 60 năm sau cũng bài thơ này đã được NSƯT Hoàng Tùng phổ nhạc. Thêm nữa dịp này lại trùng với kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 – 4/10/2020), cảm xúc của Hoàng Tùng thế nào?

NSƯT Hoàng Tùng: Hoàng Tùng rất vui khi được biết bài hát của mình hoàn thiện cũng cùng với dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Tố Hữu. Ông là một nhà thơ đã hằn sâu vào tâm thức thế hệ chúng tôi, hay nhiều thế hệ người Việt Nam khác. Một nhà thơ cách mạng với những cống hiến , phụng sự hết mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. 

Nhân dịp này, không biết nói gì hơn, bài hát “Người con gái Việt Nam” như một lời tri ân đến nhà thơ Tố Hữu. Tôi cũng rất mong muốn rằng sẽ có nhiều tác phẩm hơn nữa và nếu có thể sẽ tiếp tục phổ nhạc thơ của ông. Đây cũng là 1 kỷ niệm, 1 món quà ý nghĩa với Hoàng Tùng. Bên cạnh đó, Hoàng Tùng cũng rất vinh dự khi là thế hệ tiếp nối để làm dày thêm kho tư liệu âm nhạc của Đài TNVN.

PV: Hoàng Tùng vừa chia sẻ mong muốn có thêm nhiều sáng tác, bên cạnh việc sẽ tiếp tục tìm hiểu để phổ nhạc cho thơ của nhà thơ Tố Hữu. Vậy dự án tiếp theo của anh là gì?

NSƯT Hoàng Tùng: Vâng! Hoàng Tùng trong ý tưởng của mình cũng đang mong muốn viết rộng hơn về các chủ đề khác. Nhưng có lẽ chủ đề mà tôi muốn viết sắp tới đó là về tình yêu.  Tình yêu gắn với những mùa trong năm.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Hoàng Tùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội thảo Khoa học Tố Hữu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế
Hội thảo Khoa học Tố Hữu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế

VOV.VN - Đồng chí Tố Hữu trên phương diện là một nhà thơ cách mạng, “một viên ngọc quý” của nền văn hóa Việt Nam.

Hội thảo Khoa học Tố Hữu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế

Hội thảo Khoa học Tố Hữu với Cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế

VOV.VN - Đồng chí Tố Hữu trên phương diện là một nhà thơ cách mạng, “một viên ngọc quý” của nền văn hóa Việt Nam.

Thừa Thiên Huế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tố Hữu
Thừa Thiên Huế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tố Hữu

VOV.VN - Sáng nay (2/10), Tỉnh ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920-4/10/2020).

Thừa Thiên Huế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tố Hữu

Thừa Thiên Huế kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Tố Hữu

VOV.VN - Sáng nay (2/10), Tỉnh ủy, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Tố Hữu (4/10/1920-4/10/2020).

Công viên văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu- Địa chỉ tìm về
Công viên văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu- Địa chỉ tìm về

VOV.VN - Công viên Văn hóa và Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu vừa kịp hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Công viên văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu- Địa chỉ tìm về

Công viên văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu- Địa chỉ tìm về

VOV.VN - Công viên Văn hóa và Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu vừa kịp hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.