Tết - di sản văn hóa bất biến của người Việt

(VOV) - Ý nghĩa thiêng liêng nhất của ngày Tết là ở chỗ đây là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên.

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hoá của người Việt Nam. Ý nghĩa thiêng liêng nhất của ngày Tết là ở chỗ đây là dịp để mọi người nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Giá trị tinh thần lớn lao của Tết Nguyên Đán ẩn sâu trong đời sống tâm linh của mỗi người, trong gia đình và cả cộng đồng, trở thành một di sản văn hóa to lớn của người Việt Nam.

Giá trị tâm linh của văn hoá gia đình Việt

Tết Nguyên đán là Tết lớn nhất trong của người Việt. Đó là thời điểm kết thúc chu kỳ vận hành 365 ngày của đất trời; là dịp con người nhớ về cội nguồn tổ tiên; là dịp sum họp gia đình, gắn kết tình thân; cũng là lúc mọi người suy ngẫm về những việc đã làm và những dự định mới.

Ý nghĩa thiêng liêng nhất của Tết Nguyên Đán là ở chỗ đây là dịp để người Việt nhớ về cội nguồn, ông bà tổ tiên. Theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng VN, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, hướng về tổ tiên, thờ cúng tổ tiên là một trong những nội dung quan trọng, một ý nghĩa nhân bản sâu sắc của Tết cổ truyền. Tổ tiên cụ thể là tổ tiên cụ thể của từng gia đình. Nhưng trong tâm thức của người Việt, tổ tiên còn có ý nghĩa quốc gia dân tộc. Đặc biệt năm 2012, UNESCO tôn vinh một di sản rất độc đáo của VN là Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực chất là là sự phóng đại của tục thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam.

Ở đây nó có một ý nghĩa lớn tức là có Tổ quốc thì mới có gia đình, còn gia đình thì mới giữ được Tổ quốc. Đấy là mối quan hệ nó rất khăng khít với nhau. Việc hướng về cội nguồn trong dịp Tết còn có ý nghĩa quốc gia dân tộc, đó là điểm qui tụ tâm linh của người Việt, hướng người Việt về nguồn gốc chung để tạo nên sự đoàn kết, gắn bó của dân tộc. Trong suốt lịch sử VN, sự gắn bó, đoàn kết đó, sự qui tụ đó luôn luôn là sức mạnh.

Câu đối ngày Tết.

Chính vì thế, theo GS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện văn hóa (Viện Khoa học- Xã hội Việt Nam), trong những ngày Tết, con người luôn mong được trở về với nguồn cội, quê hương. Ngày Tết, mọi người dù đi đâu, ở đâu đều nhớ về quê cha, đất tổ, về tổ ấm gia đình. Hai tiếng quê hương, gia đình trở nên thiêng liêng và cuốn hút đối với mỗi người Việt Nam nhất trong dịp Tết đến Xuân về. Những ngày Tết cũng phải trở về với gia đình, tuân theo những tục lệ thiêng liêng, làm tròn bổn phận của mình với Trời, Đất, với Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, vợ con và người thân trong gia đình... là niềm hạnh phúc nhất với mỗi con người.

Phong tục Tết của VN theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, là sự tập hợp của một gia đình. Vào dịp đầu năm mới, thì tất cả các thành viên của gia đình, dù đi làm ăn xa ở đâu cũng phải về gia đình vào dịp Tết để gia đình được gặp gỡ nhau trong ngày đó và cùng chia sẻ với nhau những tình cảm và những nỗi niềm công việc làm ăn cả năm. Trong cuộc gặp gỡ này, đó là sự thông cảm trao đổi với nhau của tất cả những người trong gia đình. Mọi người cùng chia sẻ với nhau nhân lúc chuẩn bị Tết như gói bánh chưng hay là sắp cỗ trong này Tết. Nếu người nào không về quê, không về được gia đình trong ngày Tết thì đều rất buồn, kể cả những người do công việc mà phải ở lại thì cũng rất nhớ nhà.  Dịp Tết là dịp các gia đình cùng tập trung nhau lại để làm những công việc nghi lễ, cộng cảm, sắm cỗ để nhớ về tổ tiên, nhớ những người đã khuất.

Đồng quan điểm này, Phó GS Lê Trung Vũ (Hội Văn nghệ Dân gian VN) - chủ biên công trình nghiên cứu "Tết cổ truyền của người Việt" cho rằng: đối với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là cơ hội để mọi người được gặp người thân của mình, đoàn tụ gia đình, đoàn tụ các dòng họ và đặc biệt là Tết ngày xưa và ngày nay nữa, người ta muốn trở về quê. Người VN có đạo lý lớn nhất là đạo lý thờ tổ tiên, tức là nhớ ơn những người đã sinh ra mình và làm cho mình có ngày hôm nay. Người Việt Nam vào dịp Tết thường nhớ về tổ tiên, nhớ về người đã sinh ra mình và nhớ về làng quê của mình mà tất cả những người đã sinh ra mình sống ở đấy, mình cũng trưởng thành từ đó.

Thiêng liêng phút Giao thừa

Trong 3 ngày Tết, đêm 30 Tết có một ý nghĩa đặc biệt với người Việt. Khoảng thời gian ấy là lúc mọi người khẩn trương hoàn tất nốt những công việc cần làm, sửa soạn mâm cỗ cúng Giao thừa và cúng gia tiên và chuẩn bị đón một năm mới đang tới gần.

Hội thi Làm bánh trưng.

Theo sự phân tích của Phó GS Lê Trung Vũ, đêm 30 Tết ý nghĩa của nó đối với từng con người và mỗi gia đình là sự đoàn tụ đầm ấm. Về tình cảm là được gặp gỡ nhau, sống giữa tình yêu thương. Về kinh tế, người ta cũng cảm thấy sau một năm làm lụng, bây giờ cũng là lúc ổn định về đời sống kinh tế và lúc này người ta cũng cảm thấy thoải mái nhất. Tuy vẫn chỉ là vòng quay thời gian bình thường thôi, nhưng về quan niệm là khác hẳn là ngày mai là đã sang cái mới rồi, nó bỏ hết cả cái cũ hôm nay, vì vậy nó phải khác thường. Người ta chuẩn bị ăn, chuẩn bị mặc, chuẩn bị thái độ ứng xử cho một năm mới.

Chính vì thế phút giao sắp sửa giao thừa là phút người ta muốn tất cả con cái người thân, con cái tụ hội lại xung quanh mà trung tâm thường thường là bàn thờ gia tiên. Bàn thờ gia tiên thì phải thể hiện cái trong sáng, sạch sẽ, thanh khiết, ánh sáng đầy đủ, khói hương nghi ngút. Hương trầm thơm ngát tạo không khí linh thiêng vì cái gì cũng trong sạch cả. Còn ngoài đường cũng có không khí khác thường ở chỗ là cũng có thể đi dạo chơi, đón năm mới bằng một không gian thiêng. Những kiến trúc tôn giáo là lúc này rất là nhộn nhịp. Cụ thể là người ta đến đình, chùa, miếu, phủ, cầu mong tiên phật hoặc mẫu, bằng thái độ thành kính cầu mong năm mới đem lại cho người ta hạnh phúc.

Nói về giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa một năm cũ và một năm mới GS-TS Lê Hồng Lý cho rằng, thời khắc Giao thừa đặc biệt vì đó là lúc thiên nhiên chuyển giao sang một chu trình vận hành mới của một năm, khí Âm nhường chỗ cho khí Dương, vạn vật sinh sôi, con người cũng trưởng thành hơn. Phút Giao thừa làm sống dậy trong mỗi con người mối giao cảm thiêng liêng với Trời, Đất, với cõi thiêng, trong tình cảm đầm ấm với những người ruột thịt thân yêu nhất.

Bao nhiêu ước vọng, bao nhiêu niềm mong nước của người ta là người ta đặt vào đó. Ai cũng mong muốn là sức khoẻ phải dồi dào, công việc làm ăn tiến tới, học hành của con cái suôn sẻ. Mọi thứ đều mong ước những điều tốt lành nhất, không bệnh tật, không đau ốm, không lũ lụt, không tai nạn. Thế cho nên, thời khắc chuyển giao đó, người ta đều mong ước tới những điều tốt đẹp nhất và làm việc gì cũng rất cẩn trọng. Bất kể một việc gì mà người ta làm trong giai đoạn đó không cẩn thận nhỡ có việc gì xảy ra. Rồi nói năng với nhau như thế nào cho nhẹ nhàng, rồi không quét rác ở trong nhà ra cửa vì sợ của cải trôi đi, hoặc là đổ nước để cho mọi thứ thông thoáng như là nước chảy... Tất cả nhằm mong mọi sự thông hanh trong năm mới.

Độc đáo Tết Nguyên đán

Trong tâm linh của người Việt, ngày Tết Nguyên Đán thật là thiêng liêng và ấm cúng. So với cách đón Tết của một số nước trên thế giới, phong tục Tết của VN có nhiều nét rất đặc sắc. Theo sự phân tích của GS-TS Lê Hồng Lý thì, các nước Phương Tây họ cũng sum họp gia đình. Ngày đó là ngày họ cũng tập họp  lại với nhau. Nhưng do tín ngưỡng của hai bên khác nhau, người Phương Tây họ tập hợp nhau lại ăn xong rồi đi lễ nhà thờ. Còn ở VN thì chúng ta tập hợp nhau lại, có sự trao đổi với nhau về mặt tình cảm, về kinh nghiệm trong cuộc sống trong năm qua, chia sẻ hoặc tha thứ cho nhau những lỗi lầm, hoặc là có những vướng mắc. Điểm nữa là tục thờ cúng cha mẹ tổ tiên, thì ở Phương Tây ngày Tết thì họ không làm việc đó, mà ví dụ như ở vùng các nước Đông Âu và Xla-vơ chẳng hạn thì họ có ngày Memory tức là ngày nhớ lại. Có khi họ chọn ngày sinh của người chết vào dịp nào đó của một năm, tập họp nhau lại để tưởng nhớ những người đã khuất. Ở VN ngoài ngày giỗ thì ngày Tết cũng là dịp thiêng liêng để nhớ tới những người đã khuất.

Bánh Trưng, món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Việt

Tết của người Việt Nam cũng khác với Tết của người Trung Quốc, hoặc Nhật Bản. Thí dụ chuyện chúng ta sắm Tết, ngoài chuyện thức ăn, thức uống, thì mỗi một vùng có đặc sản bánh thì cố gắng mỗi cái Tết thì làng đó hoặc vùng đó phải cố gắng làm món đặc sản đó để cho khác với nơi khác. Cái nữa là thú chơi ngày Tết,  các nước khác người ta chơi cây cảnh, nhưng hoa, cây cảnh của nguời Việt thực sự như là một ngày hội, mà khách du lịch nước ngoài rất thích đến VN trong dịp này. Mỗi nhà đều có cố gắng có chậu hoa ngày Tết theo các dáng vẻ khác nhau. Nhiều phong tục Tết người VN học của Trung Quốc, nhưng lại có bản sắc riêng. Chẳng hạn như việc chơi chữ,  xin chữ thì ở VN rất phát triển. Nhiều người tình nguyện ngồi ở Văn Miếu, thậm chí ở đường phố để cho chữ.

Còn theo GS-TS Ngô Đức Thịnh, tính tâm linh, hướng về Tổ tiên thể hiện rất rõ trong người Việt. Các giá trị tinh thần, các hoạt động của người Việt Nam trong Tết cổ truyền phong phú hơn.

Khi nói về khái niệm văn hóa, có một học giả người Pháp đã khẳng định "Văn hóa suy cho cùng là những gì còn lại khi tất cả đã mất". Qua hàng nghìn năm lịch sử, chúng ta có thể thấy, ngày Tết Nguyên đán là cái còn lại khi nhiều thứ đã và đang dần bị mất đi. Tất cả những giá trị văn hoá tâm linh, những suy nghĩ hướng về cội nguồn tổ tiên, những việc làm thể hiện tâm Lành, hướng Thiện, đều nhằm xây dựng những giá trị văn hoá tốt đẹp, để ngày Tết càng thêm vui, thêm ý nghĩa, để niềm vui trong dịp Xuân mới thêm tròn đầy./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Châu Á tất bật những ngày giáp tết Quý Tỵ
Châu Á tất bật những ngày giáp tết Quý Tỵ

(VOV) - Tại nhiều nước, các đường phố được trang trí rực rỡ sắc màu, tràn ngập đồ trang trí hình con rắn của năm 2013.

Châu Á tất bật những ngày giáp tết Quý Tỵ

Châu Á tất bật những ngày giáp tết Quý Tỵ

(VOV) - Tại nhiều nước, các đường phố được trang trí rực rỡ sắc màu, tràn ngập đồ trang trí hình con rắn của năm 2013.

Lắng trong giá trị Việt- Chương trình đặc biệt đêm giao thừa
Lắng trong giá trị Việt- Chương trình đặc biệt đêm giao thừa

(VOV) -Chia sẻ của Tổng đạo diễn chương trình-ông Uông Ngọc Dậu về ý tưởng xuyên suốt của chương trình đặc biệt đêm giao thừa Đài TNVN

Lắng trong giá trị Việt- Chương trình đặc biệt đêm giao thừa

Lắng trong giá trị Việt- Chương trình đặc biệt đêm giao thừa

(VOV) -Chia sẻ của Tổng đạo diễn chương trình-ông Uông Ngọc Dậu về ý tưởng xuyên suốt của chương trình đặc biệt đêm giao thừa Đài TNVN