Trần Đăng Khoa – Người “bán lẻ” các vì sao!
Chân dung Trần Đăng Khoa, qua bài viết dí dỏm của nhà thơ Bùi Hoàng Tám, là kẻ “bán đứng” thi ca, “thâm canh” Đối thoại và “bán lẻ” các vì sao.
Trần Đăng Khoa – Người “bán lẻ” các vì sao!
Tôi nhớ cách đây hơn chục năm, trên mục đối thoại của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, trong cuộc gặp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Cao Sỹ Kiêm, nhà thơ Trần Đăng Khoa có nói đại để rằng anh sẽ “kinh doanh bầu trời và bán lẻ... các vì sao”.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa |
Trời ơi! Thi sĩ Trần Đăng Khoa đây ư?
Lúc ấy, vì không có ti vi, báo chí như bây giờ nên chả biết mặt lão thế nào (chứ như bây giờ, mở ti vi vài hôm lại nhìn thấy mặt đến… nhạt cả đi) nên bằng trí tưởng tượng của mình, tôi vẽ ra một Trần Đăng Khoa người cao dong dỏng, da trắng trẻo, cặp kính dày như đít chai trề trễ xuống mũi, mặt lơ ngơ đi giữa cuộc đời. Có khi tay còn cầm một bông hoa và một... chai rượu.
Thế nên lúc gặp, tôi như không tin ở mắt mình. Trời ơi! Thi sĩ Trần Đăng Khoa đây ư? Lão thấp lủn củn, béo, đen và khôn như… ma xó. Đã thế, lão còn khoe với tôi lão là nhà kinh doanh có hạng. Dạo ở Nga, nhiều nhà doanh nghiệp còn nhờ lão “soi đường, chỉ lối”. Có lần lão còn được hưởng lương “cố vấn kinh doanh”.
Tất nhiên là lão chối đây đẩy “lời đồn” lão từng mua về nước 3 vạn 9 ngàn cái khăn quàng để đến lúc đem bán cho hàng... giẻ. Hỏi thì lão bảo: “Tào lao! Làm gì có chuyện đó”.
Chuyện ấy có thể thiên hạ bịa cho vui và cũng có thể lão chối vì ai muốn nhận “mắm thối” về mình nhưng chuyện lão kiếm tiền như nước sông Kinh Thầy thì có thật.
Tiền vào như nước Kinh Thầy
Dịp đầu năm 1999, nhà văn Lê Lựu ghé tai tôi thì thầm: “Tết này thằng Khoa kiếm hơn chục triệu đấy”. “Lão buôn hàng lậu à?” Tôi cười hỏi. “Không, nó buôn Tết, bán... mùa xuân”. Té ra, theo một nguồn tin rất… văn nghệ, dạo đó mỗi tết Khoa thường viết vài chục bài cho toàn các tờ báo lớn. Lãnh đạo các báo vừa quý vừa thương, muốn tạo điều kiện để thi sĩ kiếm thêm thu nhập, vừa thỏa lòng độc giả nên cái khoản nhuận bút khá xôm. Mỗi bài 500 – 700 có bài lên đến tiền triệu (tiền khi đó) là chuyện không hiếm.
Tôi đến hỏi Khoa, lão cười phơ lớ: “Làm gì có của”. “Chắc thâm canh mỗi bài 4 lần chứ gì?”. “Đâu có, ai lại thế...”.
Phải thừa nhận mấy năm đó, tài lộc thi nhau đổ vào nhà lão. Chỉ tính sơ sơ riêng Chân dung và đối thoại lần đầu, NXB trả cho 5 triệu, 10 lần tái bản, mỗi lần ông Ngợi (giám đốc NXB Thanh niên) lại lẳng lặng rút ra 2 triệu giúi vào tay lão. Độc khoản này, lão ăn kép (vì tất cả các bài đó đã đăng báo, lão tập hợp và cho in lại), bội thu 25 triệu đồng.
Đã từng “bán đứng” thi ca và “thâm canh” Đối thoại…
Cái khoản “bán đứng thi ca – nói chuyện văn chương, lão toàn… đứng nói” , lão cũng rất đông khách. Ngày ấy, văn chương còn có giá, nhất là các dịp mừng xuân mới hay ngày lễ, tết… Khách khứa kéo đến nhà lão thủ thỉ: “Thôi thì trăm sự nhờ thày giúp cho” cứ như mời thày cúng ngày tư rằm, mồng một.
Nhớ dạo kỉ niêm Ngày thanh lập Quân đội Nhân dân năm đó, mấy thầy cô ở trường X lên từ ngày 3/12 “mời thầy về giúp”. Thế mà lão hẹn người ta “Ấy, thưa với các thầy, các thầy thư cho em đến ngoài 23 có được không ạ”. Cứ mỗi cuộc “Thưa thầy” như vậy là “nhà em khoa” thu hoạch ít nhất cũng là 300 ngàn, nhiều thì 500 ngàn đến 1 triệu. Thôi thì cứ xoàng xoàng tất cả 10 triệu nữa. Vị chi năm đó, lão thu hoạch chừng 50 triệu. Theo thời giá khi đó, trị giá bằng 20 tấn thóc. Xem ra cánh đồng văn chương cũng khá mầu mỡ cho Hạt gạo làng ta.
Chân dung và đối thoại không chỉ mang lợi cho lão. Tính đến nay đã có hàng trăm bài báo in, báo nói, báo hình “thâm canh”. Bình quân mỗi bài cỡ 150 ngàn thì các nhà phê bình, phóng viên văn hóa cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đã kiếm hàng chục triệu bạc.
Có lần tôi hỏi một chủ sạp báo ở Hàng Trống: “Một ngày chị bán được mấy cái Chân dung...?”. “Ngày nhiều bù ngày ít cũng chừng chục cuốn”. Tức là chị bán được cỡ 300 ngàn và thu được 90 ngàn nhờ 30% phát hành phí. Một ngày kiếm gần trăm ngàn bạc từ một cuốn sách quả là số tiền không nhỏ.
Còn 30 em ở tổ bán báo Xa mẹ một ngày bình quân mỗi em cũng bán được 4 – 5 cuốn. Tức là mỗi em có được 40 - 50 ngàn đồng/ngày. Một chú bé hí hửng khoe với tôi: “Hôm 8/3, cháu bán được 15 cuốn. Có một ông mua hẳn 5 cuốn. Cháu hỏi chú mua làm gì nhiều thế. Ông ta bảo biếu bà nội một cuốn, bà ngoại một cuốn, một cuốn cho vợ, một cuốn cho em vợ và một cuốn cho con gái. Rồi ông ta nháy mắt với cháu: Tao làm công tác tư tưởng đấy”. Tôi đã tận mắt thấy gia đình một phạm nhân gửi “hối lộ” giám thị trại giam một cái “Chân dung và đối thoại”.
Những người làm nghề kinh doanh thường hay tin vào vía tốt. Tôi cũng tin là Trần Đăng Khoa tốt vía. Cứ cho rằng Góc sân và khoảng trời là tác phẩm văn học có giá trị (tái bản gần khoảng trên 50 lần, theo số liệu của Phát hành sách TP. Hồ Chí Minh quý I năm 99, lượng bán ra vẫn đứng thứ 2 sau Từ điển, còn Chân dung và đối thoại xếp thứ 10), nhưng đến cái chuyện lão Nguyễn Viết Chộp cũng làm tăng tia ra của tờ An ninh Thế giới thì quả làlão tốt vía vì thật tình cái chuyện ấy nhàn nhạt.
Lo mất thương hiệu hơn cả doanh nhân
Nhưng đừng ai quá tin vào tướng số mà hùn vốn kinh doanh với lão.
Cái nghề viết vốn mồ hôi, nước mắt nên lão viết rất khó khăn. Mỗi lần đặt bài là một lần khốn khổ vì lão hẹn tái hẹn hồi. Có lần lão bảo: “Tôi viết khó khăn lắm ông Tám ạ”. Có lẽ đó là sự thật và bù lại, những bài của Trần Đăng Khoa đều nhiều người đọc và cũng rất đáng đọc. Có lẽ do hay và do cả cái “thương hiệu thần đồng Trần Đăng Khoa” nữa. Và cũng chính vì thế, lão như nhà buôn chuyên nghiệp, rất lo mất cái “thương hiệu” của mình.
Phòng khách của Tạp chí Văn nghệ quôn đội là nơi tụ tập của khách văn chương. Chè sẵn, nước sôi sẵn, ấm chén sạch nhưng thường xuyên không có nước trà uống vì chẳng ai chịu... pha. Cái chuyên nước buổi sáng đổ chè vào thế nào thì đến tối... còn nguyên như vậy. Đám bã chè nhão ra như bùn vì không ai thay chè mới. Cứ gạt nước sôi vào rồi lại rót ra, có đặc uống đặc, có nhạt uống nhạt. Cái sự lười của đám văn chương tưởng đến thế là cùng nhưng có lần tôi bắt gặp Trần Đăng Khoa sáu lần nhấc chén lên rồi lại đặt chén xuống vì chén khô. Và lão cũng thà... chết khát còn hơn phải rót nước vào cái ấm pha chè để uống.
Thi ca và… ốc luộc!
Cần nhắc lại, không “ngơ ngác như con nai vàng” mà thi sĩ Trần Đăng Khoa nổi tiếng vì khôn ngoan và kiềm chế. Hình như chỉ một lần duy nhất tôi thấy lão khờ khạo. Đó là lần lão với tôi đi ăn ốc ở hồ Tây. Vừa đỗ xe, mấy chú bồi bàn đã ríu rít: “A chú Khoa”. Còn mấy em mắt xanh mỏ đỏ thì: “Ôi, anh Trần Đăng Khoa” rồi vanh vách đọc thơ lão (ngày ấy nhà văn sung sướng thế).
Đến lúc chủ quán tính tiền cái này ngần này... cái này ngần này... vị chi là bằng này thì cặp mắt một mí của lão bỗng dưng tròn xoe và suýt thành... hai mí. Lúc ngồi lên xe, lão cứ lầu bầu: “Đọc thơ của người ta mà máy chém người ta thế”.
Ơ hay, lão khờ khạo đến thế là cùng. Lão cứ ngỡ thiên hạ đọc thơ của lão thì sẽ thêm cho lão mấy con ốc luộc chắc. Mà cũng chỉ có lão mới dám coi rẻ văn chương thế chứ. Văn chương cao ngạo sao lại đem so với ốc, loài chỉ biết tiến thân bằng mồm. Lão không hiểu điều tối thiểu rằng thơ mãi mãi vẫn là thơ còn ốc luộc thì muôn đời vẫn là ốc luộc.
Nhưng nói cho cùng cũng là tại lão, mới 8 tuổi hắn đã từng thốt lên: “Sao không về... vàng ơi”. Năm ngoái, khi ở đền bà Chúa Kho, tôi thấy tận mắt một bà gần 50 tuổi, béo nần nẫn, xòe hai bàn tay như quả chuối mắn ở mâm vàng mã mà khấn rằng: “Sao không về vàng ơi” với một giọng đầy thiết tha, mời gọi.
Một hôm, một chú bé bán báo nói với tôi: “Giá các bác nhà băn cứ viết như cái Chân dung thì chúng cháu chả lo đói”. Tôi xoa đầu chú mà bảo: “Hạt gạo làng ta bây giờ cày cấy trên cánh đồng văn chương màu mỡ lắm, dễ kiếm lắm chứ chả vất vả như thời nước như ai nấu đâu, con ạ”.
Phẩm chất thi sĩ đích thực và là nhân cách của kẻ sĩ
Dạo Đại hội Nhà văn, lão bảo riêng với tôi: “Kỳ này tôi xin nghỉ Ban chấp hành ông ạ”. Cứ nghĩ lão nói đùa hoặc “làm giá” nên tôi khuyên để lão đỡ… ngượng nếu còn ham hố: “Ông phải làm vì anh em, vì nền văn học nước nhà chứ”. Nào ngờ lão còn bảo: “Ông tin tôi đi. Tôi cũng sẽ xin thôi cả giám đốc VOV hình (kênh phát thanh có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam) nữa”.
Thế rồi ra đại hội, lão là người đầu tiên xin rút khỏi danh sách bầu Ban chấp hành. Và cũng chỉ thời gian ngắn sau, lão thôi chức giám đốc VOV có hình của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Có lẽ không phải có “cái dáng cao cao, đôi mắt ngơ ngác” làm nên một nhà thơ mà chính bởi cái sự coi thường chức tước mới là phẩm chất thi sĩ đích thực và là nhân cách của kẻ sĩ. Xưa nay, chức tước dù to, dù nhỏ nhưng khước từ nó phải đâu chuyện dễ, ai cũng làm được.
Có điều đáng trách ở Trần Đăng Khoa, đó là hơn một lần lão hứa với tôi sẽ tập hợp tất cả những tác phẩm viết về Trường Sa để in một tập bởi cho đến nay, lão là Hội viên Hội Nhà văn duy nhất tham gia bảo vệ Trường Sa và có những trang viết hay nhất, xúc động nhất về mảnh đất này. Thế mà lão cứ lần lữa, dù bài viết giới thiệu tập sách lão nhờ tôi đã viết xong.
Với tư cách một người bạn, một độc giả và một công dân, tôi – Bùi Hoàng Tám chính thức giao nhiệm vụ năm 2014 này ông Trần Đăng Khoa phải hoàn thành cuốn sách này bởi đó là tình yêu, trách nhiệm đối với Tổ quốc. Đây là chuyện không thể khất lần, ông Khoa ạ!./.
Tác giả bài viết: Nhà thơ Bùi Hoàng Tám (Ảnh FB nhân vật) |