Bức tranh ảm đạm của nhạc Việt năm 2021
VOV.VN - Do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, thời gian giãn cách tại nhiều địa phương kéo dài, dẫn theo các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong năm 2021 vẫn chưa thể hồi phục. Làng nhạc Việt rơi vào sự ảm đạm kéo dài.
Giãn cách trong thời gian dài, hàng loạt show phải ghi hình “tại gia”
Trong năm 2020, văn hóa, văn nghệ bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 diễn biến vô cùng phức tạp không chỉ tại Việt Nam mà trên cả thế giới. Bước sang năm 2021, tình hình vẫn không có nhiều khả quan. Hiếm hoi trong dịp đầu năm, một số chương trình, liveshow đã được tranh thủ tổ chức và nhận được sự hưởng ứng lớn của công chúng như liveshow “25” của Hoàng Dũng, chương trình truyền hình thực tế “Xuân Hạ Thu Đông, rồi lại Xuân”, liveshow “Tri âm” của Mỹ Tâm, “Veston Concert” của Hà Anh Tuấn…
Từ khoảng giữa năm, nhiều địa phương, đặc biệt là 2 trung tâm văn hóa lớn của cả nước là Hà Nội và TP.HCM phải kéo dài thời gian giãn cách do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các hoạt động văn hóa, văn nghệ gần như bị đình trệ.
Các chương trình âm nhạc ghi hình trực tiếp với khán giả buộc phải hủy bỏ, thay bằng việc ghi hình không khán giả, hoặc ghi hình gián tiếp, thay phiên nhau ghi hình để đảm bảo quy định phòng chống dịch cho cả ekip lẫn nghệ sĩ. Trên sóng truyền hình không có nhiều chương trình âm nhạc mới, mà gần như chiếu lại các chương trình cũ. Các chương trình đang chiếu cũng phải xoay xở đủ cách để đảm bảo lịch phát sóng.
Một trong số đó là phương án ghi hình “tại gia”. Bằng những công cụ thô sơ nhất như máy ảnh, máy tính, điện thoại… các nghệ sĩ tự dựng bối cảnh, tự quay, tự diễn và gửi lại cho ekip sản xuất thực hiện chỉnh sửa như chương trình “Tần số 15”, “Ca sĩ bí ẩn”, “The Heroes – Thần tượng đối thần tượng”…
Việc này gây ra vô vàn khó khăn cho cả ekip lẫn nghệ sĩ. Việc kết nối gián tiếp khiến cho trao đổi kịch bản, dựng bối cảnh, canh ánh sáng, góc máy… trở nên mất thời gian nhiều hơn dự kiến. Tiến độ ghi hình phụ thuộc phần lớn vào tốc độ đường truyền của mạng nên hễ một ai trong ekip mất kết nối là tất cả phải dừng lại, chưa kể tới các sự cố thường gặp như: chồng thoại, mất tiếng,…
Tuy vậy, cả ekip sản xuất và nghệ sĩ đều coi đây là một thử thách và trải nghiệm hiếm có trong nghề, nhắc mọi người cần phải nỗ lực hơn, xoay chuyển thích nghi và đối phó tình thế tháo vát, ở nhà không có nghĩa là “dậm chân tại chỗ”. Sự nỗ lực của các nghệ sĩ trong quá trình quay ở nhà, tự xoay xở với các đạo cụ cũng như nội dung chương trình bị giới hạn cũng là điều đáng khen ngợi.
Một trong những điểm sáng trong thời điểm này là chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc “Hát để sẻ chia - Sing for life, Sing for love”, kết nối các cầu truyền hình tại đa không gian - đa điểm cầu với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng như Thu Phương, Hoàng Bách, Hoàng Dũng, Văn Mai Hương… Chương trình không chỉ được đầu tư về mặt nội dung với những sự kết hợp bất ngờ trong âm nhạc, mà qua đó còn đóng góp gây quỹ để mua vật tư, nhu yếu phẩm hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Nói về chương trình, ca sĩ Hoàng Bách từng cho biết: "Trong thời điểm dịch bệnh như hiện tại, rất nhiều người khó khăn vì mất việc làm thì những hành động giúp đỡ từ các đơn vị hảo tâm như trong chương trình "Hát để sẻ chia" giống chiếc phao cứu sinh giúp họ vượt qua những trở ngại phía trước".
Dịp cuối năm, show “Con đường âm nhạc” của VTV cũng thực hiện được 3 số về chân dung diva Thanh Lam, ca sĩ Tùng Dương, NSƯT Đăng Dương đã “giải khát” âm nhạc không chỉ cho khán giả mà còn cho cả chính các nghệ sĩ. Không được hoạt động trong thời gian dài nên bản thân các nghệ sĩ cũng khát khao được hát, được thể hiện con người mình bằng âm nhạc. Dù chỉ là chương trình truyền hình, quay không khán giả và phát trực tiếp, nhưng cả 3 chương trình đều được đầu tư công phu về kịch bản, ý tưởng.
Có những thời điểm, các thành phố nới lỏng giãn cách song việc hạn chế người tập trung tại các địa điểm cũng như tình hình dịch bệnh phức tạp khiến các nhà tổ chức, các nghệ sĩ vẫn rất dè dặt để quay lại.
Hiện tại, làng nhạc Việt đang hy vọng một tương lai tươi sáng hơn vào năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, cả nước đã đạt được miễn dịch cộng đồng, thị trường âm nhạc sẽ trở nên sôi động hơn và các nghệ sĩ sẽ được hát trực tiếp cho khán giả. Những liveshow của các ca sĩ Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Bằng Kiều… bị gián đoạn vì dịch Covid-19 cũng đang rục rịch tái xuất.
Âm nhạc tiếp tục là nguồn động viên tinh thần chống Covid-19
Trong năm 2021, làng nhạc Việt phải nói lời vĩnh biệt với nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã qua đời do Covid-19, trong đó phải kể đến NSND Trung Kiên, ca sĩ Lệ Thu, ca sĩ Phi Nhung, ca sĩ Y Jang Tyun, NSND Nguyễn Tiến, nhạc sĩ Hồ Bắc… Sự ra đi của họ để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi và là sự mất mát lớn cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nhưng không chỉ có họ, dịch Covid-19 còn cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn đồng bào ta, để lại sự đau thương cho cả xã hội. Trong lúc này, âm nhạc tiếp tục là nguồn động viên tinh thần, giúp ta vượt qua nỗi đau và là lời cổ vũ toàn dân tiếp tục đồng lòng chống Covid-19.
Phong trào sáng tác các ca khúc về đề tài Covid-19 không rầm rộ và mạnh mẽ như năm 2020, tuy nhiên, hàng trăm ca khúc mới vẫn tiếp tục ra đời, theo sát thời sự và đi sâu hơn vào tâm tư, tình cảm của những người trong cuộc, đặc biệt là sự mất mát quá lớn của TP.HCM khi dịch bệnh bùng phát dữ dội.
Một vài ca khúc nổi bật như “Sài Gòn thương” của Kyo York, "Anh ơi, anh nhớ về" và "Ranh giới" của nhạc sĩ Tuấn Nguyễn, "Chia nhau một chút ngọt bùi" của nhạc sĩ Bá Hùng, "Ước mơ Sài Gòn" của 3 nhạc sĩ trẻ: Hồ Đắc Nhật Tân, Trần Việt Hoàng và Cao Bá Hưng, "Hẹn ngày chiến thắng" của nhạc sĩ Trịnh Xuân Hảo, "Sống như tia nắng mặt trời” của ca sĩ Đình Bảo…
Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục phát động đợt 2 sáng tác các ca khúc hưởng ứng và để góp thêm tiếng nói động viên, chia sẻ những tình cảm đối với đồng bào, chiến sĩ. Chỉ hơn một tuần, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã nhận được trên 400 ca khúc của các nhạc sĩ hội viên và các tác giả trong cả nước gửi về.
Bên cạnh đó, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về phòng chống dịch Covid-19 với chủ đề “Giai điệu tuyến đầu”. Rất nhiều bài hát đã gửi về chứng tỏ ý thức trách nhiệm và sự nhiệt tình của các nhạc sĩ đối với công cuộc chống dịch.
Dịp cuối năm, các nghệ sĩ cũng dồn dập ra mắt những sản phẩm âm nhạc riêng với nhiều chủ đề khác nhau, trong số đó có sản phẩm của Văn Mai Hương, Hoàng Dũng, Ngô Kiến Huy, Min… báo hiệu thị trường âm nhạc trong năm tới sẽ rộn ràng, sôi động hơn. Thời gian giãn cách vì dịch cũng giúp các nghệ sĩ tích lũy năng lượng để cống hiến cho khán giả, cho nghệ thuật nhiều sản phẩm chất lượng hơn./.