Độc đáo Sáo mũi của nữ Nghệ nhân ưu tú người Xa Phó
VOV.VN - Sáo là nhạc cụ phổ biến của nhiều dân tộc, nhưng có lẽ khó có cây sáo nào độc đáo như Sáo Cúc kẹ (Sáo mũi) của đồng bào Xa Phó ở Yên Bái.
Sáo là nhạc cụ phổ biến của nhiều dân tộc, nhưng có lẽ khó có cây sáo nào độc đáo như Sáo Cúc kẹ (còn gọi là Sáo mũi) của đồng bào Xa Phó, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Nhạc cụ này sử dụng hơi mũi để tạo âm sắc và cũng chỉ có duy nhất một nữ nghệ nhân biết sử dụng hết công năng.
Bà Thanh chế tác sáo Cúc kẹ và giới thiệu với mọi người cặn kẽ về cây sáo này. |
Tiếng sáo dìu dặt, da diết này được cất lên từ chiếc Sáo Cúc kẹ của bà Đặng Thị Thanh, người Xa Phó, ở xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Nữ nghệ nhân dân gian 60 tuổi này cũng là người duy nhất biết chế tác và sử dụng thành thục cây sáo này.
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh kể, Sáo Cúc kẹ được sinh ra khi cụ tổ người Xa Phó trú chân ở một khóm nứa rừng trong một ngày mưa. Trong gió thổi mạnh, cụ văng vẳng nghe thấy một thứ âm thanh rất kỳ diệu.
Sau khi kiếm tìm thì phát hiện thứ âm thanh ấy phát ra từ lỗ thủng do đàn kiến đục trên một cây nứa. Tại lỗ thủng ấy, cứ mỗi lần có gió đập, lại phát ra tiếng sáo nhẹ nhàng, trong veo, nghe rất êm tai. Cụ tổ người Xa Phó sau đó đã tìm cách chế tác nên cây sáo mô phỏng cây nứa bị kiến đục ấy.
Sáo Cúc kẹ không thể thiếu trong mỗi ngày vui. |
Năm 15 tuổi, lần đầu tiên bà Thanh nghe thấy tiếng sáo cúc kẹ do cụ Bơ Thị Bà thổi trong một đêm trăng ngủ trông nương rẫy. Bà Thanh lập tức mê mẩn với tiếng sáo Cúc kẹ nên quyết tâm học thổi bằng được. Nghệ nhân Đặng Thị Thanh cho biết: "Học thổi sáo Cúc kẹ khó lắm, phải rất kỳ công. Nhưng như có duyên với cây sáo, sau khi được học là tôi sử dụng được. Sau này thì thành thạo dần, thổi hay dần lên...".
Sáo Cúc kẹ hay còn gọi là Sáo mũi được người Xa Phó gọi là Na cù pí Cúc kẹ. Sáo cúc kẹ độc đáo không phải bởi chất liệu làm nên nó, mà là cách thể hiện nhạc cụ này. Sáo cúc kẹ chỉ có một lỗ duy nhất, không hề có thêm lỗ chỉnh âm nào khác và được thổi bằng mũi, nên để thổi được sáo cúc kẹ một cách bài bản và hoàn chỉnh thì người thổi cần hội tụ nhiều yếu tố.
Nghệ nhân Đặng Thị Thang thổi Sáo Cúc kẹ dưới cầu thang nhà sàn truyền thống của người Xa Phó. |
Trước tiên phải là người có năng khiếu, có duyên với sáo và đặc biệt kiên trì rèn luyện cách thổi, giữ hơi, nén hơi. Rồi cách tiết chế hơi từ bụng để có hơi dài và đều; cách điều chỉnh âm điệu, ngắt nhịp, tiết tấu lên xuống, luyến láy theo lời bài hát...
Bà Đặng Thị Thanh cho biết thêm: "Vì rất khó học và cần sự siêng năng nên đến giờ này hầu như mọi người chưa sử dụng thành thạo được. Tuy nhiên để giữ gìn Sáo Cúc kẹ thì bắt buộc phải truyền dạy lại bằng được...".
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh chỉ dạy cho lớp trẻ về Sáo Cúc kẹ.
Ngoài học thổi sáo Cúc Kẹ, bà Đặng Thị Thanh còn theo học chế tác sáo. Bà lặn lội vào rừng tìm cây nứa kẹ (là cây nứa khô, già đanh) về tẩn mẩn đẽo gọt từng chút để tìm cách tạo lỗ sáo. Đó là chiếc lỗ vẫn còn một lớp màng mỏng của lõi ống nứa, khi nhận hơi từ mũi đập vào thì tạo ra âm thanh. Mỗi cây sáo dài chừng 50 đến 60 cm.
Ngày xưa, việc chế tạo sáo Cúc kẹ thường rất bí mật, chỉ một mình bà Thanh thực hiện. Nay bà Thanh đã quyết định chế tạo cây sáo trước nhiều người như để ai ai cũng có thể hiểu rõ “báu vật” của dân tộc mình.
Em Phùng Thị Mến, đang được bà Thanh truyền dạy Sáo Cúc kẹ nói: "Bây giờ được bà Thanh truyền lại, em rất vui. Tuy nhiên rất khó học, đến nay em chưa sử dụng thành thạo được nhưng sẽ không bỏ cuộc, phải cố gắng học bằng được...".
Cây sáo Cúc kẹ đã theo bà Thanh mấy chục năm với biết bao giải thưởng cao tại các hội diễn.
Người Xa Phó ở Việt Nam còn rất ít và tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên cũng chỉ còn khoảng 700 nhân khẩu. Với tư cách là Nghệ nhân, đồng thời cũng là người con của đồng bào Xa Phó, bà Đặng Thị Thanh luôn cố gắng nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ngoài Sáo Cúc Kẹ và kèn Ma Nhí, bà còn truyền dạy lại cho con cháu những điệu xòe và múa truyền thống, những làn điệu dân ca, hát ru và góp công phục dựng các lễ hội truyền thống…
Năm 2004, bà Đặng Thị Thanh là 1 trong 3 nghệ nhân đầu tiên trong cả nước được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đến năm 2015, bà được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với những đóng góp của mình.
Ông Hoàng Văn Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nhận xét: "Bà Thanh là nghệ nhân đã giúp xã phát triển văn hóa dân tộc Xa Phó. Bà rất nhiệt tình học hỏi, tìm tòi, thu hút người dân phát triển các nhạc cụ như: kèn, sáo mũi và các công cụ của đồng bào Xa Phó. Hàng năm, mỗi dịp Tết, bà Thanh cùng đội văn nghệ dân tộc Xa Phó biểu diễn các tiết mục trong các ngày hội, Lễ mừng cơm mới. Bà Thanh cũng nhiệt tình cùng bà con và đội văn nghệ tham gia các hội diễn của huyện, của tỉnh, của Trung ương...".
Nghệ nhân Đặng Thị Thanh và các nghệ nhân Xa Phó trong điệu xòe truyền thống.
Ngoài nhiệm vụ của một Nghệ nhân, bà Đặng Thị Thanh còn là người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Bà nhiệt tình vận động bà con nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của nhà nước, xây dựng đời sống văn hóa; tích cực tham gia công tác Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ. Bản thân bà và gia đình trong nhiều năm qua luôn được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu. Gia đình bà Thanh cũng tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, thu nhập trong gia đình đạt từ 50 - 80 triệu/năm.
Với những nỗ lực không biết mệt mỏi, bà Đặng Thị Thanh đã được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Bên cạnh đó là rất nhiều giải thưởng, trong đó có những giải thưởng cao nhất tại các hội thi nghệ thuật quần chúng toàn quốc, khu vực miền núi phía Bắc và tỉnh Yên Bái. Nữ nghệ nhân ưu tú Đặng Thị Thanh thực sự là “báu vật” không chỉ của đồng bào Xa Phó mà còn là “báu vật” của núi rừng Tây Bắc./.
Ban Tổ chức Lễ hội đền Trần cam kết đủ ấn phát cho dân
“Đồng vọng rối Việt”: Kết nối du lịch và nghệ thuật múa rối