Giọng hát Việt nhí: Đừng để tổn thương con trẻ!
Các bậc làm cha mẹ khi xem chương trình "Giọng hát Việt nhí" phát trên kênh VTV3 hàng tuần đã không thể không lên tiếng.
Đây là cuộc thi tìm kiếm tài năng ca hát dành cho lứa tuổi từ 9 - 15 với đầy đủ những hấp lực mà không phải phụ huynh nào cũng dễ dàng... thờ ơ, nhất là khi họ nhận thấy con mình có khiếu. Nó hấp dẫn bởi đã quá nổi tiếng ở nước ngoài và lần đầu tiên được mang về VN. Nó cuốn hút cả phụ huynh lẫn trẻ nhỏ bằng những “hứa hẹn” (có thể đoán được sau khi xem Giọng hát Việt cho người lớn năm ngoái) trên cả mật ngọt từ những huấn luyện viên là người nổi tiếng, là thần tượng bấy lâu của con cháu mình.
“Các cô chú đừng làm cháu... rối nữa”
Theo dõi những màn chiêu dụ các thí sinh nhí ở vòng Giấu mặt The Voice Kids, hẳn người xem vẫn còn nhớ cô bé Đỗ Thị Hồng Khanh (9 tuổi) đã nói với 4 huấn luyện viên rằng: “Các cô chú đừng làm cháu… rối nữa” sau khi nghe đủ các kiểu “mời gọi” lẫn “giành giật” từ người lớn. Quả thật, dẫu có tìm kiếm tài năng xuất chúng đến mấy thì đây cũng chỉ là sân chơi trên truyền hình, sao phải để các em nhỏ nghe, thấy quá nhiều những cuộc “đấu đá”, “lật tẩy”, “dìm” nhau giữa các vị ngồi trên ghế xoay. Trước những đôi co ấy, sự trong trẻo của tâm hồn trẻ thơ đã vơi đi ít nhiều, bởi đấy cũng là lúc các em buộc phải “cân nhắc”, “đo đếm”…
Một thí sinh òa khóc ngay trên sân khấu vòng Đối đầu cuộc thi Giọng hát Việt nhí. (ảnh: CTS) |
Chương trình mang tên Giọng hát Việt nhí nhưng đa phần ca khúc trình diễn lại là của người lớn, thậm chí có bài còn được xin sửa lời để tránh gây khó chịu cho khán giả, như ca khúc Sóng tình sửa thành Sóng tình bạn, trong đó “người yêu” thành “bạn yêu” ở vòng đối đầu hôm 13.7. Hay tiết mục Biển nhớ của Vũ Song Vũ, nhìn cậu bé u sầu hát “ngày mai em đi biển nhớ tên em gọi về” thì đúng là “nghe trời gió lộng mà thương” thật! Chính vì không nhiều ca khúc phù hợp lứa tuổi để có thể khoe giọng trong một vài phút nên đa số các thí sinh chọn (hay được tư vấn chọn) ca khúc tiếng nước ngoài, để những nỗi niềm đau khổ chia ly của “anh” và “em” nghe đỡ “chói tai” hơn so với tiếng Việt!
Giám đốc phụ trách âm nhạc Phương Uyên cho biết: “BTC có tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc cho chương trình nhưng đến nay số bài chất lượng quá hiếm. Hy vọng khi có lượng ca khúc dành cho chương trình nhiều lên thì sẽ tìm được nhiều bài phù hợp với các em hơn. BTC cũng khuyến khích các em chọn ca khúc về đề tài quê hương”.
Đừng để con trẻ tổn thương
Không ai có thể phủ nhận việc thêm một sân chơi được đầu tư đến nơi đến chốn cho thiếu nhi là đáng khích lệ. Một đạo diễn từng thực hiện nhiều chương trình cho thiếu nhi nói: “Làm cho trẻ con, dẫu có là chương trình chuyên nghiệp đến mấy, thì làm sao đừng lạm dụng chúng, đừng biến trẻ con trở nên chuyên nghiệp”, bởi đây là tuổi hồn nhiên, trong sáng và rất dễ bị tổn thương tinh thần.
Biết là format như thế và đã chơi thì phải chấp nhận, nhưng nhìn những giọt nước mắt của trẻ nhỏ, có bậc làm cha làm mẹ nào không khỏi chạnh lòng. Người xem còn như thế, huống gì là trẻ nhỏ. Các em sẽ tủi thân lắm, người nhà các em cũng thắt lòng lắm... Ở đây, dĩ nhiên lỗi hoàn toàn không do con nít!
Ca sĩ Phương Thanh chia sẻ: “Các cháu còn nhỏ mà đã bước vào cuộc cạnh tranh quá khốc liệt như ở Giọng hát Việt nhí thì đúng là rất tội. Buồn, tức, tủi, khóc là chuyện không thể tránh khi bị rớt. Nhưng hy vọng ở những vòng thi trực tiếp, các cô chú huấn luyện viên, bằng sự nhạy cảm nghề nghiệp lẫn tình thương của người cha người mẹ sẵn có, nhận xét làm sao để các cháu nhận biết thực lực mà không bị tổn thương, đó là điều đáng cân nhắc”./.