Hàng nghìn khán giả đến nghe ca Huế vì…miễn phí
VOV.VN - Chương trình quảng diễn “Âm sắc Hương Bình” trong khuôn khổ Festival Huế đã diễn ra vào lúc 20h tối 16/4 tại thành phố Huế.
Dù có hơn 500 năm hình thành và phát triển nhưng đây là lần đầu tiên, ca Huế được tôn vinh một cách thích đáng bằng chương trình nghệ thuật “Âm sắc Hương Bình” trong khuôn khổ Festival Huế 2014. Chương trình được xây dựng hoàn toàn mới, bằng sự khéo léo của các nghệ nhân đã góp phần mang âm nhạc bác học đến với quảng đại quần chúng.
Trong buổi tối duy nhất diễn ra “Âm sắc Hương Bình” tại Nghinh Lương Đình (Thành phố Huế), đã có hàng nghìn người dân và du khách đến tham gia. 3 khán đài ở khu vực sân khấu với khoảng 2.500 chỗ ngồi chật kín người. Do phạm vi diễn ra chương trình quá nhỏ hẹp nên khán giả phải đứng tràn ra ngoài khu vực sân khấu để nghe ca Huế.
Hàng nghìn khán giả đến nghe ca Huế |
Với riêng người dân vùng đất cố đô, ca Huế đã đi vào trong đời sống như một sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc. Tuy nhiên, với không gian diễn xướng thính phòng, hầu hết là ở thuyền rồng trên sông Hương và trong Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế, người dân không có nhiều cơ hội được nghe trực tiếp loại hình nghệ thuật này. "Âm sắc Hương Bình" mở cửa miễn phí cho tất cả những ai yêu thích ca Huế có thể đến thưởng thức.
Chị Nguyễn Huyền Anh, người gốc Huế, chia sẻ: “Do giá vé nghe ca Huế khá đắt, chủ yếu để phục vụ các tour du lịch nên tôi rất ít khi đến nghe trực tiếp. Chương trình mở cửa miễn phí như ‘Âm sắc Hương Bình’ rất thích hợp với đại đa số công chúng, đặc biệt là những người lao động không có chi phí để nghe ca Huế”.
Đi quãng đường hơn 20km từ thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên-Huế) đến Nghinh Lương Đình để nghe ca Huế, bạn Phan Tình (sinh viên ĐH Tài chính) cho biết: "Đây là lần đầu tiên tôi được nghe ca Huế trực tiếp, trước chỉ được nghe qua tivi. Dù ở xa nhưng vẫn cố gắng đến để biết được bản sắc của âm nhạc vùng đất Huế".
Các tiết mục tại "Âm sắc Hương Bình" được xây dựng phù hợp với quảng đại quần chúng |
Để có thể đem loại hình âm nhạc bác học, thính phòng đến với quảng đại quần chúng trên sân khấu lớn, Tổng đạo diễn của “Âm sắc Hương Bình” – ông Nguyễn Trọng Bình đã phải băn khoăn và trăn trở rất nhiều: “Ca Huế rất kén người nghe vì tính âm nhạc bác học của nó. Do đó, chúng tôi phải lấy ca Huế làm cốt lõi, đưa thêm vào chương trình các hình thức biểu diễn ca Huế ra bộ tịch, ca Huế múa dân gian và ca kịch Huế để người dân có thể dễ dàng đón nhận”.
Trong đêm “Âm sắc Hương Bình”, các nghệ nhân hàng đầu về ca Huế như Nghệ nhân Thanh Tâm, NSƯT Khánh Vân, NSƯT Thu Hằng, NSƯT Kiều Oanh, NSƯT Đình Dũng... trình diễn những bài, bản ca Huế, ca kịch Huế tiêu biểu như hát múa "Long Ngâm – Kim Tiền – Ngựa Ô và Mái Xắp”, “Hò mái Nhì và Nam Ai”, hầu văn "Nhớ ơn công đức tổ tiên”, “Giã gạo đêm trăng”, trích đoạn ca kịch Huế “Ngọn lửa tình yêu”...
Tôn vinh các nghệ nhân đã có nhiều đóng góp với ca Huế |
Cùng với hơn 100 diễn viên, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, chương trình còn phát triển thêm một số tiết mục, làn điệu dân gian, đưa vào trích đoạn ca kịch Huế “Ngọn lửa tình yêu” lấy từ sự tích dân gian cây tương tư.
Đặc biệt, trong chương trình còn có ca sĩ nhí Trâm Anh (12 tuổi) hát tặng cho các nghệ nhân một chùm dân ca, thể hiện sự tiếp nối thế hệ và tri ân các bậc nghệ nhân của ca Huế. Đây là lần đầu tiên, Trâm Anh được tham gia diễn xướng trong kỳ Festival. Học ca Huế từ năm 4 tuổi, Trâm Anh luôn mong muốn được trở thành diễn viên ca Huế chuyên nghiệp, tiếp nối việc bảo vệ và phát triển ca Huế của các bậc tiền bối.
Ngoài chương trình chính “Âm sắc Hương Bình”, còn có nhiều hoạt động ý nghĩa khác như hoạt động thả đèn hoa đăng trên sông Hương, diễu hành từ bến thuyền Tòa Khâm (địa điểm chính phục vụ ca Huế trên sông Hương) đến Cổ nhạc từ (nhà thờ Tổ ca Huế) tại đường Nguyễn Trãi (thành phố Huế) của hơn 400 diễn viên/nghệ sỹ đang hoạt động trong lĩnh vực ca Huế cùng hoạt động thăm hỏi, tặng quà, viếng mộ các bậc tiền bối của nghệ thuật ca Huế./.