Nghệ sĩ piano Trần Thị Tâm Ngọc: Phía trước là một con đường
(VOV) - Và chỉ duy nhất con đường âm nhạc, Tâm Ngọc đã đi trên con đường ấy khởi nguồn từ mơ ước của người cha...
Từ mơ ước... xa xỉ của cha
NSƯT Trần Ngọc Hiển (hiện là Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam), thuở nhỏ từng mơ ước trở thành một nghệ sĩ piano tài năng. Nhưng hồi ấy, điều kiện để theo học piano khó khăn hơn bây giờ, được sở hữu một cây đàn là ước mơ khó trở thành hiện thực; trong khi đó lại có nhiều ưu đãi và hỗ trợ ngành nghề hơn đối với những ai theo học múa. Người nghệ sĩ múa ấy vẫn không từ bỏ niềm say mê âm nhạc khi ông muốn con gái thực hiện ước mơ thay mình...
Và sự kỳ vọng của ông vào con gái đã được đền đáp khi nghệ sĩ piano Tâm Ngọc bộc lộ năng khiếu với bộ môn nghệ thuật này từ nhỏ và luôn giành được học bổng toàn phần trong suốt những năm học tập tại Nhạc viện Hà Nội (1991) và cả những năm du học tại Nhạc viện Singapore (2003) và Nhạc viện Boston, Mỹ (2007); đoạt giải Cao Nhất cuộc thi âm nhạc Chopin quốc tế Đông Nam Á, Malaysia 2004, giải Nhất cuộc thi cho piano solo và âm nhạc thính phòng của Nhạc viện Boston (Mỹ) 3 năm liền (2007, 2008 và 2009).
Nghệ sỹ piano Tâm Ngọc |
Dường như với bất kỳ ai lần đầu tiên gặp Tâm Ngọc, dễ nghĩ rằng trời đã cho cô một vóc dáng, một năng khiếu âm nhạc đặc biệt để trở thành nghệ sĩ piano. Ở Tâm Ngọc toát lên vẻ đẹp mong manh, dịu dàng nhưng cũng đầy phong cách.
Biết nốt nhạc trước khi biết chữ, con đường âm nhạc của nữ nghệ sĩ piano Trần Thị Tâm Ngọc bắt đầu khi cô lên 4 tuổi. Nghệ sĩ Tâm Ngọc có một tuổi thơ không giống bạn bè cùng trang lứa. Sau mỗi buổi lên lớp, trong khi các bạn ở khu phố tụm năm tụm ba chơi đùa thì cô bé Trần Thị Tâm Ngọc dành phần lớn thời gian cho cây đàn piano, với tâm lý sợ cha mắng hơn là vì yêu thích. Khả năng âm nhạc của Trần Thị Tâm Ngọc được người thầy đầu tiên của mình là nhà giáo Tường Vi phát hiện, sau đó gửi gắm cô cho thạc sĩ, nhà giáo ưu tú Hoàng Vĩnh Hương - giảng viên của Nhạc viện Hà Nội.
Tâm Ngọc tâm sự: Thực sự hồi bé tôi học piano chủ yếu với tâm thế là “phải học”, chứ trẻ con chẳng ai thích học hơn thích chơi cả. Nhưng khi bắt đầu theo học âm nhạc chuyên nghiệp ở Học viện Âm nhạc Quốc gia (khi đó là Nhạc viện Âm nhạc Hà Nội), tôi mới thực sự nhận ra mối nhân duyên giữa mình với âm nhạc là không thể tách rời, từ đó tôi luôn đắm mình với nó.
Không biết làm gì... ngoài âm nhạc
Thời gian khi còn học cao học ở Nhạc viện Boston (Mỹ), Tâm Ngọc còn làm thêm nhiều công việc liên quan đến âm nhạc, vừa để có thêm tiền trang trải cho cuộc sống, vừa để có cơ hội học hỏi và tìm hiểu môi trường âm nhạc ở Mỹ. Đó là làm trợ lý phòng thu âm của Nhạc viện Boston, là thành viên của tổ hòa tấu - đệm và thành viên của nhóm hòa tấu chuyên biểu diễn các tác phẩm âm nhạc đương đại.
Hầu như những người có mặt tại khán phòng của L’space vào tháng 4/2012 không thể quên những phút giây thăng hoa cùng âm nhạc của pianist Tâm Ngọc và tay trống Xuân Hòa - một sự kết hợp đầy sáng tạo và ngẫu hứng. Trong đêm hòa nhạc này, các nghệ sĩ đã trình diễn các tác phẩm solo piano, solo marimba và một số tác phẩm song tấu giữa piano và bộ gõ.
Tâm Ngọc biểu diễn cùng dàn nhạc |
Các tác phẩm được trình diễn bao gồm: “Dạ khúc” sâu lắng của Gabriel Faure, “Rondo số 3” đầy vui nhộn của Chopin, 3 điệu nhảy mang phong cách Argentina của A.Ginastera, bản “Variation Japanese children song” nhiều kịch tính của Keiko Abe, “Bài ca chim ưng” nhẹ nhàng đậm chất Tây Nguyên, bản “Virginia Tale” lãng mạn của Smadbeck và tuyệt phẩm “Tưởng nhớ Alhambra” của Tarrega... đã để lại nhiều cảm xúc cho người nghe.
Ngày 4, 5/4 vừa qua, với sự tham gia của chỉ huy hàng đầu Nhật Bản Shinozaki Yasuo, cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, Trần Tâm Ngọc đã biểu diễn trong chương trình “Đêm nhạc Tchaikovsky” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đó là một đêm nhạc đậm chất châu Âu được thể hiện qua ba tác phẩm nổi tiếng của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Tchaikovsky, gồm: Marche Slave, Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc cung Si giáng thứ op.23, Bản giao hưởng số 5 cung Mi thứ opus 64.
“Khi biểu diễn, tôi luôn muốn lôi kéo người nghe hòa cùng với mình, cùng cảm nhận được những giây phút thăng hoa mà tôi có cùng tác phẩm. Đó cũng là lời thầy cô luôn dạy chúng tôi. Mà để tạo ra sự thu hút công chúng với nền âm nhạc cổ điển vốn được coi là kén khán giả, người nghệ sĩ phải không ngừng tìm tòi và sáng tạo, vì vậy, đôi khi cần có sự liều lĩnh... Bản thân tôi hiện giờ với cương vị là một giảng viên piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, tôi muốn từ những kinh nghiệm thực tế mà mình đã trải qua, truyền lại cho học sinh của mình, khơi dậy cảm hứng và nhiệt huyết cho các nghệ sĩ tương lai của đất nước”- Nghệ sĩ Trần Thị Tâm Ngọc.
Tâm Ngọc không nhớ rõ lần đầu tiên mình biểu diễn solo trên sân khấu là khi nào, nhưng cô lại nhớ rất rõ cảm xúc của mình trong lần đầu tiên được biểu diễn cùng dàn nhạc (Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam) trong chương trình kỉ niệm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore (năm 2007). Đó là cảm xúc thăng hoa lẫn xúc động khi ước mơ được biểu diễn trên sân khấu cùng dàn nhạc đã trở thành hiện thực. Và chính giây phút thăng hoa đó đã khiến Tâm Ngọc tìm ra được câu trả lời cho băn khoăn bấy lâu của mình, rằng vì sao cuộc sống của nhiều nghệ sĩ dù khó khăn mà họ vẫn bám trụ với nghề.
Nhớ lại quãng đường đã qua, Tâm Ngọc chia sẻ, có 4 người thầy có sự ảnh hưởng rất lớn đến con đường âm nhạc của cô. Đó là nhà giáo Tường Vi - người đã phát hiện năng khiếu âm nhạc của Tâm Ngọc; thạc sĩ - nhà giáo ưu tú, nguyên Trưởng khoa piano Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Hoàng Vĩnh Hương - người đã giúp cô đặt những nền móng âm nhạc cơ bản và vững chắc; nghệ sĩ - nhà giáo Albert Tiu ở Nhạc viện Singapore và giảng viên người Hàn Quốc Jung Ja Kim ở Nhạc viện Boston (Mỹ) - những người đã đem lại cho cô những kiến thức, khơi gợi niềm đam mê cũng như xúc cảm âm nhạc trong cô.
Hỏi Tâm Ngọc, có bao giờ cô tưởng tượng rằng, nếu như không vì sự nghiêm khắc của người cha, Tâm Ngọc bây giờ sẽ làm công việc gì đó chứ không phải là âm nhạc, thì sẽ thế nào nhỉ? Tâm Ngọc cười: “Thực sự tôi không thể hình dung nổi mình có thể làm việc gì khác ngoài âm nhạc. Nếu không chơi nhạc chắc sẽ làm công việc... có liên quan đến âm nhạc. Vì từ bé đến lớn chỉ biết duy nhất một con đường - đó là con đường trở thành nghệ sĩ piano”.
Trên con đường âm nhạc của mình, Tâm Ngọc nhận mình là người may mắn. Đúng vậy, nhưng may mắn không đến nhiều lần trong đời. Nghệ thuật không thiên vị ai, chỉ có thể là tài năng và niềm đam mê mới giúp người nghệ sĩ thành công! Tâm Ngọc là người như vậy./.