Nhạc sĩ Trương Quý Hải dành 12 năm để viết “Trường ca người Việt Nam”
VOV.VN - Khi viết đến chương nào, nhạc sĩ Trương Quý Hải cũng khóc với những cảm xúc mãnh liệt về quê hương, đất nước, biển đảo, về con người Việt Nam.
“Trường ca người Việt Nam” là một tác phẩm âm nhạc mới của nhạc sĩ Trương Quý Hải, nằm trong CD đầu tay mang tên “Bình yên đất trời”, vừa ra mắt công chúng vào ngày 17/6 vừa qua. CD gồm 13 tác phẩm âm nhạc ghi đậm dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của anh và là sự tổng hoà tâm hồn và cảm xúc âm nhạc ở nhiều khía cạnh của cuộc sống. Nhưng trên hết vẫn là tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, đặc biệt qua tác phẩm “Trường ca người Việt Nam”.
"Trường ca người Việt Nam" là một sáng tác nằm trong album "Bình yên đất trời"
Phóng viên của VOV đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trương Quý Hải về “Trường ca người Việt Nam”.
PV: Thưa nhạc sĩ Trương Quý Hải, anh có ý tưởng viết "Trường ca người Việt Nam" từ khi nào? Anh đã gặp khó khăn gì và mất bao lâu để hoàn thành tác phẩm?
NS Trương Quý Hải: “Trường ca người Việt Nam” là tác phẩm mà tôi ấp ủ từ rất lâu. Tôi viết xong chương I trong vòng khoảng 1 tháng nhưng mất đến 11 năm “luẩn quẩn” để tìm sang chương II. Bước vào viết trường ca, tôi mới thấy nó không đơn giản như một ca khúc bình thường.
Nghe ca khúc tại đây
Khó khăn lớn nhất chính là vốn am hiểu lịch sử, tư liệu và xúc cảm. 11 năm là thời gian để tôi thai nghén, tìm tòi bổ sung tất cả những điều đó. Tôi may mắn vì nhận được sự hỗ trợ, động viên của những người anh, những người đồng đội, những người đang công tác cùng tôi. Chính sự hồn nhiên của họ đã cho tôi cách nhìn trực diện hơn.
Trong quá trình viết ca khúc, những tư liệu về dân ca do các đồng nghiệp cung cấp cho tôi rất nhiều, giúp tôi biết được những làn điệu đặc trưng trong dân ca của mỗi vùng trên đất nước.
Tác phẩm gồm 5 chương mang âm hưởng, giai điệu trải dài từ Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Bộ cho tới dân ca Khu 4, Khu 5, Nam Bộ và đại ngàn Tây Nguyên. Tôi cũng biết ơn các thế hệ cha ông xưa đã để lại những giai điệu đẹp cho con cháu được kế thừa.
PV: Nhạc sĩ đã vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian để viết trong mỗi chương như thế nào?
NS Trương Quý Hải: Với chương I mang tên “Lời thề”, tôi sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian của Bắc Bộ và một phần Trung Bộ vì đó là vùng đất xưa của người Việt, đồng thời có phần diễn tả nét thị thành của Hà Nội trong cái mạch của đội quân Cảm tử. Chương II là “Hải đội Hoàng Sa”, tôi sử dụng chất liệu của dân ca Nam Trung Bộ xứ Quảng và có một chút đồng vọng của Nam Bộ, diễn tả hào khí của chúng ta ở Hoàng Sa - Trường Sa.
Tôi muốn tái hiện tinh thần của những hùng binh năm xưa nhưng tinh thần đó hiện nay vẫn được tiếp nối bởi các chiến sĩ hải quân canh giữ biển trời.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải (áo đỏ) trong buổi giới thiệu album và ca khúc "Trường ca người Việt Nam"
Chương III với chủ đề “Đoàn Viên”, tôi sử dụng hoàn toàn chất liệu dân gian miền Trung, là mảnh đất chịu nhiều đau thương nhất trong cuộc chia cắt, phân tranh Trịnh - Nguyễn 200 năm trước, cũng như cuộc chia cắt ở Vĩ tuyến 17 cho đến ngày đất nước thống nhất.
Chương IV là “Đêm trắng”, tôi sử dụng chủ yếu chất liệu khí nhạc trong 3 hình tượng, đó là: tiếng mõ chùa của sự tĩnh tâm thông tuệ, tiếng chuông nhà thờ của sự thức tỉnh và âm vang của tiếng trống đồng xưa là nguồn cội, linh hồn của đất Việt. Ba hình tượng này tạo nên âm hưởng trong nhịp hành tiến của cả dân tộc.
Ở chương V “Cho con là người Việt Nam”, tôi sử dụng chất liệu dân ca Tây Nguyên với những lời ru của đại ngàn. Đặc biệt, lời ru Ê Đê là âm hưởng chủ đạo của chương này và có một chút đồng vọng trong tiếng à ơi của Nam Bộ đến phần kết tái hiện chủ đề của chương I.
PV: Anh xúc động nhất khi viết chương nào trong “Trường ca người Việt Nam”?
NS Trương Quý Hải: Khi sáng tác, chương nào tôi cũng khóc. Tôi nhớ khi viết chương I, đoạn “Lời thề vang, âm vang độc lập, tự do muôn năm. Quyết giữ non sông một nhà Việt Nam. Sánh bước năm châu rạng ngời Việt Nam”, tôi mượn một ý trong Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao: “Bước trên đường ngập nghềnh xa”. Tôi nghĩ tới hình ảnh của những đoàn Cảm tử quân xưa đã xả thân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước, mà các thế hệ ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp bước. Tôi rất xúc động, nước mắt rơi ngay trên bản nhạc.
Còn khi viết chương II, đến đoạn “Lất phất khói hương, Lý Sơn lập đàn tế sống anh linh”, thể hiện hình ảnh hùng binh Hoàng Sa mà chúng ta có thể thấy rõ trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Họ cũng lên đường với nhiệm vụ, sẵn sàng hy sinh, hiên ngang, đầy khí phách và họ được tế sống trước khi ra đi.
Quá trình sáng tác ca khúc đã mang đến cho nhạc sĩ Trương Quý Hải nhiều cảm xúc mãnh liệt với quê hương, biển đảo và con người Việt Nam
Không chỉ 200- 300 năm trước mà bây giờ, những người lính của chúng ta vẫn đang làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo quê hương, cũng lên đường với ý chí như vậy, hào khí của “Hải đội Hoàng sa” vẫn được tiếp nối cho đến ngày hôm nay.
Ở chương III, tôi viết về những người con xa xứ với rất nhiều cảm xúc: “Ai về đất mẹ báo tin xuân. Có đứa con xa nhắn thầm. Nhắn tình thương nhớ đã bao năm. Hành trình viễn xứ thăng trầm”. Nếu đã một lần có dịp tiếp xúc với những người con xa xứ về thăm quê hương hoặc có dịp sang nước ngoài gặp gỡ người Việt Nam xa quê, chúng ta sẽ thấy mình có một tình cảm đặc biệt dành cho họ.
Người Việt Nam ở năm châu, bốn phương đều chung một ước nguyện là dù hoàn cảnh có khó khăn đến đâu, họ vẫn hướng về nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi cũng đã khóc khi viết đến câu “Đoàn viên, đoàn viên vòng tay nước Việt. Hoan ca đất trời”.
Còn chương IV là nỗi niềm trăn trở về những bước tiếp theo trong hành trình phát triển của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể thay đổi, trước hết là từ mỗi cá nhân, cộng hưởng với quyết tâm cùng một nhịp bước thì chắc chắn ngày khải hoàn của cả dân tộc cũng không xa.
Tới chương V, khi tôi viết “Trời đất linh thiêng, thương yêu người dân nước Việt” như một lời khẩn cầu trời đất. Với niềm tin, những thế hệ tiếp nối của chúng ta sẽ được đường hoàng bước trên hành trình hòa nhập cùng thế giới với một khí phách hào sảng. Đó không chỉ là nguyện ước của riêng tôi mà còn là nguyện ước chung của tất cả mọi người.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ Trương Quý Hải./.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải sinh năm 1963 tại Hà Nội. Anh không phải là nhạc sỹ được đào tạo bài bản qua trường lớp chính quy về âm nhạc nhưng đã có nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến như: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (phổ nhạc, lời của Bùi Thanh Tuấn), “Khoảnh khắc”, “Hoa may”, “Tự khúc ngày sinh”...
Tốt nghiệp THPT năm 1981, Trương Quý Hải tham gia phục vụ quân ngũ từ năm 1982- 1985. Sau khi rời quân ngũ, anh theo học Đại học Mỏ - Địa chất (1985-1990), rồi trở thành cán bộ đoàn tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội và Thành đoàn Hà Nội (1990-2002). Năm 2003, anh gia nhập Tập đoàn FPT, trải qua nhiều vị trí quan trọng trong lĩnh vực văn hóa của Tập đoàn. Hiện tại, anh đang công tác ở Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT. Trong thời gian làm việc tại đây, anh đã có nhiều sáng tác hay, trong đó có “Trường ca người Việt Nam”./.