Công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người
VOV.VN - Tại hội nghị bàn về công nghiệp văn hóa của Việt Nam, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhận định công nghiệp văn hóa suy cho cùng là vì con người, phát triển kinh tế - xã hội, giúp bảo vệ sự đa dạng sinh thái.
"Nếu không cọ xát, giao tiếp văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu"
Theo kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, trong kiến trúc có những công trình, cụm công trình có giá trị nhất định trong ngắn hạn, nhưng chưa chắc 30 năm sau nó đã phát huy được giá trị. Những khu đô thị, công trình của Việt Nam được giới kiến trúc đánh giá cao.
Ông cho biết Việt Nam cũng có những công trình như Bảo tàng Lịch sử, Trụ sở Bộ Ngoại giao đến bây giờ vẫn là những hình mẫu kiến trúc.
Đất nước có hàng nghìn làng nghề, 54 dân tộc, sở hữu kho tàng bản địa vô giá nói chung và cho kiến trúc nói riêng. Những công trình kiến trúc kết hợp gỗ và đất, những công trình xếp đá của đồng bào, trung tâm sáng tạo các làng nghề rất đẹp, được nhiều kiến trúc sư trẻ làm, đạt nhiều giải thưởng quốc tế.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào nhận định các tác phẩm văn học nghệ thuật lớn cũng như phát minh khoa học công nghệ không ra đời một cách đơn giản, đều phải trăn trở, làm đi làm lại rất nhiều lần.
"Như việc tại giải VinFuture 2023 vừa qua, tất cả những sáng tạo đều rất khó khăn mới đạt được, thậm chí Giáo sư nghĩ ra vaccine Pfizer đã từng bị bác rất nhiều lần, nhưng vị Giáo sư này vẫn tin cách làm của mình đúng và sau này được thừa nhận", kiến trúc sư chia sẻ.
Ông cho rằng cần một nền móng góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa và con người Việt Nam thì công nghiệp văn hóa Việt Nam mới cất cánh. Nhà nước, cấp quản lý là "bà đỡ" bao dung, quan trọng nhất là "đầu tư" niềm tin lớn vào văn nghệ sĩ, trí thức.
Vai trò của Nhà nước còn là giúp kết nối mạng lưới toàn cầu, bởi văn nghệ sĩ trong nước nếu không cọ xát, giao tiếp văn nghệ sĩ quốc tế sẽ rất khó trong sân chơi toàn cầu.
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào dẫn chứng câu chuyện của dịch giả Nguyễn Bình (sinh năm 2001) hiện theo học ngành Thiên văn học tại Đại học Arizona, Mỹ. Nguyễn Bình đã mất rất nhiều thời gian dịch tác phẩm "Truyện Kiều". Tác phẩm được các giáo sư Mỹ đánh giá là bản dịch mang tính học thuật nhất, xứng đáng trở thành một phần quan trọng trong việc nghiên cứu Truyện Kiều.
Chị Amy Lê, một người Mỹ gốc Việt, từng có một số triển lãm cá nhân tại trung tâm triển lãm nghệ thuật Henry, Seattle năm 2007, Bảo tàng Nhiếp ảnh đương đại, Chicago (2006) và Trung tâm nghệ thuật đương đại New York năm 2002… đều khiến chúng ta rất tự hào.
Tạo không gian cho sự sáng tạo
Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hà Nội Grapevine, dành gần hết thời lượng phát biểu của mình để nói về tầm quan trọng của các không gian phục vụ cho sáng tạo.
"Chúng ta cùng hình dung chúng ta đứng trong một không gian tạm gọi là không gian sáng tạo khổng lồ, tuy ở Việt Nam nhưng chúng ta đang kết nối với phần còn lại của thế giới", bà Ly chia sẻ.
Không gian sáng tạo là mô hình hết sức năng động, đa dạng, linh hoạt và cởi mở kết nối giữa văn hóa nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ nhằm giới thiệu các tài năng, các sản phẩm, các ý tưởng sáng tạo đến với công chúng.
Bà Ly lấy ví dụ về thành công của không gian làm việc chung Tổ Ong, nơi không chỉ cung cấp chỗ ngồi làm việc mà còn tổ chức các chương trình nghệ thuật, triển lãm. Hay như một bạn trẻ 9X không chỉ sưu tầm nghệ thuật đương đại trong nước mà còn sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật đương đại quốc tế.
"Một không gian sáng tạo khác do tôi đang điều hành là không gian trực tuyến. Trước đây không có địa điểm, thậm chí không có văn phòng nhưng chúng tôi đã tồn tại suốt 15 năm qua và là một không gian sáng tạo rất năng động kết nối, hỗ trợ rất nhiều nghệ sĩ, truyền thông cho nghệ sĩ đem các tác phẩm, ý tưởng và tài năng của họ đến với công chúng", Giám đốc Hà Nội Grapevine chia sẻ.
Bà cho biết hiện có hàng trăm không gian sáng tạo ở Việt Nam đang thu hút hàng triệu người theo dõi trên mạng xã hội đến tận hưởng các dịch vụ.