Đắk Lắk tiếp nhận thêm 55.000 USD để bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng
VOV.VN - Trong năm 2023 tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ được hỗ trợ thêm 55.000 USD để tiếp tục các dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng ở tỉnh.
Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk, Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại cho tỉnh Đắk Lắk. Dự án được thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12 năm nay, tại 4 huyện: Lắk, Krông Ana, Buôn Đôn và Cư Mgar với 4 nội dung gồm: mở lớp truyền dạy đánh chiêng, cấp chiêng và trang phục truyền thống cho đội chiêng, đội văn nghệ tiêu biểu buôn đồng bào dân tộc thiểu số; phục dựng một số nghi lễ tiêu biểu và sưu tầm các bài chiêng truyền thống của người Êđê và Mnông.
Kết quả, dự án đã tổ chức được 2 lớp truyền dạy gồm: 1 lớp chiêng Jhô của người Êđê Bih tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana và 1 lớp chiêng Mnông tại buôn Liêng Ông, xã Đắk Phơi, huyện Lắk với 40 học viên theo học. Cấp 2 bộ chiêng và hàng chục bộ trang phục truyền thống cho các đội chiêng tại huyện Lắk và Krông Ana. Phục dựng nghi lễ kết nghĩa anh em của người Mnông tại buôn Jiê Yuk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk. Sưu tầm, dàn dựng và lưu giữ 8 bài chiêng truyền thống của các đội chiêng tại các huyện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, đánh giá kết quả dự án triển khai tại các địa phương. Nhất trí cao với hiệu quả mà dự án mang lại, các đơn vị cho rằng cần có các dự án để tiếp tục duy trì, phát triển các giá trị văn hóa cồng chiêng từ cơ sở. Đồng thời đề xuất ngành văn hóa tiếp tục tham mưu, đề xuất để tỉnh tạo môi trường thuận lợi để không gian văn hóa cồng chiêng được phát huy.
Ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn nêu ý kiến: "Tôi cũng mong rằng mở rộng việc mở lớp tập huấn cho các huyện trong thời gian tới để làm sao cái dàn chiêng, cái âm chiêng nó phong phú hơn, nó mở rộng hơn, xứng đáng với bản sắc đồng bào Tây Nguyên. Chúng tôi cũng mong rằng Sở Văn hóa cần phải nghiên cứu, tham mưu để giúp cho các huyện duy trì và phục vụ cồng chiêng gắn liền với chuỗi phát triển du lịch để họ hưởng thụ giá trị cồng chiêng lâu dài".
Theo bà Châu Thị Hồng Mai, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ Đắk Lắk, dự án được triển khai trong thời điểm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc nên nhận được nhiều sự quan tâm của nước bạn cũng như truyền thông quốc tế. Nhờ đó đã đạt được mục tiêu kép, vừa bảo tồn vừa nâng tầm trong việc quảng bá văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, sau khi dự án kết thúc, tỉnh sẽ tiếp tục được quan tâm và đầu tư thêm nguồn lực trong thời gian tới.
"Trong năm 2023 thì để tiếp nối thành công của dự án này, Sở Ngoại vụ cũng đã làm việc với Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk tiếp tục tài trợ một dự án nữa cho ngành văn hóa với cái tổng kinh phí là 55.000 USD. Như vậy, so với kinh phí mà mình đang thực hiện dự án này thì gần như là gấp ba lần, thì đó là một tín hiệu rất đáng mừng", bà cho biết./.