Độc đáo lễ rước nước trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2022
VOV.VN - Sáng nay (2/9, tức ngày 7/8 âm lịch), tại đền Nghè (phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn, Hải Phòng) diễn ra lễ rước nước - một nghi lễ quan trọng trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022.
Lễ rước nước trong Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm 2022 diễn ra trang trọng, với các nghi lễ như: diễn văn khai lễ, khởi trống, trình lễ của Ban tổ chức và dâng lễ của nhân dân và chủ trâu. Sau lễ khai mạc là nghi thức rước nước. Đoàn rước nước của 6 phường trên địa bàn quận Đồ Sơn với long đình, bát biểu, trống chiêng cờ hội xin nước từ nguồn nước linh thiêng, tinh khiết tại đền Nghè; đựng trong bình gốm, đặt lên kiệu và được trai tráng khiêng về làm lễ tại đình các phường.
Ông Đinh Xuân Môn ở phường Vạn Hương, quận Đồ Sơn cho biết nguồn nước tinh khiết này sẽ được dâng lên cúng Thành hoàng tại các phường để cầu nguyện một năm mưa thuận, gió hòa, ngư dân đi biển được nhiều tôm, cá, cuộc sống bình an, hạnh phúc.
"Nghi lễ rước nước là một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ hội chọi trâu. Hàng ngàn năm nay vẫn lấy nước ở Đền Ngọc rước về các đền làng để tế lễ ở các đình. Theo nghi lễ truyền thống của Lễ hội chọi trâu, mùng 7/8 rước nước, mùng 8/8 tế thần ở các đình làng, mùng 9/8 đưa trâu vào sới chọi, mùng 10/8 hiến sinh, 16/8 tế thần là hết hội chọi trâu. Diễn ra từ 1/8 (lễ thượng cờ) và kéo dài đến ngày 16/8, hội chọi trâu để cầu cho người dân bình an, sản xuất tốt" - ông Đinh Xuân Môn nói.
Sau 2 năm phải tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn năm nay được quận Đồ Sơn tổ chức trang nghiêm, long trọng với đầy đủ các nghi lễ, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị đặc sắc của lễ hội. Đồng thời, thể hiện lòng tôn kính, tưởng nhớ công lao của bậc tiên tổ, phù hộ cho con cháu, quê hương Đồ Sơn ngày càng giàu đẹp.
Theo ông Phạm Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Trưởng BTC Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn 2022, những nghi lễ trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn như lễ thượng cờ, lễ rước nước, lễ hiến sinh, tế thần... thể hiện nét văn hóa đặc trưng của một lễ hội nơi miền cửa biển. Chính những điều này đã làm nên nét khác biệt giữa Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với các hội chọi trâu khác trên toàn quốc.
Ông Phạm Hoàng Tuấn cho biết: "Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn không chỉ thể hiện ở việc các “ông trâu” đến sới chọi để cho nhân dân và du khách thưởng ngoạn những miếng đánh hay mà điều quan trọng là các nghi lễ truyền thống gắn liền với lễ hội, tạo nên phần hồn của lễ hội. Trâu ở Đồ Sơn được gọi là "ông trâu", sau khi trình làng là trâu của Thành Hoàng. Các đoàn rước trâu bao giờ cũng có long đình, bát biểu, quan viên, thể hiện đoàn rước đưa Thành Hoàng đi vân du, chiêm ngưỡng lễ hội".
Sau lễ rước nước, vào đêm 3/9 (tức 8/8 âm lịch) diễn ra nghi thức lễ thần linh tại đền Nghè và sân vận động. Đây là nghi lễ quan trọng trước khi diễn ra phần hội của Lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn vào sáng ngày 4/9 (tức 9/8 âm lịch) tại sân vận động trung tâm quận Đồ Sơn./.