Haji Basiroh - Người phụ nữ đưa văn hóa Chăm Việt Nam ra thế giới
VOV.VN - Hơn hai mươi năm tâm huyết, gây dựng và phát triển cửa hàng thời trang của người Hồi giáo trở thành một thương hiệu uy tín, bà Basiroh tiếp tục xây dựng thương hiệu ẩm thực Halal Food Basiroh nhằm thu hút khách du lịch bằng tinh hoa ẩm thực cổ truyền của người Chăm Việt Nam và quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với thế giới.
Hơn hai mươi năm tâm huyết, gây dựng và phát triển cửa hàng thời trang thu hút khách du lịch bằng tinh hoa ẩm thực cổ truyền - Haji Basiroh - Người phụ nữ đưa văn hóa Chăm Việt Nam ra thế giới, tấm gương sáng "thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nằm trên con phố Nguyễn An Ninh, Quận 1, TP.HCM, hướng cửa Tây chợ Bến Thành, nhà hàng Basiroh, chuyên phục vụ thực phẩm Halal cho người theo đạo Hồi, liên tục có khách ra vào ăn uống. Du khách chủ yếu đến từ các nước như Malaysia, Indonesia,… Bà chủ nhà hàng trong trang phục Chăm Hồi giáo, dáng người đẫy đà, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười luôn nở trên môi, xởi lởi hỏi thăm khách hàng. Thỉnh thoảng, bà lại sang cửa hàng thời trang dành cho người Hồi giáo cũng mang tên Basiroh ở đối diện bên kia đường để theo dõi hoạt động của cửa hành. Bà chính là Haji Basiroh, năm nay hơn 60 tuổi, là người đầu tiên mở cửa hàng thời trang và mở quán ăn cho người theo đạo Hồi trên con đường được mệnh danh là “phố Malaysia” ở TPHCM.
Anh A-Jit quê ở tỉnh An Giang, năm nay 37 tuổi, là người gắn bó từ ngày đầu tiên với cửa hàng thời trang và nhà hàng Basiroh trên đường Nguyễn An Ninh, Quận 1, TPHCM. Anh A-Jit cho biết: “Bà Basiroh, người Chăm bắt đầu mở cửa hàng buôn bán tại đây vào năm 2011, chuyên về thời trang, tiếp theo là quán ăn. Lúc đó, chưa có ai buôn bán các mặt hàng chuyên phục vụ người Malaysia cả. Mỗi năm thêm nhiều du khách nước ngoài biết và tìm đến đây”.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp, dù bà khiêm tốn cho rằng tất cả đến như một sự tình cờ, may mắn, nhưng bằng những việc bà làm, có thể hiểu rằng bà đã phải dày công, nỗ lực rất nhiều. Trước năm 2000, bà làm việc cho công ty nghiên cứu thị trường của tập đoàn Anh quốc tại TPHCM. Lúc đó, một số đối tác người Malaysia đến làm việc, nhờ bà đưa đi mua đồ làm quà, đặc biệt là Telekung - trang phục hành lễ của người Hồi giáo. Tìm mãi mới thấy có một quầy trong thương xá Tax bán dạng đồ này nhưng rất ít mẫu mã. Từ đó, bà chợt nghĩ, tại sao mình lại không làm quần áo bán cho người Hồi giáo? Nghĩ là làm, bà nhờ một số người bạn đi Malaysia mua về vài cái khăn trùm đầu và bộ đồ lễ. Sau giờ làm việc, bà tự nghiên cứu, mày mò để sản phẩm đa dạng cả về chất liệu, kiểu dáng và mẫu thêu. Thời đó, khách Malaysia vẫn chưa nhiều, đồng thời vì thiếu vốn nên bà tự đi tìm vải và may với số lượng hạn chế, chủ yếu bán tại nhà cho những người quen biết và qua truyền miệng.
Sau đó, người Malaysia sang Việt Nam làm ăn, du lịch ngày càng nhiều, bà quyết định nghỉ việc ở công ty, thuê mặt bằng trên đường Nguyễn An Ninh để mở cửa hàng. Với sự sáng tạo, tinh tế sản phẩm của bà có sự khác biệt bởi các mẫu thêu hoặc đính thêm phụ kiện, pha một chút nét riêng trang phục Chăm. Nhờ đó, đồ của bà được nhiều khách hàng Malaysia, Indonesia yêu thích vì chất liệu tốt, kiểu dáng hoa văn, họa tiết mẫu thêu đa dạng mà giá cả rất hợp lý. Khách Malaysia ghé TPHCM là tìm đến mua. Họ mua xong, lại tìm nơi ăn những món Hồi giáo nên nhờ bà nấu giúp. Bà bán thêm thức ăn, ban đầu chỉ vài món, đặt 2-3 bàn ở vỉa hè trước quán quần áo. Sau khách đông dần, bà mở nhà hàng cao ba tầng. Đến nay, thực đơn của nhà hàng Basiroh có gần 100 món. Ngoài những món truyền thống của người Chăm: ca ri dê, cá, bánh talaha…thực đơn cũng có rất nhiều món thuần Việt như phở bò, canh chua cá lóc, cá kho tộ, rau muống xào… Có thời điểm bà có đến ba nhà hàng mang tên Basiroh, nhiều nhất trên con phố Nguyễn An Ninh.
Vừa qua, hai tạp chí hàng đầu dành cho phụ nữ ở Malaysia là Jelita và Kosmo đã dành đến hai trang để nói về cửa hàng thời trang Basiroh và bà chủ của nó. Họ đã không tiếc lời khen ngợi sản phẩm của cửa hàng “Telekung chất lượng cao Basiroh”, “Telekung Việt Nam phổ biến ở Malaysia”…Đến thăm TP.HCM, nhiều vị khách Malaysia, Indonesia đã khen nức nở vị ngon của bát phở Việt Nam ăn tại nhà hàng Basiroh. Đây cũng là động lực lớn để bà tiếp tục theo đuổi sự nghiệp kinh doanh của mình. Hiện tại, công việc kinh doanh đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng bà Basiroh vẫn cố gắng duy trì để tạo việc làm cho con em người Chăm.
Bà Basiroh nói: “Tôi mong muốn làm được nhiều hơn nữa để góp phần gìn giữ và quảng bá văn hóa dân tộc, đất nước mình ra thế giới. Qua đó, tạo được nhiều việc làm cho con em người Chăm có hoàn cảnh khó khăn để có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”.
Nhân viên của quán đều là người Chăm có hoàn cảnh khó khăn, được bà nhận vào làm việc và còn lo luôn cả cơm ăn, chỗ ngủ. Thu nhập của mỗi nhân viên từ 5 triệu đồng - 8 triệu đồng mỗi tháng. Chị Ro-Phi-Ah ở quận Phú Nhuận, TPHCM là một trong những hoàn cảnh khó khăn được bà Basiroh tạo việc làm, cho tiền để sửa sang nhà cửa.
Chị Ro-Phi-Ah nói: “Lúc khó khăn nhờ có cô ấy giúp đỡ gia đình tôi, phần nào ổn định cuộc sống”.
Trước khi bén duyên với công việc kinh doanh, bà Basiroh có khoảng 10 năm dạy tiếng Chăm trong thánh đường Hồi giáo tại TPHCM. Ông Haji Mach Dares Samael, Quyền Trưởng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo TPHCM nói về bà Basiroh: “Haji Basiroh là phụ nữ Chăm tiêu biểu, làm nhiều việc thiện giúp đỡ cộng đồng. Basiroh được bà con yêu mến. Những ngày lễ, Tết của người Chăm, Basiroh trích một phần tiền để hỗ trợ cho người nghèo”.
Bà Basiroh không chỉ nổi danh trên thương trường là người làm ăn, kinh doanh giỏi, bà còn được cộng đồng Chăm tại TPHCM biết đến bởi tấm lòng thơm thảo mà bà dành cho những người nghèo khó.