Khám phá văn hóa người Tày ở Thái Nguyên

VOV.VN - Cách không xa trung tâm TP. Thái Nguyên, Khu bảo tồn Làng nhà sàn Dân tộc sinh thái Thái Hải là nơi phù hợp nhất để du khách khám phá văn hóa người Tày bản địa.

Ở Thái Hải, có những gia đình 4 thế hệ cùng sinh sống, tạo thành làng bản với mối quan hệ gia đình, cộng đồng rất tốt đẹp và đoàn kết, đồng lòng góp sức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Tày. Những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đều được gìn giữ cẩn trọng.

Độc đáo nếp nhà sàn người Tày

Tại đây có 30 ngôi nhà sàn được phục dựng nguyên bản về kiến trúc và cấu trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói chung và đồng bào dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa nói riêng. Đây là các nếp nhà cũ của đồng bào dân tộc, theo kết cấu truyền thống, nhà gỗ mộc, không sơn. Các gian phòng được bố trí theo đúng vai trò, lứa tuổi trong gia đình truyền thống dân tộc Tày, ấm về mùa đông, mát về mùa hè.

Các gia đình đồng bào vẫn sử dụng những đồ dùng, vật dụng truyền thống trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như cối xay thóc, cối giã gạo dùng nước, mâm cơm bằng gỗ, rổ giá, bồ đan bằng tre nứa để đựng đồ đạc. Hầu hết các vật dụng này đều được sưu tập đồ cũ từ đồng bào người Tày vùng ATK Định Hóa. Những vật dụng phục chế đều đảm bảo chất liệu, hình thức và cách chế tác truyền thống.

Cộng đồng trong bản làng, già, trẻ, gái, trai đều mặc trang phục áo chàm. Nữ giới thường đeo vòng cổ đặc trưng của người Tày. Phụ nữ đã có gia đình thường vấn khăn trên đầu, đeo dây ngũ sắc và xà tích dân tộc Tày.

Bản làng Thái Hải có riêng một nhà sàn để bảo tồn thuốc nam. Đây cũng là nơi sinh sống của một gia đình đồng bào dân tộc. Các bài thuốc nam gia truyền (về gan, thận…) từ nhiều đời để phục vụ cho sức khỏe của dân làng cũng như đáp ứng nhu cầu của khách tham quan. 

Bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng

Tại Thái Hải đang bảo tồn những nghi lễ tâm linh tín ngưỡng như lễ hội Lồng tồng, lễ mừng lúa mới, lễ mừng thọ, lễ cúng mụ và các nghi thức thờ cúng tổ tiên khác… Các ngày lễ, tết đều tổ chức làm lễ cúng đất trời tổ tiên cầu mong những điều tốt đẹp, bình an. Các khu vực quan trọng, có tính tâm linh cao như bàn thờ, bếp lửa luôn được chăm chút, sắp đặt ngăn nắp và dọn dẹp sạch sẽ. 

Bản làng Thái Hải luôn sống trong bầu không khí văn hóa và lễ hội theo đúng truyền thống của người Tày. Chính những hoạt động thường xuyên có tính đời thực như vậy đã làm mọi người hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống của cộng đồng, dân tộc. Các sinh hoạt văn hóa truyền thống có tính cộng đồng cao thường xuyên được tổ chức trong các đêm hội vui của làng như đêm lửa làng, múa rối cạn của người Tày. 

Hàng ngày, vào khung giờ 9 - 10h sáng nhà then làm lễ cầu an, các trích đoạn then luôn được tái hiện ngay trong cuộc sống. Bên bếp lửa, bà con vẫn ngồi đánh đàn tính, hát then, hát sli, hát lượn, đặc biệt là những làn điệu then cổ. Không chỉ có các cụ già, người cao tuổi và thanh niên, ngay cả các em nhỏ cũng được truyền dạy và có khả năng đánh đàn tính, và hát dân ca đặc trưng của dân tộc Tày Nùng.

Tôn ti trật tự ứng xử trong gia đình luôn được giữ gìn. Các thành viên trong bản làng tạo thành một cộng đồng đoàn kết gắn bó mật thiết cả trong cuộc sống và công việc, ứng xử với nhau đậm đà tình làng nghĩa xóm. Mọi người đều được giáo dục tình yêu và tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc.

Việc trao truyền văn hóa được tiếp nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau. Bản làng mời các nghệ nhân tại Thái Nguyên và từ các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng đến truyền dạy trực tiếp, song song với việc sưu tầm tư liệu, thông tin, hiện vật. Bản làng có trường học từ cấp bậc mầm non lên đến tiểu học, các bé vừa được học tập theo chương trình chung, vừa được học tập văn hóa Tày; đây là mô hình giáo dục đào tạo về văn hóa theo hướng phát triển bền vững.

Người dân tại Thái Hải được khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để mọi người học và giao tiếp bằng tiếng Tày. Ngay cả các em bé độ tuổi mầm non đã được bố mẹ ông bà dạy cho giao tiếp, nói chuyện bằng tiếng Tày.

Phát triển du lịch bền vững

Đến với bản làng Thái Hải, du khách được tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc Tày trên rất nhiều khía cạnh như cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán, trang phục, văn hóa văn nghệ, lễ hội…

Du khách có thể dành thời gian trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cùng người dân như trồng rau, hái rau, hái chè, đánh cá, giã bánh giày, giã cốm, rang ngô, nướng khoai, thưởng thức trà xanh bếp lửa nhà sàn, nghe đàn tính, hát then… Nhiều trò chơi dân gian và hiện đại được tổ chức thường xuyên, như ném còn, đi cầu thăng bằng, đi cà kheo, bịt mắt bắt dê, đập niêu, kéo co, đi thiên nga trên hồ… 

Tại Thái Hải, thưởng thức ẩm thực là một trải nghiệm đáng nhớ. Tại đây bảo tồn các loại hình văn hóa ẩm thực đặc trưng của người Tày, cả các món ăn thường ngày, ẩm thực tế lễ, các bài thuốc chăm sóc sức khỏe, các món bánh đặc trưng như bánh chưng Tày, bánh chè lam, bánh gai rừng. Trên gác bếp nhà sàn thường xuyên có thịt treo gác bếp, các gia đình còn làm xôi ngũ sắc, chè xanh, nấu rượu theo phương pháp truyền thống.

Buổi chiều và buổi tối, không khí lễ hội rộn ràng khắp bản với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn nghệ. Mọi người cùng nhảy sạp, ca hát, múa rồng lân, đánh trống hội... Với không gian rộng rãi, xanh mát và trong lành, nhiều đoàn khách lựa chọn Thái Hải để tổ chức dã ngoại, hội nghị, hội thảo, tập huấn hay các cuộc họp mặt kỉ niệm. Đây cũng là điểm đến phù hợp với các gia đình ở Hà Nội đến nghỉ ngơi cuối tuần vì khoảng cách tương đối gần.

Song song với việc đón khách, người dân tại Thái Hải rất có ý thức bảo vệ môi trường. Vật liệu tại bản làng đa phần thân thiện với môi trường như tre nứa, lá cọ, hạn chế sử dụng túi ni lông và phương tiện đi lại trong bản đa phần là xe điện. Hằng năm, bà con trong bản đều có các hoạt động phủ xanh, cải tạo rừng, trồng thêm các giống cây làm đa dạng hệ thực vật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thái Nguyên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghề truyền thống gắn với du lịch 
Thái Nguyên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghề truyền thống gắn với du lịch 

VOV.VN - Những làng nghề truyền thống như làng bánh chưng Bờ Đậu, nghề chè Tân Cương gắn với nét văn hóa bản địa đã tạo thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo ở Thái Nguyên. 

Thái Nguyên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghề truyền thống gắn với du lịch 

Thái Nguyên bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghề truyền thống gắn với du lịch 

VOV.VN - Những làng nghề truyền thống như làng bánh chưng Bờ Đậu, nghề chè Tân Cương gắn với nét văn hóa bản địa đã tạo thành nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo ở Thái Nguyên. 

Phát triển du lịch - mục tiêu ưu tiên của tỉnh Thái Nguyên
Phát triển du lịch - mục tiêu ưu tiên của tỉnh Thái Nguyên

VOV.VN - Xây dựng sản phẩm đặc thù, tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư; ngành du lịch Thái Nguyên đang nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển du lịch - mục tiêu ưu tiên của tỉnh Thái Nguyên

Phát triển du lịch - mục tiêu ưu tiên của tỉnh Thái Nguyên

VOV.VN - Xây dựng sản phẩm đặc thù, tăng cường quảng bá, thu hút đầu tư; ngành du lịch Thái Nguyên đang nỗ lực khẳng định vai trò quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

Lễ tơ hồng độc đáo của người Dao ở Thái Nguyên
Lễ tơ hồng độc đáo của người Dao ở Thái Nguyên

VOV.VN - Những năm gần đây, lễ tơ hồng truyền thống đã xuất hiện nhiều hơn trong đám cưới của người Dao Lô Gang ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Đây thực sự là tín hiệu vui khi thanh niên người Dao ý thức được việc gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Lễ tơ hồng độc đáo của người Dao ở Thái Nguyên

Lễ tơ hồng độc đáo của người Dao ở Thái Nguyên

VOV.VN - Những năm gần đây, lễ tơ hồng truyền thống đã xuất hiện nhiều hơn trong đám cưới của người Dao Lô Gang ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Đây thực sự là tín hiệu vui khi thanh niên người Dao ý thức được việc gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình.