Lễ hạ nêu của người Mường trên cao nguyên Đắk Lắk
VOV.VN - Ngày mùng 8 tháng Giêng, cộng đồng người Mường ở xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cùng tập trung tại đình Lạc Sơn, xã Hòa Thắng để tổ chức lễ khai hạ (còn gọi là lễ hạ nêu). Đây là nghi thức nông nghiệp từ lâu đời của quê hương Hòa Bình được bà con người Mường gìn giữ, phát huy trên quê mới.
Lễ khai hạ (còn gọi là lễ hạ nêu) là một trong 3 lễ quan trọng trong năm của người Mường, được tổ chức khi bắt đầu mùa vụ sản xuất nông nghiệp trong năm. Ông Nguyễn Văn Phú, Phó chủ đình Đình Lạc Sơn, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, ở xã Hòa Thắng có 7 đình làng mang đặc thù riêng của từng nhánh người Mường di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Sau nhữn ngày đầu xuân, trong khoảng từ mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng, mỗi đình làng sẽ chọn một ngày làm lễ khai hạ, tổ chức nhiều hoạt động vui tươi để kết nối cộng đồng.
Ông Phú nói: “Đây là truyền thống cha ông để lại từ xưa tới bây giờ. Sau những ngày Tết thì lễ hạ cây nêu không thể thiếu được để chuẩn bị cho một mùa sản xuất mới. Lễ khai hạ chung của tất cả các đình đều mang ý nghĩa bước sang mùa năm mới, cầu cho mùa màng được tươi tốt, dân làng được yên ổn và cầu cho quốc thái dân an, để năm sau bắt đầu tất cả người dân được bình an hơn”.
Dự lễ khai hạ, mọi người dân mặc những bộ trang phục truyền thống thật đẹp, cùng tập trung tại đình làng. Đặc biệt, năm nay tại đình Lạc Sơn, xã Hòa Thắng có 3 đội chiêng Mường của 3 thôn trong xã tập trung giao lưu, khiến tiếng chiêng càng thêm lan tỏa. Các đội chiêng xếp thành hàng dài từ cổng đình, tấu lên những hồi chiêng rộn ràng để đón khách.
Lễ vật đã được sắp đặt tươm tất, bày trí trang trọng trên bệ thờ. Trong phần chính lễ, người chủ trì đình làng sẽ làm lễ cúng thành hoàng, thay mặt dân làng đọc lời cầu khấn mong cho người dân khỏe mạnh, xóm làng bình yên no ấm, mưa thuận gió hòa, mọi vật sinh sôi, vụ mùa bội thu.
Nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Thành, chủ trì đình Lạc Sơn, xã Hòa Thắng chia sẻ: "Lễ khai hạ này gọi là đại lễ của ngày đầu năm, từ buổi chiều ngày mùng 7 tháng Giêng thì chúng tôi chuẩn bị đóng oản, làm chay và gói bánh chay, đưa ra đình làng dọn cúng, dâng hương trọn một đêm. Vào buổi trưa thì chúng tôi mới hạ tạp, nghĩa là cúng mặn, mổ một con heo khoảng hơn 70kg rồi làm lễ vật đầy đủ và dâng lên, đồng thời có thêm rượu cần".
Kết thúc nghi lễ, phần hội bắt đầu với các trò chơi dân gian như đi cà kheo, trèo cột mỡ, đập heo đất, ném đúm, kéo co, bắt vịt,… Hào hứng tham gia các hoạt động, Lê Ngọc Phương Trinh, ở thôn 3, xã Hòa Thắng cho biết, là thế hệ thứ 3 sinh ra và lớn lên tại Đắk Lắk, chị luôn cảm thấy tự hào và mong muốn gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa của dân tộc mình ở quê hương mới trên cao nguyên.
Phương Trinh nói: “Em theo mẹ xuống đình hằng năm để tham gia lễ hội. Em tham gia vào tiết mục đánh cồng chiêng và có những năm thì em có tham gia đánh đúm. Là một con dân của làng Mường thì em luôn thấy mình rất là tự hào về dân tộc của mình. Em luôn sẵn sàng để trao đổi và giao lưu với các bạn gần xa, phát huy và đưa cho mọi người biết là ở đây có dân tộc Mường”.