Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành: "Nhiếp ảnh đem đến cho tôi cả cuộc sống"

VOV.VN - Trở thành nghề nghiệp gắn bó suốt đời, nhiếp ảnh đã mang đến cho nghệ sĩ Chu Chí Thành một nhận thức cao đẹp về đất nước, về tình người, về cái đẹp của xã hội và nhân loại.

Trong 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022 có nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên phóng viên ảnh Thông tấn xã Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với bộ ảnh “Hai người lính”.

Bộ ảnh gồm 4 bức: “Tay bắt mặt mừng” với hình ảnh một nhóm người gồm quân Giải phóng, nữ du kích và lính quân đội Cộng hòa vui vẻ, tươi cười bắt tay nhau; “Hai người lính” với hình ảnh chiến sỹ quân Giải phóng Nguyễn Huy Tạo, người Hà Nội và anh lính Cộng hòa Bùi Trọng Nghĩa người Sài Gòn khoác vai nhau thân thiện; “Cầu Quảng Trị”, với hình ảnh về cây cầu Quảng Trị đổ nát - nơi mà những người lính của hai bên chiến tuyến từng giáp chiến; “Những bàn tay lưu luyến” là hình ảnh về những người lính Sài Gòn được trả tự do và các chiến sỹ Giải phóng lưu luyến vẫy chào nhau trên sông Thạch Hãn mùa Xuân năm 1973.

Chụp "Hai người lính" là may mắn trong cuộc đời làm báo của tôi

PV: Cảm xúc của ông như thế nào khi được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho bộ ảnh “Hai người lính”?

NSNA Chu Chí Thành: Đối với người nghệ sĩ, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ và tư tưởng, khi nhận được phần thưởng cao quý cho tác phẩm của mình sẽ rất vui và tôi cũng vậy.

Đây là phần thưởng cao quý mà Nhà nước đã trao cho tôi cùng tác phẩm của mình. Năm nay tôi đã 79 tuổi nhưng khi biết mình được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi vẫn thấy mình như một học sinh được thầy giáo khen “em học giỏi, em tiến bộ…”. Được Nhà nước ghi nhận những đóng góp của mình, tôi phấn khởi lắm.

PV: 50 năm đã trôi qua nhưng hẳn ông vẫn còn nhớ khoảnh khắc chụp những bức ảnh đó?

NSNA Chu Chí Thành: Sau ngày ký Hiệp định Paris, tôi được lãnh đạo TTXVN cử đi công tác với hai nhiệm vụ: Một là chụp ảnh về cuộc trao trả tù binh ở sông Thạch Hãn - cuộc trao trả tù binh lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam; hai là đi thị sát và ghi lại hình ảnh, đưa tin về việc thi hành Hiệp định Paris ở Quảng Trị.

Trong khi chờ đợi các cuộc trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn, có những ngày nghỉ, tôi và đồng nghiệp tranh thủ đi đến vùng giáp ranh để xem xét tình hình. Hôm đó, đoàn công tác đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tại đây, tôi đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn đi qua "giới tuyến" sang địa phận quân Giải phóng chơi. Khi tốp lính Sài Gòn sang, mấy anh bộ đội của ta ra đón. Họ hồ hởi nói chuyện với nhau. Rồi những người lính Sài Gòn vui vẻ bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch.

Tôi đã giơ máy ảnh lên bấm máy, ghi lại hình ảnh các chiến sĩ quân Giải phóng, nữ du kích của ta “tay bắt mặt mừng” với những người lính Cộng hòa trong không khí vui vẻ, như chưa từng có sự phân chia thù địch.

Trong không khí vui vẻ ấy, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một người lính Giải phóng và đề nghị tôi chụp cho một kiểu ảnh. Tôi đã ngay lập tức chụp lại khoảnh khắc hai người lính đó khoác vai nhau và bức ảnh “Hai người lính” ra đời.

Hai người lính đã từng đánh nhau ở Quảng Trị và từng nếm trải ranh giới sống chết giữa bom đạn của hai phía, vì thế nên họ hiểu được giá trị của giây phút hòa bình. Tôi cũng vài lần “chết hụt” nên lúc đó tôi cũng có cảm xúc gần như đồng điệu với những người lính này. Họ vốn là những người con của đất nước Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử mà bị đẩy vào hai chiến tuyến khác nhau. Và lúc đó tôi nghĩ rằng, ngày Bắc Nam sum họp một nhà đã gần lắm rồi, chiến tranh sắp kết thúc, sẽ không còn những hy sinh bằng máu và nước mắt của cả dân tộc nữa.

PV: Được biết, khi bức ảnh gửi về đơn vị đã không được sử dụng vì những yếu tố nhạy cảm thời bấy giờ. Mãi đến năm 2007, bức ảnh mới được công bố rộng rãi. Nhiều người cho rằng, đây là “bức ảnh dự báo ngày hòa bình” hay “bức ảnh ảnh hưởng đến tương lai”. Khi đó, suy nghĩ của ông như thế nào?

NSNA Chu Chí Thành: Sau khi tôi chụp xong bộ ảnh đó, tới cuối năm 1974, tôi được TTXVN cử đi công tác nước ngoài. Đến khi về nước, tôi được sống trong không khí vui vẻ, phấn khởi bởi đất nước mình đã đánh thắng được Đế quốc lớn là Mỹ. Tuy nhiên kinh tế lúc đó cực kỳ khó khăn. Tập thể đồng nghiệp cũng như cá nhân tôi, không ai nghĩ đến mấy tác phẩm mà mình có được trong thời chiến .

Đến khi tôi chuyển sang công tác ở Hội Nghệ sĩ Nhiếp Ảnh Việt Nam, tôi có làm triển lãm ảnh cá nhân về chiến tranh. Một điều rất mừng là triển lãm tôi đưa ra, được đồng nghiệp nhiếp ảnh hoan nghênh, đánh giá cao. Tôi cũng rất phấn khởi khi hai bức ảnh, gồm bức ảnh “Hai người lính” và “Tay bắt mặt mừng” đã gây được sự chú ý rất lớn.

Nhắc lại lý do tại sao những năm trước, bức ảnh của tôi đưa về Hà Nội không được Ban biên tập sử dụng mà còn bị bỏ một ảnh. Bởi khi ấy, những người phụ trách bức ảnh của tôi khá quan ngại việc chưa giải phóng miền Nam, lại xuất hiện bức ảnh người chiến sĩ Giải phóng khoác vai Cộng hòa.

Nhưng đối với tôi thì bức ảnh đó rất là quý hiếm, đó là một may mắn trong cuộc đời làm báo mà tôi ghi lại được. Vậy nên khi lục tìm ở kho lưu trữ, trong đống phim bỏ đi không thấy, tôi đã xin mấy chị tổ Tư Liệu mẩu phim và bóc tấm ảnh mẫu “Hai người lính” từ maket đem về kẹp trong sổ công tác. Tôi giữ mãi đến năm 2007 mới đưa ra triển lãm.

Chỗ nào nguy hiểm mình đều phải có mặt

PV: Để có được những bức ảnh chiến trường đắt giá thì người phóng viên ảnh cũng phải đối diện với mưa bom bão đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Chắc hẳn ông đã có vài lần "chết hụt"?

NSNA Chu Chí Thành: Có một lần chết hụt mà tôi nhớ mãi, là khi tôi cùng nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng -  phóng viên quân đội của Tổng cục chính trị được phái sang Thông tấn xã miền Nam.

Ngày ấy, tôi không phải là một thanh niên bạo dạn. Tôi hơi nhút nhát. Lần đi công tác cùng anh Dũng, anh ấy luôn dẫn đầu và luôn luôn chủ động phân công tôi đi những điểm không căng thẳng để bảo vệ tôi. Còn anh thì đến những chỗ căng thẳng bom đạn. Khi ấy, tôi cũng hăng hái về tinh thần và nói với anh: “Phải cho em đi cùng chứ anh, chứ em lơ ngơ là em không biết làm gì đâu anh”, “Mà anh sợ em chết chứ gì, em đi theo anh thì không chết đâu, còn đi một mình thì dễ chết”. Tôi lý sự với anh thế bởi khi đi với anh ấy, tôi mới cảm thấy mình yên tâm hơn.

Tôi cho rằng, việc công tác trong thời kỳ chiến tranh giúp mình tiến bộ rất nhiều. Khi đi vào trận địa, người phóng viên ảnh không khác gì bộ đội. Chính những chuyến đi ấy đã giúp tôi trưởng thành hơn, giúp tôi từ một con người nhút nhát trở thành một người không ngại, không sợ hy sinh.

Tôi còn nhớ vào năm 1968, tôi và anh Dũng đạp xe đạp từ Hà Nội và Quảng Bình. Buổi trưa hôm đó, chúng tôi phân công nhau, anh Dũng sẽ lên Sở bộ đội chính quy đóng ở trên các đồi quanh xã Vĩnh Thủy để chụp ảnh máy bay, khi máy bay Mỹ đến. Tôi thì làm nhiệm vụ chụp lại ảnh nhân dân sản xuất ở khu vực đó sẵn sàng chiến đấu.

Lúc đó tôi được các đồng chí, chủ tịch xã và Đảng ủy đón tiếp. Sau khi họ về, tôi ngồi ở ủy ban một mình. Một lúc thì nghe tiếng máy bay tới, thế là tôi vào hầm. Từng đợt, từng đợt B52 dội bom, rền vang căn hầm. Lần đầu tiên khi bom hết, tôi nhìn ra thấy một con lợn chết, tôi sởn mình và có ý nghĩ rất buồn cười. Con lợn đã là vật hy sinh rồi thì mình liệu có thành vật hy sinh tiếp theo không? Bởi lúc đó, tôi đang ngồi giữa trận địa, lại không có khí giới trong tay.

Thời điểm đó, tôi thấy cái chết cận kề ngay trước mắt. Sau đó, tôi thấy con gà xỉa máu của con lợn ăn cộng thêm không khí bom vừa ngắt, khiến tôi cảm thấy khủng khiếp vô cùng. Tôi tự hỏi, tại sao con gà nó lại vô tư như thế nhỉ? Đến đợt bom tiếp theo nổ, con gà lăn ra chết.

Tôi dù trong hầm không việc gì nhưng những lần sau đó, quả bom địch thả ăn sát vào góc hầm phía sau tôi, khiến tôi hơi choáng và ngất đi. Sau đó mùi dầu hoả của đèn dầu đổ ra và sực lên khiến tôi tỉnh lại. Đó cũng chính là kỷ niệm chết hụt mà tôi không bao giờ có thể quên được.

PV: Thời gian làm phóng viên chiến trường, ông cảm thấy điều gì thú vị nhất trong công việc của mình?

NSNA Chu Chí Thành: Trong chiến tranh thì ở đâu cũng khó khăn và nguy hiểm, nhất là phóng viên chiến trường phải đi cùng quân đội, thanh niên xung phong... Chỗ nào nguy hiểm mình đều phải có mặt. Trong những lúc nguy hiểm đó, điều mà tôi cảm thấy thú vị nhất là tình người ẩn sâu bên trong.

Tình người trước tiên được thể hiện trong đội ngũ phóng viên chúng tôi với nhau. Đặc biệt, tôi không bao giờ quên tình cảm của anh Lương Nghĩa Dũng dành cho mình.

Tôi nhớ những trận B52 ném bom, tôi nằm trong hầm còn anh ấy cách xa tôi 5 cây số. Vậy mà anh vẫn chạy về xem tôi còn sống hay chết. Anh cứ chạy theo đường hào trên các con đồi ở Vĩnh Thủy, về tới cái hầm của tôi thì anh có nói một câu rất nghiêm chỉnh: “Đồng chí Danh , đồng chí có làm sao không?”

Khi nghe anh hỏi, tôi vội trả lời: ”Không, em không làm sao”. Lúc ấy tôi vẫn ngồi yên trong hầm. Anh Dũng bất ngờ bảo: “Thế không làm sao thì ra mà chụp ảnh chứ”. Tôi chưa hoàn hồn đáp: “Chụp cái gì, địch đánh ta tơi bời chứ chụp cái gì” thì anh Dũng nói luôn: “Chụp khắc phục hậu quả”.

Sự linh hoạt và lòng say mê công việc của nhà báo chiến trường nó lớn lắm và ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Đồng thời, tình người khi tiếp xúc với thanh niên xung phong, tiếp xúc với bộ đội, được mọi người quan tâm lo lắng cũng khiến tôi nhớ mãi.

Có lần, quân ta bắn máy bay Mỹ, các anh bộ đội lo lắng cho tôi nên luôn cho một chiến sĩ đứng cạnh, để khi thấy kẻng báo động bom bi xuống thì sẽ kéo tôi vào. Các anh bộ đội còn dặn: “Anh đi đường phương xa thì anh cẩn thận đấy, chúng em còn có pháo bắn được may bay Mỹ ra ngoài, anh tay không không có gì cứ nghe thấy tiếng máy bay thì phải xuống hầm ngay”. Chính những kỉ niệm nghĩa tình với người lính chiến trường đã luôn thôi thúc tôi làm việc tốt hơn, không sợ hy sinh gian khổ.

PV: Nhiếp ảnh đã đem lại cho ông những gì?

NSNA Chu Chí Thành: Nhiếp ảnh đem đến cho tôi cả cuộc sống, cả sự vinh quang cho cá nhân và cho gia đình.

Trong những tác phẩm nhiếp ảnh của mình, những tấm ảnh lịch sử trong chiến tranh của đất nước là máu, là nước mắt của chính những người trong ảnh và những người cầm máy ảnh. Trong chiến tranh, người làm nhiếp ảnh được đất nước giao cho nhiệm vụ ghi lại thực tế lịch sử, ghi lại những anh hùng dân tộc, những người đã ngã xuống... Và sau đống đổ nát là sự vươn lên của đất nước, con người Việt Nam.

Trước kia tôi học văn và khi tốt nghiệp, tôi muốn mình theo đuổi con đường văn chương. Chiến tranh đã đưa đẩy tôi sang con đường báo chí. Lúc đầu tôi xin làm phóng viên ảnh một cách tình cờ, nhưng càng đi sâu vào nhiếp ảnh, tôi càng cảm thấy thú vị. Cho nên nhiếp ảnh trở thành nghề nghiệp suốt đời của tôi. Nhiếp ảnh đã nâng cao nhận thức của tôi về đất nước, về tình người, về cái đẹp của xã hội và nhân loại.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nghệ sĩ vinh dự và tự hào khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước
Nghệ sĩ vinh dự và tự hào khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước

VOV.VN - Đối với các nghệ sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT là một niềm vinh dự lớn lao, ghi nhận những đóng góp của người nghệ sĩ đối với nền VHNT nước nhà.

Nghệ sĩ vinh dự và tự hào khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước

Nghệ sĩ vinh dự và tự hào khi nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước

VOV.VN - Đối với các nghệ sĩ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT là một niềm vinh dự lớn lao, ghi nhận những đóng góp của người nghệ sĩ đối với nền VHNT nước nhà.

Toàn cảnh lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT
Toàn cảnh lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT

VOV.VN - Sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022. 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT; trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh...

Toàn cảnh lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT

Toàn cảnh lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT

VOV.VN - Sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022. 128 tác giả, đồng tác giả được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT; trong đó có 16 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh...

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 128 tác giả, đồng tác giả
Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 128 tác giả, đồng tác giả

VOV.VN - Sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 128 tác giả, đồng tác giả

Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước cho 128 tác giả, đồng tác giả

VOV.VN - Sáng 19/5, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.