Chí Trung châm biếm “người nhà quê” trên sân khấu hài
VOV.VN - NSƯT Chí Trung làm đạo diễn chùm hài kịch "Ao làng" sẽ ra mắt khán giả Hà Nội vào tháng 9 tới.
Đầu tháng 9, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ ra mắt công chúng chùm hài kịch với chủ đề “Ao làng”. Chùm hài kịch này của tác giả trẻ Nguyễn Toàn Thắng, do Đạo diễn - NSƯT Chí Trung (Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ) dàn dựng cho các nghệ sĩ Đoàn Kịch 1. Với 5 tiểu phẩm về những cảnh sống đầy trớ trêu của cuộc sống như: “Tên làng”, “Tiếp thị cao cấp”, “Sống thử”..., chùm hài kịch này hứa hẹn mang lại nhiều tiếng cười hóm hỉnh cho khán giả yêu sân khấu hài.
Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với Đạo diễn - NSƯT Chí Trung về chùm hài kịch này.
PV: Thưa NSƯT Chí Trung, chùm hài kịch “Ao làng” gợi cho công chúng những hình dung gì về một không gian của nông thôn Việt Nam?
NSƯT Chí Trung: Chùm hài kịch “Ao làng” lấy bối cảnh về những chuyện cãi nhau trong các lễ hội ở các làng quê. Hiện nay, hàng năm, chúng ta có hơn 5 nghìn lễ hội. Các cụ luôn luôn thích tổ chức lễ hội, nhưng cởi áo lễ ra là đói. Con cháu thì ào ào lên thành phố, mỗi người làm một nghề, người làm ô-sin, tiếp thị cao cấp...
Chương trình này có 5 vở lấy chủ đề là “Ao làng”, vì “những người nhà quê” đã biến thành phố này thành cái “ao làng” với những thói quen của họ. Tôi không kết tội họ là đúng hay sai, tôi chỉ nói rằng mọi người có quyền mang văn hóa của mình đến Hà Nội, nhưng không nên làm mất các giá trị mà chúng ta xây dựng được.
Viết nhạc cho chương trình là anh Trương Quý Hải, đồng thời, anh ấy cũng là người dẫn chương trình. Anh ấy là người Hà Nội gốc nhưng lại có cái mặt rất “nhà quê”.
PV: "Ao làng" có phải là chương trình hài tiếp nối loạt các chương trình "Đời cười" của Nhà hát Tuổi trẻ trước đây không, thưa anh?
NSƯT Chí Trung: “Đời cười” thì chúng tôi dễ làm hơn, bởi vì nó có kịch bản nguồn gốc Trung Quốc từ những số đầu. Rồi tiếp theo, anh Đỗ Minh Tuấn, Phạm Văn Quý và tác giả khác viết kịch bản. Nhưng gần đây, những chương trình hài theo kiểu cười đời không còn hiệu quả, chúng tôi tập trung vào những mảng riêng biệt, ví dụ có chương trình “Nước mắt đàn ông rơi” thành công, đến giờ diễn hơn 40 suất. Chúng tôi tập trung vào hài kịch nhân văn, tất nhiên có tiếng cười, nhưng đọng lại đó là thông điệp "con người hãy sống vì những giá trị chung".
PV: Liệu có phải do chính kịch khó sống nổi nên Nhà hát Tuổi trẻ vẫn phải tập trung nhiều cho hài kịch?
NSƯT Chí Trung: Đây không phải là "liệu" nữa, mà là sự thật trần trụi, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Kể cả điện ảnh cũng vậy, nhiều tác phẩm được thực hiện tử tế, được giải cao, nhưng khi chiếu vẫn ít người xem. Đây không phải thực trạng riêng của sân khấu.
Nhiều người nói tôi thực dụng và tập trung làm hài. Tôi là người thực tế, làm những gì xã hội cần, xã hội đang chấp nhận. Ở Nhà hát Tuổi trẻ, những vở kịch có xu hướng hài thì do tôi phụ trách. Những vở chính kịch do NSND Lê Khanh phụ trách. Nhà hát Tuổi trẻ của chúng tôi đi song hành hai thể loại. Tôi cũng đã từng nói trên báo chí rằng "những điều tử tế thường không bán được". Nhưng tôi tin sẽ đến lúc những sản phẩm tử tế sẽ bán được. Chúng tôi vẫn chuẩn bị cho điều này.
PV: Anh vừa được giao phụ trách mảng makerting của Nhà hát Tuổi trẻ. Đây có phải là cách thức nhà hát tìm cách tăng cường "quảng cáo" các tác phẩm của mình để bán vé chạy hơn?
NSƯT Chí Trung: Vé của chúng tôi vẫn đang bán chạy đấy chứ. Marketting là cách thức "rất xưa" của doanh nghiệp, nghệ thuật chúng ta hay quen ngạo mạn (nhất là ở miền Bắc), cứ nghĩ là mình nhất có là họ phải chạy đến. 17 người ở bộ phận makerting của nhà hát là 17 bàn tay chìa ra để mang hàng đến cho khán giả, thế thôi. Điều quá bình thường mà doanh nghiệp vẫn làm thì lại được coi là sáng tạo của nghệ thuật, chẳng có gì để tự hào. Chúng tôi phải làm thôi.
PV: Xin cảm ơn anh./.