Nên tước vương miện Hoa hậu của Diễm Hương?
Theo Nhà thơ Dương Kỳ Anh - người sáng lập cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, việc tước vương miện của Diễm Hương là do Ban Tổ chức xem xét.
Chiều ngày 7/3, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (NTBD) đã có công văn tạm dừng cho phép Hoa hậu Lưu Thị Diễm Hương tham gia biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang vì đã đăng ký kết hôn nhưng có biểu hiện gian dối, không kê khai với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Hiện tại, Cục NTBD vẫn chưa đưa ra thời hạn cấm biểu diễn đối với người đẹp sinh năm 1990 này. Việc xem xét tước vương miện Hoa hậu Thế giới người Việt cũng chưa được tính đến. Thanh tra Bộ VH, TT&DL chỉ đề nghị xem xét trách nhiệm đối với đơn vị đưa Diễm Hương đi thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2012 là Công ty cổ phần Hoàn Vũ Sài Gòn.
Nhà thơ Dương Kỳ Anh (tên thật: Dương Xuân Nam), Nguyên Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, sau khi biết thông tin vụ việc Hoa hậu Diễm Hương lừa dối việc kết hôn để đi thi Hoa hậu Hoàn vũ trên báo chí, ông có cảm giác “rất là buồn”.
Hoa hậu Diễm Hương (ảnh: Quang Giang) |
Ông nói: “Một Hoa hậu lừa dối việc kết hôn là mất uy tín rồi. Đáng ra, quy trình đưa thí sinh tham gia các cuộc thi quốc tế phải chặt chẽ, cẩn thận. Việc xảy ra cũng đã quá muộn”.
Ông Dương Kỳ Anh cũng cho biết, do không tham gia tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt lần thứ 2 năm 2010 nên không thể nói gì nhiều. Tuy nhiên, ông cho rằng khi Cục NTBD đã phát hiện Diễm Hương vi phạm quy chế thi, lừa dối khán giả thì việc tước vương miện hay không là do Ban Tổ chức cuộc thi Diễm Hương đăng quang quyết định và tùy vào mức độ.
“Mặc dù Ban tổ chức cuộc thi đã giải tán và không còn tồn tại, nhưng trong trường hợp này Ban tổ chức cần phải họp lại và đưa ra quyết định của mình. Sau đó trình lên Cục NTBD” - ông nói.
Cũng theo “ông trùm Hoa hậu”, trong 13 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đã được tổ chức, Ban tổ chức đều làm nghiêm và chưa bao giờ xảy ra việc tương tự trường hợp của Diễm Hương, và nếu thí sinh khai man thì bị loại ngay từ đầu.
Như vậy, Diễm Hương là đại diện Việt Nam đầu tiên đã kết hôn vẫn tham dự một cuộc thi nhan sắc thế giới. Cô cũng là Hoa hậu Việt đầu tiên bị cấm biểu diễn vì có hành vi gian dối với cơ quan quản lý Nhà nước cũng như đối với công chúng.
Tuy nhiên, từ khi mọi chuyện xảy ra, Diễm Hương luôn im lặng và trốn tránh báo chí, dư luận. Với hành vi lừa dối khán giả và qua mặt cơ quan quản lý, Diễm Hương vẫn chưa có một lời xin lỗi gửi đến mọi người. Là một Hoa hậu, đại diện cho sắc đẹp Việt Nam nhưng riêng cách ứng xử của Diễm Hương đã không xứng đáng với danh hiệu mà cô được trao tặng.
Diễm Hương không còn xứng đáng với danh hiệu Hoa hậu (Ảnh: GTVT) |
Đáng chú ý vì khi đó Mai Phương Thúy (cũng đúng bằng tuổi Diễm Hương bây giờ) xin lỗi dư luận, có nghĩa là cái gì đó chung chung, khó định lượng trong khi việc gian lận về tình trạng kết hôn của Diễm Hương là câu chuyện đã rõ ràng khi có kết luận của cơ quan chức năng.
Hay như mới đây, nhà soạn nhạc Mamoru Samuragochi nổi tiếng của Nhật Bản cũng đã phải tổ chức họp báo xin lỗi công chúng vì thuê người viết nhạc để đề tên mình. Theo đó, Samuragochi thú nhận trong suốt 18 năm qua, ông phối hợp với Giảng viên đại học Takashi Niigaki lừa dối công chúng và các nhà sản xuất. Việc làm của Samuragochi không sai luật lệ hay quy định nào, nhưng đơn giản là hành vi đó không phù hợp với văn hóa ở đất nước mặt trời mọc.
Trở lại với trường hợp của Diễm Hương, chân dài người TP HCM này ít nhất cũng nên có một lời trần tình, một câu xin lỗi tới công chúng. Chuyện tan vỡ tình cảm cá nhân không phải là lý do để cô phớt lờ kiểu “mũ ni che tai”, để vẫn ngày ngày đi chơi, đi đóng phim./.
* Trong lịch sử của các cuộc thi sắc đẹp quốc tế có một số trường hợp tương tự Diễm Hương và đều bị xử lý khá nghiêm khắc. Chẳng hạn như cô Carlina Dura bị tước vương miện Hoa hậu Dominican 2012 và quyền tham dự Hoa hậu Hoàn vũ vì bị phát hiện đã kết hôn; hay Hoa hậu Thế giới 1974 Helen Morgan người Anh bị tước vương miện vì bị phát hiện đã có con trước khi đi thi.