Huyện Mai Sơn: 12 chủ trương đổi thay một vùng quê

VOV.VN - Sau hơn 1 năm triển khai, 12 chủ trương mang tính đột phá với những phần việc được “đánh số, gọi tên” của Ban thường vụ huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang từng bước đổi thay diện mạo vùng đất này.

Cổng chào khang trang ở mỗi thôn bản, ánh điện thắp sáng trước cửa mỗi căn nhà... những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt với người dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Bởi đó là minh chứng cho sự đồng lòng, đồng thuận của bà con với chủ trương đúng, trúng, hợp lòng dân.

Ông Đào Xuân Yết, người dân thôn Nà Cang, xã Hát Lót chia sẻ: "Chúng tôi rất phấn khởi và ủng hộ, có điện sáng, mình đi lại thuận tiện hơn, hai là an ninh hơn, hạn chế tình trạng trộm cắp. Đường xá, điện đóm phát triển hơn so với mấy năm trước nhiều."

Từ những bóng đèn đơn lẻ, nay thôn Nà Cang đã vận động nhân dân lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng tới từng ngõ, xóm, với khoảng cách 30 mét 1 bóng đèn.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Nà Cang cho biết: "Ban đầu thôn vận động mỗi hộ lắp 1 bóng đèn là các hộ tự làm; sau đó thôn kêu gọi xã hội hoá sự hỗ trợ của doanh nghiệp, người dân đóng góp 300.000 đồng/ hộ để lắp hệ thống chiếu sáng... Mấy hôm nay có đường điện sáng bà con phấn khởi lắm. Trước không có điện, không mấy ai ra đường buổi tối".

Những mảnh nương cằn cỗi, đồi trọc, đất trống ở xã Hát Lót cũng đang được phủ xanh nhờ chủ trương “Hộ giàu, hộ khá chung tay giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế, thông qua mục tiêu phấn đấu mỗi nhà tối thiểu có một cây, một con được nuôi, trồng, đảm bảo xanh, sạch theo hướng hữu cơ, hàng hóa.”

Với 3 ha cây ăn quả, cùng mô hình chăn nuôi dê, lợn từ 100 – 200 con/ năm, đem lại thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng, ông Lường Văn Thanh, Bí thư chi bộ, trưởng bản Ngồ Hén, xã Hát Lót đã trở thành một trong những “hộ khá” dẫn dắt bà con khó khăn của bản.

Ông Lường Văn Thanh cho biết: "Bản có 158 hộ, còn 10 hộ nghèo cũng là niềm trăn trở của ban quản lý bản. Chúng tôi vận động những hộ khá chung tay giúp đỡ những hộ nghèo, cận nghèo; tuyên truyền 10 hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ trồng ngô, sắn sang nhãn, xoài, mận; nuôi dê nhốt chuồng, nuôi lợn thả rông, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung, nuôi nhốt chuồng… hiệu quả cao hơn."

Sau hơn 1 năm, xã Hát Lót đã hiện thực hoá 12 chủ trương của Ban thường vụ huyện ủy Mai Sơn; trong đó có 9 chủ trương phát huy hiệu quả rõ nét. Kể cả những phần việc khó cũng có chuyển biến tích cực, nhờ cách làm sáng tạo, sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

Ông Đào Văn Hiền, Bí thư đảng uỷ xã Hát Lót chia sẻ: "Với cách làm là mưa dầm thấm lâu, đặc biệt người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện trước để người dân nhìn vào làm theo. Đời sống nhân dân được nâng lên, nếu như năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo của xã là 12% thì đến nay hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới còn 3,6%. Thu nhập từ 12 triệu lên 47 triệu đồng/ người/ năm".

Không chỉ xã Hát Lót, diện mạo nhiều địa phương của Mai Sơn cũng đã đổi thay nhờ chủ trương đúng và sự đồng thuận của nhân dân. Đơn cử như tuyến đường vốn chỉ rộng hơn 3 mét của bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai nay đã mở rộng tới hơn 6 mét. Gần 60 hộ dân bị ảnh hưởng đã đồng lòng dịch bờ rào, hiến đất, dỡ bỏ cổng nhà, kè đá... để công trình được thi công.

Bà Lò Thị Soi, Bí thư Chi bộ, trưởng bản Vựt Bon, xã Chiềng Mai cho biết: "Sau khi có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, bản Vựt Bon chúng tôi thực hiện theo nghị quyết của Chi bộ tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất và tài sản trên đất. Mọi người nhất trí đồng thuận theo chủ trương, đóng góp tiền, ủng hộ, giải phóng mặt bằng."

137 tuyến đường với chiều dài hơn 170 km được mở rộng là kết quả của huyện Mai Sơn với chủ trương “vận động toàn dân tích cực tham gia chỉnh trang hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững”.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mai Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện chủ trương này, cho biết: "Đây là một chủ trương mang tính lâu dài để phục vụ nhân dân có hệ thống giao thông nông thôn ngày càng tốt hơn. Chúng tôi thực hiện với phương châm là mỗi ngày mỗi xã mở mới, khởi công một tuyến đường, đảm bảo mỗi một tuyến đường ít nhất 2 làn xe chạy song song.

Với những phần việc cụ thể, định hướng rõ ràng, nội dung 12 chủ trương của Ban Thường vụ huyện ủy Mai Sơn bám sát mục tiêu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Hà Văn Bình, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Mai Sơn, tỉnh Sơn La khẳng định: "12 chủ trương thể hiện rõ tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Mỗi đồng chí Ban thường vụ được phân công phụ trách 1 chủ trương, với 12 tổ công tác, tổ tư vấn của huyện. Các xã, thị trấn đã thành lập hơn 200 tổ công tác phụ trách từng chủ trương tại cơ sở; phân công rõ người, rõ việc, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu trong mọi công việc."

Chỉ trong vòng hơn 1 năm, đã có trên 400 hộ nghèo của 10 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mai Sơn thoát nghèo; tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 4,2%/xã; gần 90 hộ sinh sống ở các xã đặc biệt khó khăn xóa được nhà tạm với tổng kinh phí 9,3 tỷ đồng.

Bức tranh nông thôn Mai Sơn được tô điểm bởi 85 cổng chào mới của các thôn, bản, tiểu khu; hơn 12.000 hộ dân có cổng nhà và bóng đèn chiếu sáng; gần 120 điểm tập kết rác được bố trí với gần 350 xe gom rác đẩy tay. Toàn huyện phát triển thêm gần 2.000 con trâu, bò, nâng tổng số đàn trâu, bò lên trên 42.700 con, tăng 10% so với cùng kỳ; gần 500 hộ chăn thả rông chuyển sang nuôi nhốt gia súc...

Đây là kết quả của những chủ trương đúng, trúng, sát thực tế, hợp lòng dân, cùng những đổi mới phương thức lãnh đạo của huyện ủy Mai Sơn trong phát huy vai trò người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, và đặc biệt là khơi dậy khát khao đổi mới và sự đồng thuận cao của nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống: Cách làm mới ở Thái Bình
Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống: Cách làm mới ở Thái Bình

VOV.VN - Những báo cáo viên tự làm mới năng lực, trình độ của mình để chuyển tải nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sinh động, đầy thuyết phục.

Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống: Cách làm mới ở Thái Bình

Đưa Nghị quyết Đảng vào cuộc sống: Cách làm mới ở Thái Bình

VOV.VN - Những báo cáo viên tự làm mới năng lực, trình độ của mình để chuyển tải nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách sinh động, đầy thuyết phục.

Người dân miền Trung kỳ vọng Nghị quyết Đại hội XIII sớm đi vào cuộc sống
Người dân miền Trung kỳ vọng Nghị quyết Đại hội XIII sớm đi vào cuộc sống

VOV.VN - "Chúng ta đều biết, sản xuất phải là gốc. Nghị quyết đặt vấn đề phát triển sản phẩm công nghệ cao là chính xác rồi" - một người dân bày tỏ tâm đắc.

Người dân miền Trung kỳ vọng Nghị quyết Đại hội XIII sớm đi vào cuộc sống

Người dân miền Trung kỳ vọng Nghị quyết Đại hội XIII sớm đi vào cuộc sống

VOV.VN - "Chúng ta đều biết, sản xuất phải là gốc. Nghị quyết đặt vấn đề phát triển sản phẩm công nghệ cao là chính xác rồi" - một người dân bày tỏ tâm đắc.

Nhiều nghị quyết dù tuyên truyền, vận động vẫn khó vào cuộc sống
Nhiều nghị quyết dù tuyên truyền, vận động vẫn khó vào cuộc sống

VOV.VN - Một nghị quyết muốn vào cuộc sống phải được đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, đã kinh qua thực tiễn cuộc sống

Nhiều nghị quyết dù tuyên truyền, vận động vẫn khó vào cuộc sống

Nhiều nghị quyết dù tuyên truyền, vận động vẫn khó vào cuộc sống

VOV.VN - Một nghị quyết muốn vào cuộc sống phải được đáp ứng được đòi hỏi của cuộc sống, đã kinh qua thực tiễn cuộc sống