Người giữ ngọn lửa dân ca Tày, Nùng ở Vân Trình (Cao Bằng)
VOV.VN - Bằng tình yêu văn hóa truyền thống, nhiều năm qua, bà Nông Thị Hoài (người Tày ở xã Vân Trình, huyện Thạch An, Cao Bằng) đã dày công sưu tầm, truyền dạy những khúc dân ca quê hương cho những người tâm huyết với các loại hình văn hóa dân gian ở địa phương.
Đã ngoài 60 tuổi nhưng tiếng hát của bà Nông Thị Hoài vẫn mượt mà, đằm thắm. Tuổi thơ của bà Hoài thấm đẫm những câu sli bay bổng, những điệu lượn slương, những lời then ngọt ngào... từ lời ru của mẹ. Có lẽ bởi vậy mà bà sớm yêu các làn điệu dân ca quê hương và bộc lộ năng khiếu văn nghệ. Khi xã có chủ trương thành lập các câu lạc bộ (CLB) dân ca, dân vũ, bà Hoài là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập CBL Bảo tồn làn điệu dân ca xã Vân Trình. Với cương vị Chủ nhiệm CLB, bà Hoài là nhân tố tích cực tổ chức các buổi truyền dạy, liên hệ thêm những nghệ nhân, giáo viên... đến để hướng dẫn cho thành viên CLB.
“Tôi đam mê về nghệ thuật nhưng phải đến năm 2017 khi các con đã trưởng thành, tôi đam mê quá nên đã gõ cửa từng nhà, gọi từng người một, biết sở thích của họ và cùng tập. Lớp đầu tiên là cô giáo Thu Lành, mọi người đến nhà tôi để tập. Từ đầu CLB rất ít người nhưng dần dần từng đêm đông giá lạnh mọi người vẫn đón nhau đến đây tập. Hiện tại CLB đã hơn 30 thành viên", bà Hoài chia sẻ.
Mỗi tối, căn nhà nhỏ của bà Hoài thường rộn tiếng tính, tiếng phách và những điệu sli, lượn bổng trầm. Nhờ tập hợp được nhiều giọng ca hay, tâm huyết với văn nghệ quần chúng, am hiểu văn hóa địa phương nên Câu lạc bộ Bảo tồn các làn điệu dân ca Vân Trình đã trở thành điểm sáng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị của văn nghệ dân gian trên địa bàn huyện Thạch An và trở thành hạt nhân nòng cốt của xã trong các hội thi văn nghệ các cấp.
Bà Nông Thị Luyến, thành viên CLB Bảo tồn các làn điệu dân ca xã Vân Trình cho rằng việc duy trì và phát triển những câu lạc bộ hát then, đàn tính không chỉ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của loại hình nghệ thuật này mà còn góp phần làm phong phú đời sống văn hóa của người dân địa phương. “Chị Hoài rất nhiệt tình, luôn động viên bảo các cô các chị ơi, bây giờ đã thành lập CLB rồi thì mọi người cùng nhiệt tình, đoàn kết với nhau, cùng nhau đi tập. Tuy rằng mọi người mệt nhưng khi cầm vào đàn thì không thấy mệt nữa rồi”.
Với đồng bào Tày, Nùng thì điệu then tính không chỉ là văn hóa, văn nghệ mà đó còn là nét đẹp trong đời sống tâm linh của bà con, thường được biểu diễn trong các ngày lễ, Tết, chúc thọ... Ngay trên mảnh đất Cao Bằng, hát then cũng chia thành hai vùng đặc trưng là then tính miền Đông và then tính miền Tây. Nếu then tính miền Đông khỏe khắn, mạnh mẽ rộn ràng như những chàng trai tuấn tú, tài ba thì then tính miền Tây của vùng Thạch An lại mềm mại, sâu lắng như thiếu nữ dịu dàng miền sơn cước. Điều mong muốn của bà Hoài, đó là làm sao thế hệ hôm nay không chỉ hiểu là lời ca, tiếng nhạc mà còn phải cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp trong mỗi điệu dân ca.
Di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Điều này với bà Nông Thị Hoài là một niềm vui, một nguồn động lực to lớn để bà tiếp tục cùng CLB thắp lên ngọn lửa đam mê của mình.
Bà Nông Thị Hoài chia sẻ: "Bây giờ cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa người đi đầu như tôi rất khó, thứ nhất về kinh tế, thứ 2 về điều kiện. Một cây đàn từ tám trăm đến 1 triệu đồng, tôi cũng đi mua cho mọi người mượn. Từ những cuộc giao lưu nho nhỏ trong thôn, trong xóm như ngày đoàn kết toàn dân, ngày tổng kết phụ nữ, người cao tuổi…ở đâu có then tính là tôi sẽ luôn có mặt".
Những câu hát, làn điệu then cùng tiếng đàn tính mộc mạc cất lên như hòa quyện, làm sinh động hơn nếp sinh hoạt cộng đồng, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Vậy nhưng để các làn điệu dân ca được trao truyền cho muôn đời sau, cần lắm những người nhiệt huyết và đam mê như bà Nông Thị Hoài cùng những thành viên các CLB bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, để những câu dân ca mãi được ngân dài theo thời gian.