Tên Tây át tên Ta: Sính ngoại hay lai căng ngôn ngữ?
VOV.VN - Tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trên các bảng hiệu, nhà hàng, khu du lịch, chung cư và thậm chí ngay cả nghệ danh nghệ sĩ đang khiến các cơ quan chức năng đau đầu, còn người dân thì hoa mắt chóng mặt. Còn đâu "sự trong sáng của Tiếng Việt"?
Vẫn biết thời hội nhập, trong điều kiện phát triển du lịch, văn hóa, việc có thêm những cái tên, rồi thương hiệu, biển hiệu, bảng chỉ dẫn bằng tiếng nước ngoài là điều cần thiết để người nước ngoài có thể hiểu. Thế nhưng, đang có một trào lưu “tên Tây át tên Ta” ở mọi ngõ ngách, đường phố nước ta. Thậm chí tình trạng này còn len lỏi vào các ca khúc, nghệ danh của nhiều nghệ sĩ… Sự tùy tiện, thiếu ý thức, thiếu hiểu biết, trong nhiều trường hợp đã không phù hợp với hoàn cảnh mà tạo ra một sự phản cảm.
Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh... vốn là nơi "đất lành chim đậu" với rất nhiều tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng là địa danh du lịch nổi tiếng thu hút đông du khách quốc tế. Kéo theo đó là hằng hà sa số các loại bảng hiệu được giăng chi chít, san sát nhau ở mặt tiền của những con đường lớn, nhỏ. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là nhiều bảng hiệu chữ nước ngoài lớn hơn và đặt trên chữ Việt, rồi bảng hiệu chỉ có toàn tiếng nước ngoài hoặc bảng hiệu ghi thêm tiếng nước ngoài không cần thiết hoặc không đúng với giấy phép đăng ký kinh doanh... Chẳng hạn có những nhà hàng, cửa hiệu ở khu người Nhật, Hàn chỉ ghi tiếng Nhật, Hàn từ bảng tên cho đến thực đơn hoặc nội dung các món hàng…
Ngoài lý do tập trung vào đối tượng khách nước ngoài thì việc để tiếng nước ngoài trên bảng hiệu, bảng quảng cáo, thực đơn... các chữ như: boutique, sale off, store, fashion... dù không thiếu nghĩa trong tiếng Việt nhưng vẫn được sử dụng độc lập và gần như thay thế hẳn tiếng Việt ở rất nhiều nơi cũng được các chủ kinh doanh xem là một xu hướng của việc… hội nhập quốc tế; và như thế mới là sành điệu, là thời thượng. Thậm chí để chạy theo ngôn ngữ mới của giới trẻ, nhiều cửa hàng thời trang còn đề bảng giá kiểu: “T-shirt: 120K” (nghĩa là áo thun giá 120.000 đồng).
Theo Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, quá trình hội nhập và phát triển tất yếu sẽ kéo theo sự tiếp xúc, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa, trong đó có ngôn ngữ. Đây cũng là hiện tượng mang tính phổ biến mà Việt Nam chúng ta cũng không phải và không thể là trường hợp ngoại lệ. Mặt tích cực là đã góp phần làm phong phú thêm cho kho từ vựng của ngôn ngữ dân tộc, đặc biệt là những thuật ngữ mới trong các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật; làm đa dạng hơn các hình thức giao tiếp, và về phương diện nào đó, nó giúp chúng ta có điều kiện tiếp cận nhanh với những nền văn hóa và văn minh phát triển hơn.
Tuy nhiên, nó cũng có thể gây nên những tác động tiêu cực, đó là sự xô bồ, lai căng, thậm chí chủ nhân văn hóa còn quay lưng lại với văn hóa truyền thống nếu chủ thể tiếp nhận chưa có được sự chuẩn bị đầy đủ khả năng lựa chọn; về ngôn ngữ nói riêng, những biểu hiện trong cách nói, cách viết “khác lạ” đã làm mất đi bản sắc vốn có của tiếng Việt.
Điều 18 Luật Quảng cáo quy định, trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt (trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt). Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Thế nhưng tình trạng vi phạm các quy định này vẫn xuất hiện tràn lan, không chỉ ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà trên toàn quốc.
Làn sóng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam kéo theo những con phố Tây, phố Tàu, phố Nga, phố Hàn… tại nhiều đô thị lớn với nhiều loại dịch vụ, để rồi nhan nhản những cửa hàng, công ty… dùng biển hiệu bằng tiếng nước ngoài, kể cả các cửa hàng thời trang hay cắt tóc… Đáng buồn thay khi những con phố Việt tràn ngập tiếng nước ngoài.
Tình trạng này nếu không sớm khắc phục sẽ tạo thành “thói quen ngôn ngữ” có hại, nhất là tư duy sẽ mất đi sự rõ ràng, chính xác khi diễn đạt. Đã đến lúc, chúng ta phải thật sự nghiêm khắc tự nhìn lại và chấn chỉnh, để gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt, bảo tồn văn hóa của dân tộc.
"Ở đây, câu chuyện lạm dụng ngoại ngữ đã không còn nằm ở phía người dân nữa mà nằm ở góc độ quản lý. Rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần phải thực sự nghiêm túc trong việc quản lý xã hội. Phải có một chế tài hợp lý và đủ mạnh, bên cạnh đó cũng phải thường xuyên kiểm soát và điều chỉnh nếu có điều gì thái quá, làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Việt Nam" - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.
Luật đã quy định rõ ràng, mức xử phạt đã có, không ít các cơ sở kinh doanh cũng đã nộp phạt và tiến hành sửa đổi biển hiệu theo yêu cầu. Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm là tình trạng này bao giờ mới chấm dứt? Bản sắc Việt, sự trong sáng của tiếng Việt đến khi nào mới được coi trọng, gìn giữ?
Có lẽ, việc tuyên truyền không thôi là chưa đủ, các cấp chính quyền cần tăng trách nhiệm giám sát, đừng để thành “chuyện đã rồi”, hoặc chờ sai phạm diễn ra rồi mới tiến hành kiểm tra, xử lý./.