Cuộc đời của chú lính chì Thiện Nhân được viết thành sách
VOV.VN - “Không cha, không mẹ, không tên, một đứa bé vô danh", là những trang viết đau đáu được nhà báo Trần Mai Anh viết về Thiện Nhân.
Buổi ra mắt cuốn sách "Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân" đã được tổ chức trong không khí ấm áp và tràn đầy xúc động vào trưa 15/6 tại Hà Nội.
Cuốn sách "Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân" là những dòng hồi ký chân thực và xúc động của nhà báo Trần Mai Anh. Ảnh: NXB Kim Đồng |
Trong hơn 10 năm qua, câu chuyện về bé Thiện Nhân - cậu bé bị bỏ lại trong vườn chuối với nhiều vết thương trên mình và hành trình cùng mẹ Mai Anh, đã nhiều lần được nhắc đến trên truyền thông.
Nhưng đằng sau những bài phản ánh ngắn trên báo chí là cả một quãng đường dài với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Nỗi đau, niềm hy vọng, sự mệt mỏi và cả những giây phút hạnh phúc – nhà báo Trần Mai Anh trong nhiều năm qua đã ghi nhật ký về hành trình của Thiện Nhân. Lần đầu tiên, những dòng viết này được tuyển tập thành một cuốn sách.
Theo nhà báo Mai Anh, “Hành trình yêu thương - Nhật ký Thiện Nhân” không hề được viết ra để trở thành một xuất bản phẩm. Nó chỉ là những ghi chép đời thường của mẹ Mai Anh và bà ngoại Kim Anh. Trong số đó, có những chi tiết quan trọng trong cuộc điều trị của Thiện Nhân - đứa bé mang số phận đặc biệt. Nhưng phần lớn là những dòng viết bình dị của một người mẹ như bao người mẹ đang nuôi con khác.
Khi nhà báo Trần Mai Anh đồng ý để NXB Kim Đồng xuất bản nhật ký nuôi con của mình, mục đích của chị cũng như nhiều người mẹ khác, đầu tiên, là một niềm tự hào giản dị về quá trình nuôi dưỡng một đứa trẻ. Mỗi phần đời của một người mẹ là điều luôn có thể tạo cảm hứng cho bất kỳ ai đang đủ yêu thương.
Đặc biệt, sự trưởng thành của Thiện Nhân không thể tách rời cuộc điều trị gian nan mà "chú lính chì" và mẹ Mai Anh đã cùng trải qua. Trong sách, có thể bắt gặp những khoảnh khắc đặc biệt như khi mẹ Mai Anh trong đau đớn mô tả về đứa trẻ “không cha, không mẹ, không tên, một đứa bé vô danh, một thằng cụt”, cho đến khi Nhân trải qua ca phẫu thuật để có thể tự đi tiểu tiện lần đầu tiên.
Chia sẻ về những điều này, mong muốn của nhà báo Trần mai Anh, không phải sự xót thương riêng dành cho con mình. Trong nhiều năm qua, sau hành trình chữa trị cho Thiện Nhân, chị đã khoác lên mình một sứ mệnh với những trẻ em chịu khuyết tật cơ quan sinh dục. Nhận thức của xã hội, sự giúp đỡ cảm thông của đại chúng về dạng khuyết tật này, cho đến nay, chưa đầy đủ.
Nhà báo Trần Mai Anh. Ảnh: Báo Phụ nữ TPHCM |
"Cuốn sách này, dù là nhật ký của tôi về Thiện Nhân, nhưng tôi tin nó sẽ gợi ra suy nghĩ về nhiều đứa trẻ khác. Ngoài kia vẫn còn những đứa trẻ kém may mắn hơn cả Nhân", nhà báo Trần Mai Anh chia sẻ.
Tác giả Trần Mai Anh sinh năm 1973, hiện là Trưởng ban Biên tập Tạp chí Heritage. Hiện nay, nhà báo Trần Mai Anh và các đồng sự đang cùng điều hành chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" - thuộc Quỹ Phòng chống thương vong Châu Á - khám, tư vấn và phẫu thuật miễn phí cho trẻ em không may khiếm khuyết bộ phận sinh dục. Toàn bộ lợi nhuận của cuốn sách sẽ được ủng hộ cho chương trình này.
Trong tháng 6/2017, chương trình "Thiện Nhân và những người bạn" có nhiều hoạt động ý nghĩa, nổi bật là các hoạt động tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội), bao gồm Hội thảo khoa học chuyên đề Phẫu thuật tái tạo bộ phận sinh dục vào chiều 23/6, khám sàng lọc 24/6, phẫu thuật từ 26 đến 30/6. Ngoài ra, chương trình còn diễn ra tại Bệnh viện Phụ sản Đà Nẵng (từ 1 đến 4/7), Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP Hồ Chí Minh (từ 5 đến 7/7). Các bác sĩ tham gia kỳ phẫu thuật này gồm Roberto DeCastro, Emillio Merlini, Vincenzo Domenichelli (đều đến từ Italia)./.