Tưởng niệm "người đi đổi gió" - nhà thơ Trần Huyền Trân
VOV.VN - Khác với phong trào Thơ mới, nhà thơ Trần Huyền Trân
đã thể hiện những trăn trở, băn khoăn trước thời cuộc bằng lời thơ gân guốc.
đã thể hiện những trăn trở, băn khoăn trước thời cuộc bằng lời thơ gân guốc.
Khác với nhiều thi sĩ theo đuổi đến tận cùng thi nghiệp của mình, trong 76 năm cuộc đời, Trần Huyền Trân chỉ dành cho thơ quãng thời gian ngắn từ 1939-1946. Tuy nhiên, theo nhận định của nhà phê bình Hoài Thanh, thơ Trần Huyền Trân “ít nói yêu đương” và mang tâm hồn của người “đi đổi gió”.
Thông qua các tập “Rau Tần” (1986); “Thơ mới 1932-1945”, tập truyện ngắn “Chim lồng”, “Bài thơ trong chiếc chiến bào”, “Lẽ sống”… Trần Huyền Trân đã thể hiện những trăn trở, băn khoăn trước thời cuộc với giọng thơ gân guốc, nhiều dự cảm.
Nhà thơ Trần Huyền Trân (Ảnh tư liệu) |
Nhà thơ Vũ Quần Phương cho biết: “Những nhà thơ thuộc phong trào Thơ mới viết bằng tình cảm lãng mạn, say đắm. Nhưng, Trần Huyền Trân lại đánh thức người ta dậy và tỏa chất men chiến đấu, không hài lòng với cuộc sống hiện tại và đòi hỏi một sự đổi thay”.
Trần Huyền Trân không chỉ được biết đến với vai trò là một nhà thơ. Sau năm 1954 ông dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực sân khấu. Cùng với những nghệ sĩ như Lộng Chương, Lưu Quang Thuận, Nguyễn Đình Hàm, đã dày công sưu tầm, chỉnh lý những tích chèo cổ như Quan âm Thị Kính, Vân dại (Xúy Vân giả dại), Trương Viên. Đồng thời, ông cũng là tác giả của những kịch bản chèo nổi tiếng như: Thạch Sanh, Tú Uyên - Giáng Kiều, Ni cô Đàm Vân, Bến sông Như Nguyệt…
Thắp hương tưởng niệm nhà thơ Trần Huyền Trân |
PGS.TS Lưu Khánh Thơ - con gái nhà viết kịch Lưu Quang Thuận cho biết, đối với lớp nghệ sĩ sân khấu ngày nay, ông không chỉ là người tiền nhiệm mà còn là một nghệ sĩ mẫu mực, tận tụy với nghệ thuật truyền thống dân tộc
“Ông có nhiều vai trò với rất nhiều tư cách. Thứ nhất là về kịch bản, ông là người chỉnh lý, khôi phục và sưu tầm lại hàng loạt tích chèo cổ lưu truyền tản mát trong nhân dân. Không chỉ ghi chép đơn thuần, với vốn liếng của mình ông đã bổ sung, gọt dũa. Tôi nhớ như bản “Lưu Bình Dương Lễ” có 5-6 bản. Ông còn có vai trò làm đạo diễn (sân khấu), đào tạo, bồi dưỡng, truyền nghề cho đội ngũ diễn viên.” - PGS. TS Lưu Khánh Thơ nhớ lại.
Với những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn học và sân khấu, nhà thơ, nhà viết kịch Trần Huyền Trân đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007./.