Vĩnh biệt nhà văn "huyền ảo" vĩ đại Marquez
Ông đã mất, giữa tháng 4 này, ở tuổi 87. Nhớ tới ông, trước hết là nhớ một nhà văn đã làm vinh quang cho đất nước mình.
Colombia nghèo đói, ma túy trên các bản tin thời sự quốc tế, vụt cái được nhắc nhớ trân trọng bởi tên một nhà văn là Gabriel Garcia Maquez được trao giải Nobel văn chương năm 1982.
Tác phẩm chính tạo nên tên tuổi và đưa lại giải thưởng cho ông - cuốn tiểu thuyết mang tên Trăm năm cô đơn - cũng là tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học bùng nổ vào những năm 1960, 1970 có tên gọi "chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin". Nhớ tới ông, như vậy, là nhớ tới một chủ nghĩa hiện thực rất đặc trưng đó, cái đã mang lại cho văn học thế giới một sắc màu, khí vị rất riêng, mà sau ông còn có Mario Vargas Llosa, nhà văn Peru, được trao giải Nobel văn chương năm 2010.
Nhà văn Marquez, tác giả của "Trăm năm cô đơn". (ảnh: EPA) |
Nhớ tới ông, người đọc Việt Nam còn nhớ tới dịch giả Nguyễn Trung Ðức (1942-2001) - người có thể gọi là nhà "Marquez học" - khi một mình ông đã chuyển ngữ hầu hết tác phẩm chính yếu của Marquez sang tiếng Việt, đã viết nhiều bài nghiên cứu về ông, đã tự nguyện coi việc dịch thuật của mình là làm "con khỉ của nhà văn" như ông đã gọi, để đưa đến cho độc giả và văn giới Việt Nam một G. Marquez phong phú đầy đủ.
Còn nhớ khi các tác phẩm của ông sau Trăm năm cô đơn là Tình yêu thời thổ tả, Ngài đại tá chờ thư, Tướng quân giữa mê hồn trận, Giờ xấu, Mùa thu của trưởng lão, Tin tức về một vụ bắt cóc, Ký sự về cái chết được báo trước, Người chết trôi đẹp nhất trần gian... liên tiếp được dịch và in ra cuối thế kỷ 20, cho đến mãi đầu thế kỷ 21, cuốn Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, cuốn hồi ký Sống để kể lại của ông vẫn được dịch và in kịp thời, đã đem lại những cảm giác ngạc nhiên thích thú cho bạn đọc bạn viết Việt Nam. Thích vì được tiếp xúc một thực tế khác lạ của một xứ sở ngoài mình. Thích vì một lối viết khác lạ đến khó tin, đến như không thực, nhưng lại thuyết phục người đọc tin rất thật vào điều nhà văn mô tả. Thích vì sức lay động, gợi mở của một cách nhìn văn chương đối với cuộc sống và con người.
Có thể nói Marquez đã làm thay đổi cả tư duy văn chương của nhiều nhà văn Việt Nam, ít nhất là ở chỗ giúp họ hiểu ra rằng viết văn không chỉ có một lối, không chỉ là hiện thực đơn thuần. Nhớ tới ông vì vậy còn là ở những phát ngôn đáng nhớ, như câu này: "Trong nghề văn khiêm tốn là một đức tính thừa". Bởi vì, cũng lời ông nói, "nếu anh có ý định viết một cách khiêm tốn thì chỉ là nhà văn hạng khiêm tốn mà thôi"./.