Biến sức mạnh đại đoàn kết thành nội lực phát triển đất nước
VOV.VN -Để biến sức mạnh đại đoàn kết thành nội lực phát triển đất nước, trước hết chúng ta phải coi trọng việc thực hiện dân chủ.
Đoàn kết là một trong những mục tiêu cao cả nhất, thiêng liêng nhất, đồng thời cũng là phương châm hành động, là kinh nghiệm quý báu mà các thế hệ người Việt Nam đã dày công vun đắp trong hàng nghìn năm phát triển của đất nước. Tiếp nối và phát huy truyền thống này, trong chặng đường phát triển 84 năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trở thành một địa chỉ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Làm thế nào để biến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thành nội lực phát triển đất nước? Đây là yêu cầu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết về bài học đại đoàn kết dân tộc: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công". Người cũng nói về hiệu quả của đại đoàn kết toàn dân một cách giản dị và dễ hiểu: "Dễ trăm phần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Bác Hồ cũng là người nêu tấm gương sáng trong việc phát huy đoàn kết trong Đảng, trong nhân dân, đoàn kết giữa Việt Nam và các dân tộc trên thế giới.
Để biến sức mạnh đại đoàn kết thành nội lực phát triển đất nước, trước hết chúng ta phải coi trọng việc thực hiện dân chủ. Đây chính là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân, là cái gốc để "cây đại đoàn kết" phát triển vững chãi. Việc thực hành dân chủ sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với chính quyền, với cán bộ. Cán bộ, đảng viên phải làm những việc tốt, làm gương cho dân để dân làm theo và nói cho dân hiểu để dân làm theo.
Việc thực hành dân chủ phải được hình thành và xác lập qua hai chiều. Chiều thứ nhất, chính quyền phải hiểu mình là của dân, do dân và vì dân, tức là đảm bảo quyền tự do dân chủ của dân. Chiều thứ hai là người dân phải hiểu rằng cuộc đấu tranh để để bảo vệ dân chủ là để góp phần củng cố chính quyền, địa phương. Chúng ta không bao che cho kẻ xấu, dù kẻ xấu có chức, có quyền. Thái độ trách nhiệm cao nhất của người dân là bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bảo vệ chính quyền, bảo vệ an ninh chính trị của đất nước.
Cùng với việc tập hợp và đoàn kết toàn dân, muốn có nền dân chủ thực sự thì chính quyền cần phải xây dựng và củng cố các tổ chức xã hội; cung cấp thông tin nhanh chóng và trung thực cho dân; bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho dân.
Đảng ta đã xác định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất 18/11 hằng năm đã trở thành “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” ở các khu dân cư trên mọi miền Tổ quốc.
Để góp sức biến sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thành nội lực phát triển đất nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam rất quan trọng. Như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 8 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tháng 9 vừa qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở, thật thiết thực, hiệu quả, tránh hành chính hóa.
Các phong trào cần chú ý đáp ứng đúng những nguyện vọng và lợi ích chính đáng của dân, giải quyết những vấn đề sát sườn với dân; đoàn kết, tập hợp nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia xây dựng, giám sát, bảo vệ Đảng và Nhà nước; tham gia quản lý xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Chính sách đại đoàn kết cần phải bắt đầu từ những việc cụ thể, những hành động thiết thực. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần phải chung tay cùng chính quyền các cấp để nêu ra những mục tiêu rõ ràng, những chương trình phù hợp để tập hợp trí và lực của người Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. Việc phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc sẽ góp phần tạo nội lực mạnh mẽ hơn cho Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế./.