Chống tham nhũng - mệnh lệnh của nhân dân
VOV.VN-Người dân cả nước hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào thái độ quyết liệt của Đảng và Chính phủ trong đấu tranh với tệ nạn tham nhũng.
Sau một năm thành lập, lần đầu tiên một hội nghị trên qui mô toàn quốc về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được triệu tập. Sự tham gia đầy đủ các thành viên của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, Ban Nội chính các địa phương, lãnh đạo cáp ủy các cơ quan trực thuộc Trung ương đã cho thấy, đấu tranh phòng chống tham nhũng là một công việc hệ trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ, là mệnh lệnh của lòng dân.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đã công khai trước cử tri và công luận rằng “tham nhũng vẫn là vấn đề rất bức xúc, nhức nhối trong xã hội”. Công nhận một thực trạng đáng lo ngại của đất nước là cách mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã chọn để nung nấu tinh thần quyết tâm cho trận chiến không khoan nhượng đối với giặc nội xâm, mà việc đầu tiên là mạnh dạn thay đổi bộ máy cơ quan phòng chống tham nhũng, tái lập Ban Nội chính từ Trung ương đến cơ sở, kiện toàn cơ chế, chính sách, con người cho nhiệm vụ hết sức cam go này. Người dân cả nước hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng vào thái độ quyết liệt của Đảng và Chính phủ trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng lãng phí.
Một năm qua, dẫu chưa thể đưa ra ánh sáng tất cả bầy sâu tham nhũng như cách nói của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tiếp xúc cử tri ở TP HCM, nhưng công tác chống tham nhũng cũng đã đạt được những kết quả bước đầu, khi một số con sâu lớn đã được lôi ra trước vành móng ngựa. Số liệu của Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, trong năm 2013, Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ với 584 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Trong đó, có những con sâu lớn ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, siêu lừa Huyền Như, và mới đây là vụ Bầu Kiên lần lượt bị đưa ra xét xử. Những bản án nghiêm khắc với khung hình phạt cao nhất dành cho các bị cáo đã phần nào lấy lại lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh làm trong sạch bộ máy, giữ gìn những đồng tiền quý báu dành cho sự phát triển của quốc gia.
Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế rằng, công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều ấy không chỉ Tổng Bí thư – Trưởng Ban chỉ đạo mà các thành viên của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, lãnh đạo cấp ủy, Ban Nội chính các địa phương đều nhận ra. Vì vậy, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, Hôi nghị phòng chống tham nhũng toàn quốc năm 2014 được đồng bào và cử tri cả nước kỳ vọng sẽ tạo được sức bật mới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân vào cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương IV.
Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây tại quận Ba Đình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Chống tham nhũng lãng phí phải biết lấy phòng ngừa là chính. Nhưng một khi tham nhũng đã xảy ra thì nghiêm trị bằng pháp luật mới là liều thuốc đặc trị đối với loại tội phạm này.
Hãy công phá một cách mạnh mẽ vào “tường thành của tham nhũng”, lôi cho được những ''con sâu” ra trước vành móng ngựa, nghiêm trị chúng bằng nhưng bản án đích đáng để làm an lòng dân. Đó không chỉ là sự kỳ vọng, mà là mệnh lệnh của nhân dân!./.