Để ngày khai trường không mang nỗi ám ảnh lạm thu
VOV.VN -Người dân đang trông chờ những hành động cụ thể của cơ quan quản lý nhằm chấn chỉnh tình trạng thu tiền tùy tiện trong trường học.
Như vậy là một Năm học mới vừa chính thức bắt đầu. Những ngày này, niềm vui nhìn con trẻ tung tăng cắp sách đến trường, không ít phụ huynh vẫn luôn canh cánh nỗi lo về các khoản thu đầu năm học - những khoản thu vượt quá khả năng của nhiều gia đình nhưng luôn có vẻ hợp lý trên danh nghĩa “tự nguyện”. Cần làm gì để vơi đi nỗi lo lạm thu cho phụ huynh, để những đứa trẻ dù xuất thân trong những gia đình khó khăn nhất cũng được vui vẻ đến trường.
Những ngày này, hầu như trên khắp các diễn đàn, đâu đâu người ta cũng nhắc tới chuyện “lạm thu” trong trường học. Lạm thu đã trở thành nỗi lo của không ít phụ huynh. Nhiều người không giấu được bức xúc trước những khoản tiền phải nộp đầu năm học. Không chỉ là học phí, tiền quỹ trường, quỹ lớp, tiền bảo hiểm, tiền mua đồng phục... mà nhiều trường còn có thêm tiền mua nước uống, tiền hỗ trợ học tập, phí bảo vệ, phí giáo viên dạy thể dục, quỹ vệ sinh, quỹ hoạt động thanh niên, quỹ chữ thập đỏ, hỗ trợ thư viện, hỗ trợ cơ sở vật chất và cả lương cho…giám thị, rồi tiền gửi xe, tiền bảo dưỡng máy điều hòa, tiền quản lý sổ liên lạc điện tử. Có trường còn có sáng kiến vận động phụ huynh góp tiền xây sân bóng rổ, mua máy chiếu, nâng cấp hệ thống máy tính, trồng cây xanh…
Tóm lại là rất nhiều khoản tiền phải nộp, mà khoản nào cũng cao hơn năm trước, khoản nào nghe cũng có lý. Nên dù có hiểu lờ mờ việc đóng góp hoặc mục đích sử dụng các khoản thu thì cũng chẳng mấy ai thắc mắc.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trong một lần trả lời báo chí xung quanh nạn lạm thu trong trường học, đã phải thừa nhận rằng: “Có nhiều người, với tư cách công dân thì phản ứng, nhưng với tư cách phụ huynh lại tiếp tay cho việc nộp tiền”. Đúng là có nhiều phụ huynh biết rõ những khoản thu vô lý, nhưng vẫn phải bấm bụng nộp tiền, tiếp tay cho nạn lạm thu ở trường học có đất sống. Nhưng thử hỏi có ai không nộp trong hoàn cảnh ấy. Nhất là khi việc lạm thu được che đậy với danh nghĩa “tự nguyện”. Thật chua xót khi nghe một bà mẹ có con học Tiểu học thổ lộ: “ Đóng tiền theo quy định của nhà trường thì ngậm ngùi, uất ức lắm, mà không đóng thì sợ con mình thiệt thòi, bị dìm trong quá trình học”.
Để cho phụ huynh không dám nói thẳng với nhà trường vì sợ ảnh hưởng đến con cái là sự đánh mất quá lớn hình ảnh tốt đẹp của thầy cô giáo và nhà trường đối với phụ huynh và dư luận xã hội. Để cho hình ảnh đáng kính của người thầy bị đánh mất vì những khoản lạm thu của nhà trường, đó là trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc kiểm tra giám sát việc thực hiện của cấp dưới.
Năm học mới với bao kỳ vọng về những thay đổi lớn. Song chớ quên những điều băn khoăn nho nhỏ. Bởi điều nho nhỏ ấy lại là biểu hiện của một chuyện rất lớn lao. Đó là việc thực hiện kỷ cương phép nước trong ngành giáo dục. Không chỉ dừng lại ở những công văn chỉ đạo, những đoàn kiểm tra chiếu lệ đầu năm học, hay lời hứa về những cuộc điện thoại của phụ huynh vào một số điện thoại nóng nào đó, người dân đang trông chờ những hành động cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương nhằm chấn chỉnh tình trạng thu tiền tùy tiện trong trường học, để ngày khai trường không còn mang nỗi ám ảnh lạm thu!./.