Đừng chủ quan với nguy cơ cháy nổ dịp giáp Tết Nguyên đán!
VOV.VN -Những vụ cháy nổ ngày càng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây là tiếng chuông cảnh báo quản lý Nhà nước về an toàn cháy nổ.
Những ngày này, bên cạnh sự gia tăng đột biến số vụ tai nạn giao thông do nhu cầu đi lại trong các ngày nghỉ lễ thì việc liên tiếp xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn ở khắp các địa phương, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của người dân và doanh nghiệp cũng đang gióng lên những hồi chuông báo động về những nguy cơ đe dọa sự an toàn cuộc sống con người. Thực trạng này đòi hỏi mọi người, mọi ngành, các cấp chính quyền và xã hội phải hết sức nâng cao cảnh giác với hỏa hoạn, đặc biệt là thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, khi nhu cầu điện, nhiệt cho sản xuất và hoạt động buôn bán, cúng lễ của doanh nghiệp và người dân tăng cao.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước xảy ra khoảng 2.500 vụ cháy nổ, làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại gần 1.000 tỷ đồng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Những con số biết nói về hậu quả nghiêm trọng mà hỏa hoạn gây ra cho cuộc sống con người khiến bất cứ ai, nghe cũng giật mình, xót xa và cả bất bình!
Người xưa thường nói “nhất thủy, nhì hỏa” và gọi thủy, hỏa là “giặc” để nói về những tai họa do nước, lửa gây ra đối với con người và nhắc nhở mọi người không được chủ quan với hai loại “giặc” này. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chung quy vẫn là do chủ quan của người dân và ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống cháy nổ của doanh nghiệp còn kém. Thống kê tại Hà Nội cho thấy, có đến 57% vụ cháy xảy ra ở khu vực nội thành và cháy ở nhà dân chiếm tới 44% số vụ. Vì tiền, họ coi thường tính mạng con người. Hành động ấy cần coi là một tội ác!
Từ vụ cháy nhà xưởng ở Tân Dân (An Lão, Hải Phòng) mấy năm trước làm chết 13 người đến vụ cháy nổ tại phân xưởng sản xuất pháo hoa của Nhà máy Z121 ở Thanh Ba, Phú Thọ năm 2013 làm chết 26 người, bị thương 68 người, 1300 gia đình có tài sản bị thiệt hại; Rồi vụ cháy Trung tâm thương mại Hải Dương cũng trong năm 2014 tuy không thiệt hại về người nhưng tài sản thiệt hại ước khoảng 500 tỷ đồng. Từ hàng loạt vụ cháy vũ trường, quán bar, karaoke xảy ra thời gian qua tại Hà Nội và TP HCM đến vụ cháy nhà một thợ may ở Hải Phòng đêm 28/12/2014 mới đây, vụ nào cũng chết người, có vụ chết từ 5 đến 7 người. Đã cháy là cháy rụi. Tài sản chắt chiu gây dựng bao năm chỉ trong chốc lát đều biến thành tro bụi. Nhưng tính mạng con người còn đáng quý hơn nhiều. Những thiệt hại to lớn do hỏa hoạn gây ra là không thể bù đắp.
Những vụ cháy nổ ngày càng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra là tiếng chuông cảnh báo quản lý Nhà nước về an toàn cháy nổ. Đặc biệt là khi Luật Phòng cháy, chữa cháy hơn 10 năm qua quy định rõ ràng: “Phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân”. Thế nhưng, nhiều người vẫn còn thờ ơ, xem việc phòng chống cháy nổ như là “việc của thiên hạ!”.
Cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở đâu. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi gia đình và các tổ chức hãy thực hiện đúng lời khuyên chí lý của cha ông: “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng lửa, điện và nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao. Tại các chợ, lượng người tham gia mua bán rất lớn, việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã phục vụ sinh hoạt trong dịp Tết tại các gia đình là những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ xảy ra.
Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cần quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt với những chung cư, trung tâm thương mại, nơi tập trung đông dân cư. Nghiêm khắc xử lý sai phạm về an toàn phòng cháy chữa cháy từ khi xây dựng và trong quá trình hoạt động. Và trên hết là cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy để người dân không chủ quan, lơ là, có ý thức phòng cháy nổ từ những việc làm nhỏ nhất trong gia đình. Bởi một tàn lửa có thể thiêu cháy cả khu rừng rộng lớn. Đừng chủ quan, coi thường “bà hỏa” và đừng bao giờ để “mất bò rồi mới lo làm chuồng”!./.