Hành động vì trẻ em: Hãy bằng những việc làm cụ thể
(VOV) -Trẻ em có quyền được vui chơi an toàn và được giáo dục kỹ năng sống tốt hơn…
Năm nào cũng vậy, đến hẹn lại lên, vào dịp tháng 5, cả nước lại rầm rộ các hoạt động tổ chức “Tháng Hành động vì trẻ em”. Các lễ phát động Tháng Hành động của quốc gia, của từng tỉnh, thành phố với rất nhiều mục tiêu phấn đấu, song hết tháng Sáu- tháng cao điểm, mọi hoạt động dường như lại “xẹp” xuống.
Cứ đến đầu Hè, dư luận xã hội lại dấy lên câu hỏi về sân chơi cho trẻ. Nhưng rồi, ở thành phố thì không có địa điểm, ở nông thôn thì không có cơ sở vật chất. Theo thống kê, nước ta có khoảng 23,6 triệu trẻ em, chiếm khoảng 27,5% dân số. Số trẻ em thì tăng hàng năm theo cấp số nhân, nhưng số lượng địa điểm sân chơi cho trẻ thì vẫn ỳ trệ. Nếu năm 2005, hệ thống nhà văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện là 304, thì đến năm 2008 con số này mới tăng lên 307. Hiện cả nước mới có khoảng 148 điểm vui chơi cấp tỉnh, hơn 770 điểm vui chơi cấp huyện, khoảng 4.200 điểm vui chơi cấp xã, phường. Chưa kể, cơ sở vật chất, thiết bị ở nhiều nơi quá cũ kỹ, lạc hậu, không còn hấp dẫn trẻ.
Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2011-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 45% xã, phường có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 40% huyện và 100% tỉnh có nhà văn hóa thiếu nhi; quy hoạch mạng lưới các trung tâm vui chơi, giải trí, các nhà thiếu nhi cấp tỉnh và cấp huyện, điểm vui chơi giải trí cấp xã hoặc liên xã dành cho trẻ em. Những con số của mục tiêu này quả là có lấp lánh, song thiết nghĩ, trẻ em cần hơn những việc làm cụ thể.
Trong vài tháng trở lại đây, báo chí đưa nhiều tin, bài về những cái chết thương tâm của trẻ em khi bị đuối nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, trên cả nước liên tiếp xảy ra 19 vụ đuối nước, làm 42 học sinh thiệt mạng. Ngay trên địa bàn thủ đô Hà Nội, có đến 20 trường hợp trẻ em từ 3 đến 14 tuổi bị tử vong do đuối nước. Người mất thì đau lòng, mà xét đến nguyên nhân thì thương tâm. Nhưng tựu trung thì có thể xét đến 2 yếu tố: thiếu chỗ vui chơi an toàn và thiếu kỹ năng sống.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ký công ước về quyền trẻ em. Mà quyền trẻ em là quyền được vui chơi, giải trí một cách lành mạnh, an toàn. Ấy vậy, nhưng các trẻ này thì toàn ra sông tắm, ra vũng nước thiên nhiên hoặc nhân tạo để bơi. Câu chuyện em học sinh lớp 12 Nguyễn Văn Nam của trường THPT Đô Lương 1 (Nghệ An), đã bị chết đuối chiều 1/5, sau khi dũng cảm cứu được 4 bạn nhỏ khỏi dòng nước xiết, vẫn làm lay động tâm can bao người. Em Nam đã được Chủ tịch nước viết thư thăm gia đình và truy tặng Huân chương dũng cảm. Song câu chuyện về em vẫn được nhớ tới với lời “Giá như…”
Giá như các em nhỏ kia có chỗ vui chơi an toàn, giá như các em được học bơi, giá như các em có kỹ năng sống và cứu người tốt hơn…
Một đồng nghiệp của tôi ở Đà Nẵng cho biết kinh nghiệm đáng quý ở thành phố này. Đà Nẵng hiện có 100 trường tiểu học với hơn 65.000 học sinh. Năm 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố phối hợp với Hiệp hội cứu hộ Hoàng gia Australia tiến hành lắp đặt 13 bể bơi di động tại 11 trường tiểu học trên toàn thành phố. Mỗi bể bơi dạy cho học sinh từ 5 trường tiểu học trở lên. Tham gia khóa học, các em được hướng dẫn 20 bài học cơ bản về các kỹ năng bơi an toàn nhằm tránh nguy cơ đuối nước cho bản thân, biết cách cứu đuối trong trường hợp người khác bị nạn…
Thế đó, thay vì các lễ phát động rầm rộ hay những mục tiêu xa vời, chúng ta hãy Hành động vì trẻ em bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, mà câu chuyện ở Đà Nẵng là một ví dụ./.