Khởi tố chủ quán phở Xin chào, cá chết hàng loạt: Ai lo nhất?
VOV.VN - Cá chết trắng biển miền Trung và chủ quán phở Xin chào bị khởi tố là hai câu chuyện khác biệt nhưng lại đang gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội.
Cuộc sống của người dân có hai thứ quan trọng nhất là Môi trường sống (đất, nước, không khí) và Môi trường xã hội, trong đó có các qui định pháp luật điều chỉnh các hành vi của người dân. Hiện tại, hai yếu tố này theo cảm nhận của nhiều người dân đang “rất có vấn đề”. Cụ thể, môi trường sống thì bị ô nhiễm nghiêm trọng; còn môi trường xã hội thì tồn tại nhiều tiêu cực, yếu kém, nhiễu nhương gây bức xúc.
Bàn về môi trường xã hội: Sau vụ việc khởi tố hình sự chủ quán phở Xin chào vì chậm đăng ký kinh doanh, những tưởng trường hợp này đã là hy hữu, nhưng chưa hết. Vẫn còn tiếp vụ việc ông Nguyễn Văn Bỉ bị khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm các quy định về quản lý nhà ở” vì... dựng chòi nuôi vịt. Kết luận của CQĐT huyện Bình Chánh ghi rõ, ông Bỉ đã bị UBND H.Bình Chánh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tái phạm, hành vi của ông Bỉ là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến tình hình trật tự quản lý đô thị, phá vỡ quy hoạch tổng thể chung của địa phương gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an tại địa phương nên cần phải đưa ra xét xử trước pháp luật để răn đe giáo dục chung.
Sống trong xã hội được điều chỉnh bằng hiến pháp và pháp luật, quyền và nghĩa vụ của người dân được tôn trọng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, thực tế thì sao? Câu chuyện về vụ khởi tố hình sự chủ quán phở Xin chào và người dựng lều vịt ở Bình Chánh (TP HCM) cho thấy luật pháp đang bị lợi dụng để thỏa mãn một mục đích cá nhân hoặc nhóm lợi ích nào đó?! Chính vì thế, việc áp dụng luật pháp đang bị méo mó, khiến người dân, doanh nghiệp mất lòng tin và có cái nhìn không thiện cảm với chính quyền, với cơ quan hành pháp và tư pháp.
Người dân bị “hành” từ những thủ tục hành chính nhỏ nhất cho đến các vấn đề liên quan đến sinh kế, mạng sống của mình. Nếu luật pháp chỉ nghiêm với dân mà không nghiêm với những kẻ thừa hành quyền lực của Nhà nước để thực thi nhiệm vụ thì tình trạng lạm quyền, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân của cán bộ, công chức sẽ không giảm. Điều này cũng đã được nhìn nhận một cách khoa học, công khai trong báo cáo PAPI năm 2015 vừa được công bố.
Còn trong vụ cá chết trắng ở bờ biển miền Trung, dù không có người dân nào dính vòng lao lý, nhưng cách quản lý của chúng ta rõ ràng đang có vấn đề đã khiến cuộc sống của người dân ở dải đất này thêm một phen lao đao, sợ hãi.
Mặc dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân làm chết hàng tấn cá biển tại Hà Tĩnh trong những ngày gần đây nhưng một số nhà khoa học đã đặt nghi vấn về hệ thống xả thải của dự án Formosa ở Khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh).
Trong lúc “nước sôi, lửa bỏng”, đã có người dân suýt mất mạng vì tiếc của mà ăn cá chết thì một vị lãnh đạo của Hà Tĩnh lại khẳng định sẵn sàng ăn cá chết và tắm biển Hà Tĩnh! Lãnh đạo mà còn phát ngôn ra điều phi lý đến như vậy thì người dân còn biết tin ai?
Đến thời điểm này có thể thấy, cái khó của cơ quan Việt Nam là không biết trong nước biển vùng cá chết có những gì, lưu lượng ra sao, hàm lượng bao nhiêu, quy trình xử lý như thế nào? Câu trả lời lẽ ra phải rất đơn giản vì chúng ta có sẵn nhân lực, vật lực, mỗi năm, Việt Nam đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho công tác nghiên cứu khoa học, đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm và không ít tiền của bỏ ra để đào tạo các thạc sĩ, tiến sĩ trong các ngành khoa học về môi trường. Đây là cơ hội để các nhà khoa học, các phòng thí nghiệm phát huy tác dụng chứ không nhất thiết phải thuê tư vấn, xét nghiệm của nước ngoài.
Cá chết trắng biển miền Trung |
Trong vụ việc cá chết hàng loạt ở vùng biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, người dân cần một sự công tâm, khách quan từ phía các cơ quan quản lý, các ngành chức năng chứ không phải là một kết luận chung chung, không có địa chỉ chịu trách nhiệm. Người làm sai nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý; người dân tin và mong kẻ đó sẽ bị xử lý nghiêm minh để làm gương cho những kẻ khác đang nhen nhóm ý đồ làm sai để trục lợi.
Nếu như cách quản lý, điều hành xã hội không minh bạch, không khoa học thì những “thảm họa” môi trường chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu như những con người thay mặt Nhà nước thực thi luật pháp thay vì mang tính răn đe, giáo dục mà lúc nào cũng “trực” có sơ hở là “đập” thì người dân sẽ không bao giờ có được cảm giác bình an khi sống trong chính ngôi nhà, trên chính mảnh đất quê hương mình; bởi ai dám nói trước một ngày nào đó mình không là nạn nhân của cách quản lý yếu kém này./.