Nỗi lo sau Tết - “tháng ăn chơi”
VOV.VN -Lo lắng nhất sau Tết là công việc trì trệ, nhiều người trốn việc cơ quan để đi lễ, các loại tệ nạn xã hội lại gia tăng.
Trước Tết, với hàng trăm thứ lo lắng bộn bề, một số người đề xuất nên bỏ Tết nguyên đán đi để chung Tết Tây như nhiều nước khác. Hôm nay, bắt đầu ngày làm việc đầu tiên sau Tết cổ truyền của dân tộc, chúng ta lại trở về những nỗi lo muôn năm cũ – Tháng Giêng là tháng ăn chơi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đã nhấn mạnh tinh thần là chủ động triển khai ngay kế hoạch năm 2017 từ ngày đầu, tháng đầu, phải thực sự bắt tay vào việc, không để tình trạng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà nhiều người hay nói.
Nhiều người mải đi lễ lạt quên cả nhiệm vụ ở cơ quan. |
Ngay trong ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, Thủ tướng đã có công điện yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của Nhân dân. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.
Sau Tết, ngoài chuyện công việc đình trệ, nhiều công ty, nhà máy không tuyển đủ người lao động thì những vấn đề về lễ hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, tàu xe đi lại… lại luôn là nỗi lo thường trực.
Với tâm lý, làm việc quanh năm chơi vài ngày có sao… đã khiến nhiều người càng có lý do để lười biếng. Và đây cũng là dịp để các loại tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nhậu nhẹt, tai nạn giao thông gia tăng.
Tết là dịp sum vầy, hạnh phúc. Sở dĩ Tết có quá nhiều thứ khiến nhiều người mệt mỏi với nó là vì cách ứng xử của chúng ta có nhiều thứ thái quá. Ví dụ, Tết đến lại nặng chuyện quà cáp, biếu xén nên phải chạy đôn chạy đáo, khiến cơ thể, tinh thần mệt mỏi, cáu gắt… Chưa hết những mệt mỏi trước Tết, được nghỉ ngơi vài ngày lại sa đà vào rượu chè, chúc tụng. Đến khi đi làm trở lại thì mệt mỏi, không có tinh thần xung khí. Những thứ này dồn lại khiến nhiều người có tâm lý chán Tết, muốn bỏ Tết truyền thống.
Sau Tết năm nào cũng vậy, nhiều doanh nghiệp lại “khản cổ” kêu không tuyển đủ lao động, dây chuyền sản xuất bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc xuất các đơn hàng, kéo theo hàng loạt hệ lụy khác không thể đo đếm bằng tiền. Còn cơ quan Nhà nước, không hiếm nơi “đóng cửa” đi chúc Tết hoặc đi lễ chùa đầu năm.
Đất nước ta đang đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thế nhưng, vẫn thói quen sinh hoạt, ứng xử với Tết một cách rườm rà, hình thức, thậm chí dựa hơi Tết để buông, để rũ bỏ trách nhiệm với công việc đã khiến guồng công việc bị ngưng trệ, phải mất một thời gian dài mới lấy lại được “phong độ, khí thế”.
Nỗi lo sau Tết – có những thứ là bất khả kháng nhưng có những thứ lại do chính chúng ta tạo ra. Nếu không nâng cao tính kỷ luật, trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao thì những thứ trì trệ, ì ạch sau Tết sẽ không bao giờ mất đi mà nó sẽ ngày càng trở nên trầm trọng, kéo lùi sự phát triển chung của đất nước./.
Tắc đường ngày Tết: Lỗi tại dân hay nhà quản lý?