Ồ ạt xây dựng tượng đài: Hà Nội liệu có vội vàng?
VOV.VN-Việc xây dựng tượng đài phải tính đến giá trị lịch sử- văn hóa- mỹ thuật, phải tính đến vị trí đặt tượng đài và sự tương tác với không gian xung quanh.
Những ngày gần đây, có nhiều ý kiến bàn luận về Dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Hà Nội vừa được Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Hà Nội công bố. Sở dĩ Dự thảo này vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích vì thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng và không có cơ sở thực tiễn, đồng thời thể hiện tâm lý nóng vội của các cơ quan chức năng.
Dự thảo Quy hoạch xây dựng hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng 2030 được thực hiện dưới sự tư vấn của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia. Theo Dự thảo này, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ xây dựng mới 35 tượng đài, trong giai đoạn từ 2015- 2020 sẽ ưu tiên xây dựng 11 tượng đài về các danh nhân, các sự kiện gắn với lịch sử Thủ đô và các biểu tượng cửa ngõ vào trung tâm Hà Nội…
Ai cũng hiểu rằng, việc xây dựng quy hoạch hệ thống tượng đài tương xứng với quy mô phát triển đô thị và xứng tầm với bề dày văn hóa, lịch sử của Thủ đô là việc làm cần thiết. Và cũng có thể nhiều người đồng tình rằng, con số 34 tượng đài hiện có tại Hà Nội là khá ít, nếu xét tới bề dày lịch sử, văn hóa của một thành phố rộng hơn 3.000 km2 và có ngàn năm tuổi.
Vậy thì tại sao nhiều người giật mình với đề xuất sẽ xây dựng thêm 35 tượng đài ở Hà Nội trong 15 năm nữa và nhiều người lên tiếng phản đối? Câu chuyện này xuất phát từ nhiều lý do.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại chất lượng 34 tượng đài hiện có của Hà Nội. Theo các chuyên gia, khá nhiều trong số các tượng đài hiện có ở Hà Nội hoặc là được xây dựng với chất lượng mỹ thuật không cao, hoặc là hình thức và quy mô không phù hợp với cảnh quan, nên chưa được phát huy được đúng vai trò của mình. Vì thế, chúng ta đang thiếu những tượng đài đẹp, có ý nghĩa lịch sử, nhân văn và thừa những tượng đài xấu, không phù hợp và thiếu hiệu quả.
Thứ hai, số tác giả giỏi về lĩnh vực tượng đài ở nước ta còn ít. Các mẫu tượng đài đẹp chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Một thực tế ở nhiều nơi hiện nay là xây dựng tượng đài thường làm với quy mô khá lớn chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể, cảnh quan môi trường, không gian kiến trúc, nội dung của công trình, năng lực của nghệ sĩ và điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Không ít trường hợp là cách tranh thủ “giải ngân”, giá trị tượng đài không tính bằng nghệ thuật mà bằng tiền bạc. Đến khi bắt tay vào xây dựng tượng đài thì thiếu kinh nghiệm, thiếu thời gian, rút ruột công trình, dẫn đến việc tượng đồng rỉ xanh, đài đá nứt vỡ… gây phẫn nộ dư luận. Tượng đài ở Hà Nội cũng không nằm ngoài xu hướng chung này.
Theo Dự thảo Quy hoạch vừa được công bố thì bức tranh của tượng đài Hà Nội trong tương lai sẽ như thế nào? Theo quy hoạch đó, tất cả các quận, huyện, các cửa ô đều có tượng đài. Trong vòng 15 năm tới, mỗi năm chúng ta xây 2 tượng đài, trung bình mỗi tượng đài hai chục tỷ đồng... Dư luận lo ngại khi mường tượng về bức tranh ấy, bởi nếu làm ồ ạt rất dễ bị mắc sai lầm, tạo ra các công trình không có nhiều giá trị.
Việc xây dựng tượng đài phải tính đến giá trị lịch sử- văn hóa- mỹ thuật, phải tính đến vị trí đặt tượng đài và sự tương tác với không gian xung quanh. Câu hỏi nhiều người đặt ra là: Hà Nội liệu có xứng tầm hơn khi có thêm 35 tượng đài? Hay đây có phải là tư duy thích "hoành tráng" mà lâu nay nhiều người vẫn mắc?
Đã đến lúc chúng ta cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng các tượng đài cần có cho Thủ đô. Nếu tính trung bình mỗi tượng đài xây 20 tỷ đồng, thì việc xây dựng 35 tượng đài mới tiêu tốn khoảng 700 tỷ đồng. Số tiền này rất cần cho việc xây dựng thêm các trường học, bệnh viện, hay những không gian công cộng đậm chất văn hóa của người Hà Nội.
Mong rằng lãnh đạo và các ngành chức năng của Hà Nội hãy biết lắng nghe, để cân nhắc kỹ càng và có những quyết định thận trọng. Qui hoạch tượng đài Hà Nội rất cần, nhưng cùng với bản quy hoạch đó, người dân còn mong chờ ở những người có trách nhiệm những chữ: Tài, Tâm và Tầm. Chỉ có thế, mọi quyết định mới vấp phải ý kiến phản đối của dư luận và tượng đài mới có thể bền vững mãi với thời gian./.