Phải “sạch” từ giáo dục mới mong “sạch” được xã hội
VOV.VN - Muốn đổi mới giáo dục thì sự trung thực phải đặt lên hàng đầu. Một nền giáo dục "sạch" là một nền giáo dục công bằng.
Câu chuyện gian lận thi cử càng lúc càng đau lòng khi danh sách thí sinh dần lộ diện, trong đó có thí sinh từng là “thủ khoa” nay bẽ bàng tự xin thôi học. Hậu quả ngày hôm nay, ai phải chịu trách nhiệm? Những ông bố, bà mẹ mang danh “cán bộ” không thể phủ nhận sạch trơn rằng “tôi không can thiệp” để con mình đỗ đạt. Nói như vậy thêm một lần nữa làm tổn thương con trẻ. Chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường, ăn chưa no- lo chưa tới, không thể tự mình làm cái việc “tày trời” như vậy nếu không có sự tiếp tay của quyền và tiền.
Vụ gian lận thi cử năm 2018 cũng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm |
Còn rất nhiều câu hỏi cần giải đáp xung quanh vụ việc rúng động này nhưng có một điều chắc chắn rằng, câu chuyện Hòa Bình, Sơn La hay Hà Giang cũng chỉ là hệ lụy của việc xử lý không nghiêm tình trạng gian lận thi cử ở những mùa thi trước. Và cũng không loại trừ, vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Câu chuyện thiếu trung thực, thậm chí mất công bằng trong giáo dục lâu nay không còn là chuyện hiếm. Hiện tượng “chạy chọt”, lo lót để con có một suất học ở trường tốt diễn ra phổ biến, nhất là tại các thành phố lớn. Không phải đợi đến khi con bước vào “ngưỡng cửa cuộc đời” mà ngay cả khi đứa trẻ mới bước chân vào cổng trường mầm non, cha mẹ đã nhúng tay can thiệp.
Chạy trường-chạy lớp là một trong những biểu hiện rõ ràng và cụ thể của tình trạng tham nhũng trong ngành giáo dục. Đó là kết quả nghiên cứu của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) phối hợp cùng các nhà nghiên cứu độc lập thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã chỉ ra.
Mỗi đứa trẻ, muốn thành công trong cuộc đời phải tự lực phấn đấu chứ không thể dựa vào quyền thế của bố mẹ. Không để cho con trẻ tự bước trên đôi chân của mình, dùng tiền can thiệp để chúng có cơ hội học tập tốt hơn người khác, rồi sau khi ra đời, lại tìm cách “chạy chọt” vào những cơ quan “béo bở”. “Trưởng thành” trong môi trường đó, ai dám đảm bảo rằng, những chủ nhân tương lai của đất nước không tiếp bước cha mẹ chúng, tìm cách để lấy lại số tiền đã "đầu tư".
Cho đến nay, danh tính các phụ huynh có con được can thiệp điểm thi đã dần lộ diện và thật "dễ hiểu" khi số đó phần lớn là cán bộ có chức, có quyền, con em ngành giáo dục, công an hay doanh nghiệp... Tuyệt nhiên không thấy có cháu nào là con công nhân hay nông dân- những người ít có khả năng tài chính để "lo lót" cho con em mình. Mặc dù nhiều phụ huynh đã lên tiếng phủ nhận sự can thiệp của mình đối với kết quả thi của con nhưng dư luận cho rằng, đó chỉ là sự ngụy biện.
Bất kỳ ai, nếu có bằng chứng tham gia vào vụ việc này, dùng tiền can thiệp để trục lợi đều vi phạm pháp luật. Nếu phải xử lý hình sự các vị phụ huynh thì cũng là việc đáng làm để giữ nghiêm kỷ cương-phép nước, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với công cuộc phòng chống tham nhũng.
Muốn đổi mới giáo dục thì sự trung thực phải đặt lên hàng đầu. Một nền giáo dục "sạch" là một nền giáo dục công bằng. Không thể dùng tiền để tước đoạt cơ hội học tập của người khác… Phải loại trừ các loại “chạy” trong giáo dục, từ mầm non cho tới sau đại học, kể cả “chạy” học hàm học vị! Phải “sạch” từ giáo dục mới “sạch” được xã hội!
Còn tệ đạo văn, dối trá hay mua bằng, bán điểm… trong môi trường giáo dục sẽ còn những hệ lụy khôn lường. /.
Gian lận thi cử: Bố mẹ là thủ phạm, con là …nạn nhân!
Gian lận thi cử dù tinh vi đến đâu cũng sẽ bị phát hiện