Phát huy sức mạnh cội nguồn
VOV.VN-Nguồn lực chất xám của những người con mang trong mình dòng máu Việt đang trở thành khối tài sản quý báu của đất nước.
Dù đi đâu và làm gì trên khắp thế giới, người Việt Nam vẫn luôn nhớ về quê cha đất Tổ. Nguồn lực hướng về đất Mẹ của kiều bào mỗi năm lại vượt lên một nấc thang mới, được tăng cường kết nối mạnh mẽ để sự vinh hiển của người Việt không chỉ hiện hữu ở nước ngoài mà còn góp phần làm phồn thịnh quê hương. Sự hậu thuẫn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã trở thành nguồn lực vô biên làm nên những giá trị lịch sử to lớn cho đất nước và dân tộc - sức mạnh của sự kết nối hàng triệu trái tim mang dòng máu Lạc Hồng- sức mạnh cội nguồn.
Những năm qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng quê cha đất Tổ, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là điều kiện để lực lượng trí thức, chuyên gia, doanh nhân là người Việt Nam ở nước ngoài phát huy sở trường, làm cầu nối với bạn bè thế giới, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.
Kiều bào về dự chương trình "Xuân quê hương 2014" (báo Công thương) |
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, kiều bào ta ở hải ngoại vẫn dành những khoản tiền tiết kiệm gửi về nước góp phần đầu tư, giúp đỡ gia đình, giúp đất nước có thêm nguồn lực phát triển. Việt Nam là một trong 9 nước có lượng kiều hối gửi về nhiều nhất. Năm 2012 là 10,5 tỷ USD, năm 2013, tuy kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng vẫn tăng lên 11 tỷ USD. Đây là nguồn lực vật chất thiết thực đóng vai trò hết sức quan trọng, tác động tích cực đối với nền kinh tế Việt Nam.
Sự gắn kết giữa hàng triệu người con đất Việt ở nước ngoài với đất nước quê hương ngày càng trở nên khăng khít, chặt chẽ. Trước hết là nhờ ở thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Hiện có khoảng 400.000 chuyên gia, trí thức sống chủ yếu ở các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Australia, Pháp, Nga, Canada, Đức... hoạt động trên nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn như tin học, viễn thông, điện tử, vật liệu mới, chế tạo máy, điều khiển học, sinh học, vật lý, quản lý kinh tế… Đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài được đào tạo và tiếp cận môi trường khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại, có phương pháp quản lý kinh tế vĩ mô và chuyên ngành; có khả năng phát huy sáng tạo, có năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất và tạo dựng mối quan hệ với các cơ sở khoa học, kinh tế ở nước sở tại. Rất nhiều người Việt đã đạt được vị trí quan trọng trong các cơ sở kinh tế, khoa học hàng đầu trên thế giới.
Nguồn lực chất xám của những người con mang trong mình dòng máu Việt ở khắp nơi trên thế giới đang trở thành khối tài sản quý báu của đất nước, cần được nhân lên và tạo điều kiện để kiều bào ta được góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực quí báu của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với thế giới. Điều đó không chỉ được xác định bởi chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước qua Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị năm 2003 mà còn xuất phát từ chính bản chất mối quan hệ máu thịt giữa những người con xa quê với cội nguồn đất Mẹ. Hình ảnh cụ thể của hàng chục triệu gia đình người thân sống ở quê nhà và dải đất thân thương hình chữ S, đêm ngày cuồn cuộn sóng triều Đông luôn hiện hữu trong tâm thức của gần 5 triệu trái tim người con đất Việt đang sinh sống, làm việc tại 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Sức mạnh cội nguồn là chất liệu đặc biệt quy tụ sức mạnh cộng đồng, kết nối những người con đất Việt xa quê, là cái gốc vững bền để tạo nên những chính sách cụ thể, hợp lý và thiện chí nhằm phát huy nguồn lực to lớn của người Việt Nam ở nước ngoài, cộng hưởng nội lực làm nên sức mạnh Việt Nam trong thời đại hội nhập toàn cầu./.