Phiến đá Nhật ghi chữ “A Hào” và câu chuyện văn hóa du lịch
VOV.VN - Mới đây, người dân Nhật Bản tỏ rõ sự bức xúc khi một phiến đá thuộc di tích lịch sử xuất hiện chữ viết "A Hào".
Vụ việc nhân viên tại khu di tích thành cổ Yonago, tỉnh Tottori, Nhật Bản, mới đây phát hiện dòng chữ A. Hào nguệch ngoạc cùng những hình vẽ ngôi sao và trái tim xung quanh được khắc bằng vật nhọn trên bệ đá nằm ở vị trí cao nhất trong khu di tích đã và đang nhận được sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng mạng xã hội.
Chữ "A Hào" trên một phiến đá thuộc di tích lịch sử của Nhật Bản. |
Không phải bây giờ, những hành động xấu xí, thiếu suy nghĩ thể hiện sự yếu kém về nhận thức của một bộ phận du khách mới xuất hiện, mà hiện tượng này khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới và Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ.
Đầu năm 2017, tại chùa Thiên Mụ, Thừa Thiên Huế, một số du khách đã để lại "chiến tích" là một ma trận chữ trong lòng Tháp Chuông, một bảo vật quốc gia.
Tháng 3/2016, nhiều nam thanh nữ tú vô tư ghi tên lên bia đá trên núi Bài Thơ (Hạ Long, Quảng Ninh). Năm 2015, cột mốc đỉnh Fansipan (được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương) bị phủ đầy chữ viết.
Thậm chí, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, nhiều di tích lịch sử như Văn miếu Quốc tử giám, chùa Một cột, Tháp Bút... cũng không thoát khỏi "bút phê" của những du khách thiếu ý thức.
Một vài ví dụ để thấy, khái niệm về Văn hóa du lịch, về cách hành xử với di sản vật thể dường như đang biến mất trong nhận thức của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay. Những di tích qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố vẫn vẹn nguyên. Đáng buồn lại bị tổn thương ngay trong thời đại văn minh.
Xét về mặt tâm lý, chuyện muốn lưu lại dấu ấn, đánh dấu sự có mặt của mình rất dễ hiểu. Tuy nhiên, trong thế giới văn minh ngày nay, bất cứ di tích nào được công nhận bảo vệ sẽ có nội quy và được pháp luật bảo hộ. Việc hồn nhiên vẽ bậy là điều khó có thể chấp nhận. Bởi nó khiến những không gian vốn được nâng niu, trân trọng trở nên nhem nhuốc, mất đi giá trị vốn có.
Không chỉ là hành vi thiếu ý thức, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật khi hủy hoại các di sản có giá trị về mặt văn hóa lịch sử. Không ít du khách sau cơn bốc đồng đã tỏ sự hối hận về hành vi của mình. Nhưng những lời xin lỗi muộn màng ấy không thể trả lại sự vẹn nguyên cho di tích và cũng không thể làm nguôi ngoai sự bất bình của những người dân có tinh thần tự hào về lịch sử văn hóa dân tộc.
Trở lại câu chuyện mới đây nhất tại đất nước mặt trời mọc. Dù nổi tiếng với truyền thống về lòng hiếu khách nhưng người dân Nhật Bản đã tỏ rõ nỗi bức xúc với hành động vẽ bậy lên di tích. Sở cảnh sát địa phương cũng đã mở cuộc điều tra và cho biết: Sẽ có hình phạt nghiêm khắc, thậm chí là phạt tù nếu bắt được thủ phạm.
Cuối tháng 3/2017, bộ Văn hóa thể thao và Du lịch đã ban hành bộ quy tắc trong du lịch nhằm định hướng du khách những điều nên và không nên làm. Trong đó có quy tắc: Không phá hoại cảnh quan môi trường khi đi du lịch kèm theo chế tài xử phạt. Tuy nhiên, trước căn bệnh hành xử thiếu ý thức với di tích lịch sử cho thấy: Bộ quy tắc vẫn chưa thực sự đi vào đời sống, dù thực tế đây là nhu cầu cấp bách của xã hội.
Để cải thiện tình hình, không có giải pháp nào khả thi hơn việc tăng cường tuyên truyền, trong đó đề cao vai trò của cá nhân và cả cộng đồng. Một di tích lịch sử muốn được bảo vệ nguyên trạng, ngoài quy định pháp luật rất cần ý thức tự giác của người dân, sự giám sát của cả cộng đồng và sự văn minh của du khách./.