Thi đua yêu nước – nguồn lực không bao giờ cạn
VOV.VN -Thi đua yêu nước không chỉ là các phong trào mà đã trở thành nếp nghĩ và hành động hàng ngày của từng người, đơn vị.
Thi đua yêu nước là một tư tưởng lớn của Bác Hồ, gần 7 thập kỉ qua thể hiện trên thực tiễn bằng những phong trào thiết thực, mang tính cách mạng, nhân văn sâu sắc. Hiện nay, chúng ta đang đứng trước nhiều thử thách, khó khăn, đòi hỏi phát huy cao độ lòng yêu nước trong mỗi người, song cũng phải tránh những biểu hiện lệch lạc dễ bị kích động, lợi dụng. Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vì vậy, cần được nhận thức và thực hiện đúng đắn, hiệu quả.
Lịch sử cho thấy, tinh thần yêu nước nồng nàn chính là sức mạnh to lớn nhất giúp dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn thử thách, giành những thành tựu vẻ vang trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Chắc hẳn đến bây giờ, người dân ta từ trẻ đến già vẫn còn nhớ về những phong trào thi đua thời xa xưa như “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”... Còn gần đây là các phong trào thi đua và các cuộc vận động “Xóa đói giảm nghèo”, “Ngày vì người nghèo”, “Tấm lưới nghĩa tình”, “Vì Trường Sa thân yêu”, “Dạy tốt, học tốt”, “Lao động giỏi, sáng tạo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, “Thanh niên tình nguyện”, “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”...
C
Thi đua trong lao động chính là thi đua yêu nước (ảnh minh họa)
Thi đua yêu nước không chỉ là các phong trào, khẩu hiệu, mà đã đi vào thực chất, trở thành nếp nghĩ và hành động hàng ngày của từng người, từng đơn vị, tổ chức, từng cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Thông qua thi đua nêu gương điển hình góp phần nhân rộng nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực.
Bên cạnh những thành tựu to lớn, hiện nay đất nước ta đang đứng trước nhiều thách thức to lớn, đan xen nhau và diễn biến phức tạp. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm cần phát huy cao độ tinh thần thi đua yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc để không tụt hậu về kinh tế, không suy thoái về tư tưởng, đạo đức, không đầu hàng “giặc nội xâm” tham nhũng, không để tệ quan liêu, lãng phí hoành hành... Và còn nữa, thế lực thù địch bên ngoài cũng không thể xâm hại đất nước ta nếu như chúng ta biết phát huy các phong trào thi đua yêu nước cả theo bề rộng và chiều sâu. Lấy ví dụ trong những ngày gần đây, khi chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước bị xâm phạm, nhân dân ta đã bày tỏ sự phẫn nộ, khẳng định quyết tâm đấu tranh vì công lí, vì chủ quyền và danh dự dân tộc.
Có nhiều cách biểu hiện lòng yêu nước và đa số đã được trân trọng, hưởng ứng, kể cả những cuộc xuống đường tự phát trong trật tự, lành mạnh và nghiêm túc. Tinh thần yêu nước, đoàn kết đồng lòng ấy phần nào đã làm cho thế lực cường quyền phải dè chừng, chùn bước, còn những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì khâm phục, ủng hộ.
Tuy nhiên, một số kẻ đã lợi dụng việc biểu thị tinh thần yêu nước để thực hiện hành vi xấu, có cả âm mưu đen tối. Có kẻ còn kêu gọi, cổ vũ cho những hành vi bạo lực, khủng bố. Vì vậy, mọi người cần tỉnh táo để nhận rõ những việc làm phản động đó, còn cơ quan chức năng cần phát hiện và ngăn chặn, xử lí nghiêm minh theo luật pháp.
Hơn lúc nào hết, người Việt Nam ta lúc này, cả ở trong nước và ngoài nước, cần đoàn kết thống nhất thành một khối. Phong trào thi đua yêu nước, ngoài bảo vệ chủ quyền còn phải tiếp tục triển khai hiệu quả, thiết thực trên nhiều mặt trận khác nữa, để đất nước ta thực sự độc lập, tự chủ trong tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, không lệ thuộc vào bất cứ ai. Nhưng muốn làm đúng trước hết cần hiểu đúng. Thi đua yêu nước, theo Bác Hồ, là tự mình làm cho mình mạnh lên, làm cho nhân dân no ấm, Tổ quốc độc lập, tự do. Bác cũng dạy rằng, thi đua yêu nước là “người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua”, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, làm thường xuyên, liên tục.
Tất cả mọi người đang đồng lòng, tự tin bước và những cuộc thi đua mới bằng nhận thức và quyết tâm mới trong từng vị trí xã hội hay công việc, chức trách được giao. Bởi, đối với người Việt Nam ta, tinh thần thi đua yêu nước chính là nguồn lực không bao giờ cạn./.